Bãi Trũ, Nơi Hai Lâǹ Tôi Đã Đêń

BÃI TRŨ, NƠI HAI LẦN TÔI ĐÃ ĐẾN…

thân tặng nhà thơ Ngọc Bội (Portland, OR)

Thưa quý bạn, quý vị,

Những ngày gần đây, đọc tin tức thời sự thế giới, tiện nhân biết có hàng triệu người dân Ukraine phải bỏ nước ra đi lánh nạn chiến tranh, sau cuộc xâm lược vô cớ của Putin. Làm tiện nhân chạnh nhớ cuộc chạy giặc Tây vào năm 1945, của chính gia đình mình, lúc tiện nhân mới được 5 tuổi. Chiến tranh nào cũng tạo nên gian truân và khốn khổ cho người dân. Bèn xin phép quý vị được kể lại, dưới góc cạnh chủ quan, cuộc chạy giặc Tây năm 1945, và giặc Việt Cộng, từ sau ngày 30/4/1975, trong một bài viết khá dài, thuộc loại cà kê dê ngỗng, hoặc tâm sự loài chim biển, với nhiều nhân vật và tình tiết ‒mà tác giả ráng thu gọn trong một dàn bài đơn giản, nhưng đầy đủ.

kim thanh

Lên Mạng Ảo Việt Nam, người ta đọc thấy Bãi Trũ là một hải đảo thuộc Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên, tỉnh Khánh Hòa, Nha Trang. Tuy đã hai lần đến đó rồi, trong hai trường hợp khác nhau, rất đặc biệt, nhưng hồi ấy, tôi không rõ Hòn Tre là tên một xã, một ấp, hay một thắng cảnh. Bây giờ thì tôi biết chắc, vẫn qua những trang Mạng, nó là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Nha Trang với những dãy khách sạn mái và tường sơn màu đỏ chói, để câu khách. Cũng y như Hòn Chồng, gần nhà tôi, ở Xóm Bóng, nơi mà lúc nhỏ tôi thường ra nhảy, từ trên bờ đá cao, xuống nước tắm và những du khách phương xa đều háo hức đến ghé xem. Hòn Chồng, nơi mà, năm 1984, sau hai lần vượt biên thất bại, tôi đã nhảy xuống, cùng với em gái Bội Trân, để bơi ra ghe lớn đang đậu chờ ngoài khơi, trong một chuyến đi thứ ba. Tôi còn nhớ rõ, lúc ấy, cả hai đã bơi một cách thong thả, để dưỡng sức. Hễ mệt thì thay nhau bơi ngửa và thay nhau quan sát hiện trường, không để lạc hướng. Khoảng cách chừng ba trăm mét thôi, bình thường không có gì khó đối với chúng tôi –là những đứa con của biển, biết, và thích, bơi từ nhỏ. Nhưng tối hôm ấy, chúng tôi thấy quá xa, dường như không bao giờ đến đích. Chuyện này, tôi đã kể trong bài “Marita, mây bay ngàn năm”.

1. Bãi Trũ, tôi đã đến, lần đầu, vào cuối năm 1945, khi mới được năm tuổi ba tháng, để lánh nạn chiến tranh giữa lính Tây và du kích Việt Minh. Trí óc non nớt của tôi, lúc bấy giờ, còn nhớ hai bên đánh nhau dữ dội, đêm nào cũng nghe tiếng súng, tiếng bom, tiếng lựu đạn, và phía Việt Minh nằm chết như rạ. Đối diện nhà tôi, là một trường tiểu học công lập (về sau biến thành một chợ cá), phải đóng cửa, và đêm đêm thương binh Việt Minh được chở về nằm đầy kín các phòng lớp. Tôi tò mò đến đứng bên cửa sổ dòm vô trong xem, nghe thấy họ rên la, quằn quại. Lính Tây bị thương, ít hơn, được chở về các doanh trại của họ, ba tôi nói.

Trước nhà tôi có một cây lâu đời, không biết do ai trồng, gọi là cây “chùm ngây”, rất cao và đầy cành xum xuê. Lá nhỏ xíu, được dùng làm thuốc trị bá bệnh. Nhà có ai bị cảm sốt, mẹ tôi hái một nắm lá, đun sôi, và bắt uống, chừng hai tiếng sau là khỏi. Một buổi chiều, cha Bernard Mỹ, thuộc dòng Phan-xi-cô (“Franciscain”, do Thánh François d’Assise thành lập), đi chơi đảo về bị say sóng, ghé nhà tôi xin nằm nghỉ một chốc, mẹ bèn hái lá này, giã ra, cho cha bôi lên trán, mũi và cổ họng, thì độ một giờ sau, sóng nào dữ cách mấy cũng hết say. Vài bà hàng xóm thường đến xin hái đem về chữa những bệnh lặt vặt, không tên.

Phía cuối con đường hẻm, về phía đông, là nhà dòng La-San (lấy tên Thánh Jean-Baptiste de La Salle), còn được gọi là dòng Frères (des Écoles Chrétiennes), và lính Tây đóng đô rất nhiều tại đó, ước chừng một tiểu đoàn. Ở kế bên, chính giữa, xa xa, là tu viện Phan-xi-cô, mà cây thánh giá to tướng chĩa thẳng vô nhà tôi, có nhiều tu sĩ Pháp, nhưng không thấy một anh lính Tây nào đến chiếm ngụ, chẳng hiểu tại sao. Bụt nhà không thiêng chăng?

Băng ngang đường làng Xóm Bóng, có một hệ thống dây điện thoại chằng chịt từ thành phố đến dòng La-San, tức căn cứ lính Tây. Đến cổng nhà tôi, sẵn có cành “chùm ngây” la đà, một đoạn dây điện thoại được móc vào. Cứ mỗi ba đêm, du kích Việt Minh về, cắt dây. Sáng sớm, một thằng Tây Ma Rốc Đen Ngòm gõ cửa, hầm hầm bước vô nhà, la lối, mắng mỏ. Ba phải giải thích. Nghe ba nói tiếng Pháp nhuần nhuyễn, không phải tiếng Tây bồi, thằng Ma Rốc có vẻ nể nang, bắt tay ba, bỏ về. Nhưng kể từ đó, sáng nào thấy dây điện thoại trước cửa nhà bị cắt, ba đạp xe đi làm sớm, để mẹ và tôi chịu trận. Thời ấy, tôi chưa đi học, tiếng Việt còn chưa biết viết và nói thông suốt, huống chi tiếng Tây tiếng u.

Một ông cậu ruột tôi, tên Lê Văn Bương, mà chúng tôi gọi là cậu Bốn, mặc dù là em thứ ba của mẹ tôi (chị Cả, được gọi là chị Hai), bị ai đó dụ, bỏ học ngang, bỏ thi brevet Tây, đi theo Việt Minh, làm trưởng một nhóm du kích xã Cù Lao, Xóm Bóng. Thỉnh thoảng vào ban đêm, cậu ghé nhà tôi, rủ rỉ rù rì nói chuyện với ba. Một lần, ba đem việc dây điện thoại ra kể. Từ đó, dây không còn bị cắt ở khúc nhà tôi nữa. Tôi còn nhớ như in, vào lần thăm chót, cậu ôm hôn tôi, và nói với ba mẹ: “Em thấy mặt mũi thằng cháu Quý sáng sủa, thông minh, sau này cháu sẽ học rất giỏi lắm đó”. Đêm ấy, cậu Bốn bị Tây phục kích, bắn chết, tại dốc dòng Phan-xi-cô, khá xa nhà tôi. Nghe tin, tôi chạy ra xem xác, cùng với mẹ, dì Ba, và bà ngoại. Thấy ngực cậu bị bắn nát, đỏ lòm máu. Không ai dám khóc, vì sợ Tây. Một người hàng xóm tốt bụng đem một chiếc mền cũ đắp lên xác cậu. Sau 30/4/1975, ông bà ngoại được cấp bằng khen có con là liệt sĩ. Còn ba, vì vụ cậu Bốn, mà bị kẹt giữa hai lằn đạn, một cách oan uổng: Việt Minh kết án ba theo Tây hại Cách Mạng; trái lại, Tây thì buộc tội ba thông đồng với Việt Minh và bắt ba giam một ngày, để tra hỏi.

Xóm Bóng không thuộc vùng giao tranh trực tiếp giữa Tây và Việt Minh, nên ba mẹ không lo lắm. Điều đáng sợ nhất là máy bay thả bom, mới đầu còn lai rai, về sau liên tục mỗi ngày, từ tờ mờ sáng. Khiến ba phải xếp một lớp đá chắn quanh tường, dưới một bộ phản bằng gỗ lim, để ban đêm, khi cần, cả nhà chui xuống nấp. Còn ban ngày, lên tạm trú nhà ông bà ngoại, phía sau có đào một căn hầm với mái che sát rạt mặt đất để tránh bom từ máy bay. Nghe tiếng phi cơ bay lượn trên trời, và bom nổ ầm ầm dưới đất, cả nhà hối hả chạy bay xuống hầm, nhanh như chớp. Lúc đầu còn sợ hãi, riết rồi quen, thấy nhàm như cơm bữa.

2. Trở lại với Bãi Trũ. Một đêm tối trời, mẹ dắt tôi, và Trọng, đứa em kế, độ ba tuổi, lên một chiếc ghe nhỏ. Cùng đi theo, có Cúc, một chị người làm, tuổi chừng mười tám tuổi, rất đẹp và cao lớn dưới mắt tôi, được mướn để chăm sóc mẹ bị bại liệt hai chân, đi đứng khó khăn, phải ăn cám, theo lời khuyên của các bà già trầu, thay cho thuốc Tây, lúc đó rất hiếm quý, và gạo trắng. Ba không đi theo, vì phải ở lại giữ nhà.

Một hôm, mẹ nói thèm uống sữa. Vào thời chiến tranh, sữa tươi là xa xỉ phẩm, không ai dám mơ đến. Còn sữa hộp, để lâu được, thuộc loại hàng cao cấp, có tiền cũng không biết mua ở đâu. Ba phải đến gặp một viên thiếu úy Tây gốc Việt, cựu chiến binh thế chiến II, đã giải ngũ, về hưu, được dân Xóm Bóng nể nang và gọi là Ông Một, mà ba quen khá thân. Nhà Ông Một là một biệt thự sang trọng ở cùng đường, được vây quanh bởi một bức tường màu vàng đậm, dưới chân Tháp Bà. Hai ông nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Rồi ba hỏi mua sữa. Ông Một không bán, nhưng đứng lên mở tủ, lấy ra một hộp tặng cho mẹ. Sau một năm, mẹ lành bệnh, ghé thăm, và cám ơn, ông.

Mẹ khỏi bệnh, nhưng Cúc xin ở luôn nhà tôi, vì là con mồ côi, không biết đi về đâu. Ba mẹ đồng ý, và trả lương hàng tháng, ép chị lấy, bởi chị luôn từ chối không nhận tiền. Về sau, khi lớn lên, phải vô Sài Gòn học, và bị đi lính xa nhà, tôi ít khi gặp Cúc, và nghe nói, năm 1965, lúc 38 tuổi, chị kết hôn, do ba mẹ đứng ra cưới hỏi, với một anh đại úy trường Hạ sĩ quan, ở Đồng Đế, nhưng không hạnh phúc, bởi anh này có máu ghen bậy, toàn bóng gió, luôn chửi mắng, có khi còn đánh đập, chị. Nghe tin không vui, từ Ban Mê Thuột, nơi đang đóng quân sau khi mãn khóa 20 Thủ Đức, tôi xin đi phép một tuần, về Nha Trang, mặc quần áo trận, đeo lon, và xách súng, đi tìm tên này, để hỏi tội. Nó trốn biệt. Cuối cùng, chịu hết nổi, chị phải làm đơn xin ly dị, do tôi xúi và với sự đồng ý của ba mẹ. Chị tạ thế năm 1972, lúc 45 tuổi, sau một cơn bạo bệnh.

3. Tôi không biết khoảng cách giữa Xóm Bóng và Bãi Trũ là bao nhiêu. Nhưng ghe chở bốn người chúng tôi rời bến lúc tám giờ tối, chèo tay (thời ấy làm gì có ghe máy), mà mãi đến chín giờ sáng hôm sau mới đến nơi. Cả đám được chủ nhà, bà Sáu, vốn là bạn đồng hương của bà ngoại tôi, tiếp đãi ân cần, sắp xếp chỗ ăn chỗ ngủ một cách chu đáo. Mẹ và Cúc lo việc bếp núc và giặt giũ. Còn tôi, Trọng và hai đứa cháu nội của bà Sáu, cùng trạc tuổi với tụi tôi, mỗi sáng, chạy ù ra biển, bơi lội, vẫy vùng trong dòng nước xanh lơ, mát rượi. Hoặc trèo lên đồi hái trái sim, hay chùm bao, ăn. Tắm, ăn, và chơi trong một không gian an bình, yên tĩnh, xa khuất chiến tranh, đạn bom, và chết chóc, như đang ở trên một cõi thiên thai nào. Tối đến, Trọng ngủ với mẹ, còn tôi, mẹ bảo ngủ với chị Cúc, trên hai chiếc giường tre đan cỡ nhỏ, được kê sát cạnh nhau. Thỉnh thoảng, chị choàng tay ôm tôi vào lòng, như chị cả ôm một thằng em nhỏ. Lần đầu tiên tôi được ngủ với, và được ôm bởi, một phụ nữ không phải là mẹ tôi. Được ngửi mùi con gái mới lớn, không trách tại sao, trong đáy tiềm thức, tôi có bệnh lãng mạn, ngay từ lúc còn nhỏ xíu cho đến hôm nay, bệnh đã trở thành nan y, kinh niên, dù bóng đời nghiêng đổ, mặc dù lúc bấy giờ, còn quá nhỏ, tôi không thấy một cảm xúc đặc biệt nào.

Một chuyện đã xảy ra mà Trọng và tôi còn nhắc mãi. Và cười mãi, cho đến bây giờ. Số là, một hôm, bà Sáu muốn bắt hai con gà làm thịt đãi cả nhà. Hai con gà bị cột bằng một sợi dây đan bằng vải thô dày, và cột vào gốc cây xoài. Mẹ sai Trọng và tôi ra sân tháo dây, bắt gà. Tôi bắt một con dễ dàng. Còn Trọng loay hoay thế nào mà sợi dây cột con thứ hai bị rối, càng cố tháo ra càng bị siết chặt hơn. Quýnh quá, Trọng bèn há miệng cắn sợi dây. Kết quả: sợi dây không cắn, mà nhè cắn đứt giò con gà. Khiến Trọng hoảng hốt và khóc quá chừng vì sợ bị la mắng. Ai nấy thay nhau dỗ dành, Trọng mới thôi khóc.

4. Ở Bãi Trũ gần hai tháng, có tin bà ngoại nhắn gọi về, vì máy bay Tây không còn dội bom nữa, và, theo ba cho biết, một số đông lính Pháp đã rút khỏi nhà dòng La-San đi đâu không ai rõ, và cũng chẳng ai biết lý do. Một ngày sau đó, chiếc ghe mà bà ngoại đã thuê đưa chúng tôi ra Bãi Trũ, lù lù xuất hiện, đến rước chúng tôi về lại Xóm Bóng. Để bắt đầu một chặng đời mới. Nói cụ thể hơn, tôi được bắt đầu đi học.

Dòng La-San là một tu viện rộng lớn, được xây trên một ngọn đồi trông ra biển khơi, gồm nhiều khu sinh hoạt và phòng ốc rải rác được kết hợp lại. Có hai lối vào: hoặc là (1) từ phía Nam, tức Xóm Bóng, tức nhà tôi, phải bước qua hết một tầng tam cấp, cao nhiều bậc để lên đồi, um tùm cây lá vây quanh, và được xây bằng gạch và xi măng, ngoằn nghèo và dài lê thê, hoặc là (2) từ phía Bắc, tức Hòn Chồng, phải bước đi trên một con dốc thoai thoải, ngang qua một khu vườn trồng nhiều thứ trái cây của Dòng, mệt muốn đứt hơi.

Phía Xóm Bóng, dưới chân tam cấp gạch, là một nhà máy xay lúa, trông rất đồ sộ, chỉ mở cửa hai tháng một năm, để dân làng, trong số có bà ngoại và mẹ tôi, chở những bao lúa đến xay ra thành gạo ăn, và chỉ trả một lệ phí nhỏ, rất tượng trưng. Người trông coi nhà máy là Frère Iréné Gẫm, nói giọng Bắc lai. Khi theo mẹ đến xem xay lúa, không hiểu sao, tôi được lọt vào cặp mắt (xanh) cận thị của thầy. Thất nghiệp mười tháng trong năm, hưỡn quá, một hôm thấy tôi đi ngang qua nhà máy, thầy bèn gọi giật lại, hỏi: “Con có muốn học chữ với thầy không?” Tôi gật đầu, lí nhí đáp: “Dạ có”. Và từ đó, tôi bỗng nhiên trở thành học trò độc nhất của Frère Iréné, một cách ngang xương. Và Frère là thầy giáo đầu tiên (hay “tiên khởi”, theo chữ dùng hiện đại) trong đời tôi. Khi dạy, thầy chỉ nói tiếng Pháp, như bắt chia các verbes, học thuộc các motsgrammaire, một cách rất kỹ. Thầy không dạy môn nào khác, không bắt ghi chép, nhưng cho bài tập đem về nhà làm. Ba thấy vậy, cũng mừng, đôi khi còn giúp ôn lại bài, hoặc giảng thêm cho tôi hiểu nghĩa chữ này chữ nọ, cũng bằng tiếng Pháp như Frère Iréné phương pháp mà, sau này, đi dạy tại các trường, tôi cho là đúng nhất, và áp dụng theo. Sau mười tháng, Frère Iréné lại bận việc xay lúa, bán cái tôi cho Frère André, người Huế rặt, đương kim “vườn trưởng” của nhà dòng. Mỗi ngày, tôi phải đi xa hơn, nhưng bù lại, được thầy cho ăn trái cây thả giàn. Trong “lớp”, tức nhà kho chứa những dụng cụ làm vườn, như cuốc xẻng, thùng và vòi nước tưới cây, thầy cũng chỉ dạy và nói tiếng Pháp, giống như Frère Iréné.

Nửa năm sau, Frère André phải đảm nhận nhiệm vụ khác, và tôi trở thành… thất học. Cùng lúc, một thầy khác, Frère Thomas, mở một lớp học miễn phí, để dạy ba môn Toán, Việt ngữ, Pháp ngữ… dành cho thanh niên trong khu vực quanh nhà dòng, đa số là Công giáo. Frère Thomas dữ dằn lắm, trong lớp luôn cầm một cây roi mây to tướng quất thẳng vào lưng những anh nào không thuộc bài. Trong lớp, hầu như tất cả đều bị ăn đòn, ít nhất một lần. Trừ tôi. Vì tôi nhỏ tuổi nhất, lại học chăm nhất, và thầy cũng nể ba mẹ tôi, mà thỉnh thoảng thầy ghé nhà thăm và đặt mua (nhưng ba mẹ tặng không) những nang mực khô, đem về mài ra làm bột đánh răng, rất tốt.

Lớp học là một trong những dãy văn phòng làm việc, gồm cả nhà bếp, không phải dãy phòng riêng của các thầy. Ngày nào chúng tôi cũng đi ngang văn phòng của một tiểu đội lính Tây còn ở lại, chỉ huy bởi một viên Trung úy trẻ, đẹp trai, vẻ mặt lạnh lùng, hách dịch. Frère Thomas bắt chúng tôi chào, nếu bất ngờ gặp gã: “Bonjour, mon lieutenant”, và dặn kỹ đừng quên chữ mon. Được chào đúng cách, và lịch sự, gã gật đầu, và bước đi thẳng.

Học tổng cộng với ba ông thầy La-San gần hai năm, tạm đủ vốn liếng Pháp ngữ, thì dòng Phan-xi-cô kế bên lập ra một trường lấy tên là “Collège Séraphique”, tiếng Việt dịch là “Trường Ái Thần”, và đăng thông cáo tuyển lựa học viên. Ba tôi lúc ấy là “ông Câu” (tức Chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ bây giờ) họ đạo Cù Lao-Xóm Bóng, liền ghi tên tôi và Trọng, mặc dù tôi quen hơi và thích học với các thầy bên La-San hơn. Tại tu viện Phan-xi-cô, tức “Collège Séraphique”, ai muốn đi tu làm cha, thì được gọi là chủng sinh.

Tôi còn nhớ, trong đám học sinh lúc ấy, có chừng năm anh không Công giáo, ghi danh xin học, theo chế độ ngoại trú (externes), mà tôi chỉ còn nhớ hai người, Nguyễn Ngọc Giao, và Lê Đức Niệm, rất hiền lành, và tử tế đối với tôi nhỏ tuổi hơn. Sau này, tôi chưa bao giờ gặp lại Nguyễn Ngọc Giao, nghe nói, không biết đúng không, anh làm lớn trong chế độ mới. Còn Lê Đức Niệm, thì năm nào đó, từ Mỹ trở về Nha Trang thăm mẹ già bị đau nặng, tôi bất ngờ được gặp lại, và đi ăn tiệm với anh lúc ấy đang làm thứ trưởng bộ thông tin, hay truyền tin, của chính phủ Việt Cộng, chuyên về điện thoại và internet gì đó (tôi không nhớ tước vị chính xác). Gặp lại nhau, chỉ nhắc về những kỷ niệm trường cũ, cuộc sống hiện tại, và dự định tương lai. Không nói một lời nào về chính trị.

Nhưng thôi, những chuyện như thế còn dài lắm, xin hẹn kể tiếp trong một dịp khác, nếu tuổi đời, và ông thần Alzheimer, cho phép.

4. Ba mươi tám năm sau, tức vào năm 1983, lúc 44 tuổi 3 tháng, tôi lại ra Bãi Trũ lần thứ hai, trong tư cách một tù nhân cải tạo được thả về, còn bị quản chế trong một xưởng dệt tại Xóm Bóng và, đồng thời, một thuyền nhân vượt biên. Lần này cũng có Trọng đi cùng. Một năm trước đó, Trọng trốn trại cải tạo Đồng Trăn, đến ẩn náu trong nhà ba mẹ, thay vì về nhà vợ tại Phan Rang. Những đêm Công An tông cửa vô nhà để kiểm soát tôi, Trọng được ba báo động bằng chuông điện, liền nhảy phóc lên mái nhà, trốn trong một phòng nhỏ xíu, được xây cất đặc biệt cho việc mưu sinh thoát hiểm này.

Chuyến đi được tổ chức bởi một ngư dân tên Trứ, đồng hương Quảng Bình với Tư, em rể tôi. Kế hoạch hơi phức tạp, không chắc ăn. Nghĩa là Trứ sẽ đưa khách bằng ghe nhỏ (được gọi là taxi) ra một hòn đảo nằm chờ trước, rồi sau đó mới tìm ghe lớn đến bốc đi. Nếu không có ghe lớn, Trứ bảo đảm sẽ chở tất cả về đất liền, an toàn, và trả lại tiền đặt cọc.

Đó là một đêm không trăng không sao, tối mò. Tám giờ, Tư chở tôi đến nhà Trứ trước –nằm dưới chân cầu Xóm Bóng, phía khu Hà Ra. Sau đó, chở Trọng, hàng quốc cấm, được cải trang kín mít như một phi hành gia sắp sửa lên Sao Hỏa, chạy lòng vòng trong thành phố Nha Trang một hồi, để đánh lạc hướng địch, rồi bất ngờ Tư ngừng lại trước cửa nhà Trứ, đẩy Trọng chui tọt vào, và biến mất. Trọng thở hổn hển, vì sợ hơn vì mệt.

Chủ nhà đãi hai tên khách quý bia, rượu cho ấm lòng chiến sĩ. Hai đứa không nói gì nhiều, và vẻ mặt nghiêm trọng còn hơn thích khách Kinh Kha trước khi vượt sông Dịch sang Tần. Đúng mười giờ, Trứ dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, nơi một chiếc ghe nhỏ đang đậu. Chủ ghe là một ông già trên 70, ốm tong teo, răng rụng gần hết.

Ông già nhét chúng tôi dưới đáy ghe hẹp, trên phủ một lớp gỗ thưa. Hai đứa phải nằm nghiêng, mặt đối mặt, nghe rõ hơi thở của nhau. Trọng bị suyễn, nên tiếng thở nghe khò khè, khá lớn. Từ nhà Trứ, tức từ chân cầu, ra bót Công An, được đặt ở giữa một khúc sông Cái, không xa bao nhiêu. Mười phút sau, ông già cập bót, trình báo giấy tờ. Chúng vẫy tay, cho đi. Bình thường ghe nhẹ tênh. Đêm ấy, chở theo hai đứa tôi, tổng cộng khoảng 120 ký lô, trừ bì rồi, ông loay hoay mãi, không đẩy nổi chiếc ghe ra khỏi bờ cát. Hai đứa hết hồn, quên cả thở. Tự nhiên Trọng dứt tiếng khò khè. Tên Công An nói lớn, giọng Quảng rặt: “Chòa, bữa ni ông giòa chửa coái chi mòa nẹng rớ hẻ” (dịch nôm: Chà, bữa nay ông già chở cái chi mà nặng rứa hỉ)? Rồi chiếu đèn pin lên khắp sàn ghe, dừng lại rất lâu chỗ chúng tôi nằm. Và sắp sửa leo lên xem thì thằng tà-lọt từ đâu chạy ra báo cáo một việc gì quan trọng, khiến hắn trở vô đồn. Thằng tà-lọt đẩy ghe giúp ông già. Ghe đụng nước, chúng tôi nghe tiếng ông thở phào, bỏ nhẹ: “Hú día! Mô Phật”. Hai đứa mừng hết lớn, và đọc kinh cảm tạ Chúa. Rồi ông già hối hả chèo ra điểm hẹn, tuốt ngoài khơi.

Mười lăm phút sau, chiếc ghe máy của Trứ xình xịch đến. Hai anh em được chuyển sang. Trong bóng đêm, tôi thấy trên ghe chở một lô khách mới, toàn đực rựa, gồm hai anh em ruột, còn trẻ, hai bô lão thuộc loại sứt cán gãy gọng, và hai đứa con nít, được giấu kín dưới lòng ghe, và đã qua bót trót lọt, không bị khám xét.

Trứ cho ghe tiếp tục chạy, và sau chừng nửa tiếng, đến một hòn đảo nhỏ mọc trơ vơ giữa biển. Đêm tối quá, nhưng Trứ không dám bật đèn pin, dẫn cả đám len lỏi qua một con đường nhỏ ngoằn ngoèo, lởm chởm đá nhọn và chằng chịt dây leo và rễ cây. Cuối cùng, lên đến một mỏm đá rộng. Trứ bảo tất cả, gồm tám người, nghỉ đêm tại đó, chỉ định tôi làm trưởng nhóm, trao nhau mật khẩu, và hẹn đêm mai sẽ trở lại cùng với ghe lớn, bốc đi. An tâm, tôi hỏi, “đây là đâu?”, anh ta trả lời, vắn tắt: “Bãi Trũ”.

Bãi Trũ. Lại đây nữa sao? Ôi, bao nhiêu kỷ niệm thời ấu thơ bỗng hiện về rõ nét trong ký ức. Vào năm 1945, tôi và Trọng cũng đã đến nơi này, một xóm nhỏ hiền hòa giữa sóng biển và bờ cát trắng xóa. Để trốn chạy giặc Tây. Gần nửa thế kỷ sau, hai đứa trở lại, nhưng lần này để trốn chạy giặc Việt Cộng, còn tàn ác hơn giặc Tây bội phần. Nằm duỗi thẳng chân trên một tảng đá lớn, thay giường, mà ôn lại chuyện cũ, tôi thiếp đi lúc nào không hay.

5. Giật mình tỉnh dậy thì mặt trời đã lên cao, nắng chiếu vào mắt, chói chang. Nhìn quanh, trong một thoáng, không nhớ ra mình đang ở đâu. Nằm rải rác trên những tảng đá sát bên tôi là bảy “đồng bọn”. Tất cả được che giấu bởi một vòm cây lá xanh tươi duy nhất, khá kín, từ bên ngoài khó thấy gì bên trong. Hồi tản cư gần bốn mươi năm trước, tôi nhớ cả hòn đảo còn um tùm cây cối, bây giờ chỉ còn lại những tảng đá trọc lóc, to nhỏ không đều, trơ gan cùng tuế nguyệt. Chắc dân làng, năm này qua năm khác, đã leo lên chặt hết cây đem về làm nhà, hay đun bếp.

Tôi lấy giỏ thức ăn và nước uống, mà đêm qua Trứ giao cho, phân phát cho mỗi người một ổ bánh mì thịt, hai viên kẹo bột, và một ca nước. Dặn mọi người không được nói lớn, vì phía dưới là dân làng, và dĩ nhiên, theo VC. Quả thế, nhìn xuống tôi thấy một lá cờ đỏ sao vàng to tướng treo từ một mái nhà, chắc là trụ sở phường, phất phới bay theo gió. Thỉnh thoảng vẳng lên nhiều tiếng cười nói ồn ào, có cả tiếng cãi vã, chửi thề inh ỏi.

Cảnh sống bất thường và đầy lo âu, hồi hộp cứ tiếp tục ngày này qua ngày khác, nhàm chán. Có những đêm nằm nghe từng tiếng máy ghe ra khơi, hoặc đi đánh cá đêm, hoặc tiến về phía những chân trời tốt đẹp hơn, mà lòng náo nức, lóe lên một tia hy vọng mong manh, chóng tàn, so với thực tại mịt mùng bóng tối. Có những ngày máy bay quan sát L19 cũ lướt qua, không biết họ có thấy gì không, nhưng cũng đủ làm nhức tim. Cả nhóm không thiết ăn uống nữa, không muốn nói năng gì nữa. Sáng dậy ai cũng ngồi thiền, tư lự, ngó mảng trời xanh xuyên qua kẽ lá, mà thở dài thườn thượt.

6. Sau sáu ngày đêm trông ngóng ghe lớn, một buổi trưa nắng gắt, chúng tôi thấy một bầy con gái trong làng ra biển tắm, đúng hơn, ra nhúng nước cho mát, vì trên người vẫn mặc đầy đủ quần áo, đùa giỡn ồn ào, phía dưới mỏm đá. Không gian yên tĩnh, tiếng họ vọng lên nghe rõ mồn một. Ai cũng sợ, tự nhiên ngồi sụp xuống, nín thinh. Trọng và hai bô lão bỗng quên cả ho. May quá, bởi chỉ cần một tiếng ho, hay nhảy mũi, là bị lộ tẩy. Lòng tôi như lửa đốt. Khoảng nửa giờ sau, một đứa chỉ tay về hướng chúng tôi, nói lớn:

– Trời nóng quá, hay là mình lên lùm cây trên mỏm đá kia ngồi nghỉ cho mát!

Nghe thế, tôi hoảng kinh, và nghĩ cách đối phó. Tôi cố tỏ vẻ bình tĩnh, mà run trong lòng, chờ tai họa đến, vì biết chắc không còn chỗ nào để trốn nữa. Tôi ra hiệu cho tất cả, nhất là đám thanh niên và con nít, hãy ngồi yên tại chỗ.

Một lát sau, các cô leo lên thật, vừa đi vừa nói chuyện. Thấy chúng tôi, cả bốn cô bỗng im tiếng, dừng bước, trố mắt, nhìn sửng, nhưng không tỏ vẻ hoảng sợ, hoặc rú lên, dường như đã quen cảnh này rồi. Một cô lớn tuổi nhất, có vẻ tử tế, trầm tĩnh hỏi, giọng đặc Bình Định, nhỏ vừa đủ nghe:

– Bộ mấy nẩu (các ông) núp ở đây để dượt biên, phải chớ?

Tôi trả lời:

– Đúng vậy. Mấy cô làm ơn đừng báo công an, phường khóm. Chỉ còn đêm nay nữa thôi, ghe lớn sẽ ra đón đi. Tôi trả ơn bằng một chỉ vàng nghe…

Vừa nói tôi vừa móc túi quần jeans, và trao cho cô gái, chiếc nhẫn vàng, làquà tặng đi đường của em gái, vợ Tư, để hai anh xài khi hữu sự. Cô lưỡng lự, đưa mắt ngó đám bạn, ngầm hỏi ý kiến. Ai nấy lặng thinh. Cô bèn gật đầu, cầm lấy nhẫn, nói:

– Thôi được, tụi tui không báo cho ai biết. Nhưng mấy nẩu nhớ, từ giờ đến sớm mai thôi nghen. Để lâu, người ta biết, kẹt cho tụi tui. Bây giờ tụi này dìa nghen.

Bốn cô xuống núi, tôi đứng ngồi không yên, lo sợ bị phản phé. Thời buổi này, làm sao tin ai cho nổi? Rồi tự an ủi: nếu bị tóm, chối cũng không xong, thà khai thật “tội vượt biên”, nhẹ hơn là “tội phản động, âm mưu trốn ra đảo để đánh phá Cách Mạng”. Và đành phó mặc cho mệnh số. Chuẩn bị tinh thần và chờ Công an lên hốt. Chờ mãi, không thấy động tĩnh gì, mới dám chắc các cô đã giữ lời hứa.

Tối đến, Trứ lại ra tiếp tế, như thường lệ. Vẫn không có cá mập. Tôi vắn tắt thuật cho Trứ nghe câu chuyện bị bại lộ buổi trưa. Nhưng anh ta vẫn câu giờ, hẹn tối mai, chắc chắn sẽ có ghe lớn. Tôi bực quá, ra tối hậu thư: “Anh hứa lèo quá nhiều rồi. Chúng tôi không thể tin và chịu đựng được nữa. Ai cũng kiệt sức. Phải chở chúng tôi về đất liền ngay trong đêm nay. Nếu không, sáng mai chúng tôi sẽ xuống làng trình diện, và dĩ nhiên sẽ khai ra tên anh. Tùy anh!” Cuối cùng, Trứ phải đồng ý chở tất cả về lại thành phố, ngay trong đêm. Và lên kế hoạch: “Tôi cần bốn người biết bơi, tôi sẽ chở qua Nha Trang trước, thả xuống cách Bưu điện chừng 100 thước, rồi lội vào bờ. Còn bốn người khác, tôi sẽ đưa qua bót.”

Bốn người biết bơi giơ tay tình nguyện, gồm Trọng, tôi, và hai anh em tên Hùng và Cường được sắp xếp ngồi trên khoang thoáng mát, cởi hết quần áo ngoài giao cho Trứ, chỉ còn quần tắm. Còn lại những người khác phải qua bót, bị ém chặt dưới lòng ghe như cá hộp, giống y lần vô đảo.

Xong xuôi, ghe nổ máy trực chỉ Nha Trang. Tôi ngoái cổ, nhìn về phía lùm cây, mỏm đá, và Bãi Trũ, vẫy tay chào vĩnh biệt, như một cơn ác mộng. Hai mươi phút sau, đến khu vực Bưu điện và thành phố leo lét ánh đèn đường. Trứ giục: “Nhảy xuống đi.” Tôi không chịu: “Anh bảo 100 thước, sao còn xa đến 200 thước vậy?”. Trứ nói, giọng sợ sệt: “Vô sâu thêm nữa, sẽ bại lộ.” Hùng lên tiếng: “Để em lội vô trước, coi tình hình”, rồi nhảy xuống trước tiên, bỏ mặc thằng em ở lại với hai đứa tôi.

Trọng và tôi bơi song song, gần nhau, liếc mắt trông chừng lẫn nhau. Cường bơi theo, lúc đầu ngang hàng, cách bên trái tôi độ nửa thước. Rồi càng lúc em càng tụt dần ra sau, và tôi không còn thấy bóng đâu nữa. Còn cách bờ khoảng 90 thước, hai chúng tôi bỗng nghe tiếng gọi thất thanh của Cường vang lên trong không gian vắng ngắt: “Anh Quý ơi, anh Trọng ơi, em đuối lắm rồi, cứu em với.” Tôi quay nhìn đằng sau, thấy Cường trồi lên ngụp xuống, và nghe tiếng mếu máo: “Anh Quý ơi! Cứu em với!”. Không hiểu sao, có lẽ vì phản xạ tự nhiên, có lẽ vì thấy tội nghiệp Cường, tôi bơi ngược trở lại, về phía em, mà quên rằng mình chưa bao giờ học cách, mà cũng chưa có kinh nghiệm, cứu người sắp chết đuối, không phao. Trọng bơi theo sau, la lớn: “Đừng, đừng, anh Quý ơi, anh sẽ bị chết theo đó.” Lúc ấy tôi đã đến chỗ Cường rồi, vừa giơ tay trái ra, thì em chụp liền, giật mạnh xuống và toan ôm thân tôi. Tôi hoảng hốt, dùng tay phải, và lấy hết sức bình sinh, cố đẩy em ra. Tuy trẻ, nhưng đã trải qua bảy ngày đêm cực khổ trên mỏm đá, Cường không còn sức, hoặc bơi không khá, hoặc cả hai, chứ bình thường, tôi nghe nói, người bị nạn sẽ ôm cứng lấy người cứu, tưởng như đó là một cột nhà, nhất là khi đến giai đoạn “trồng cây chuối” (đứng thẳng đơ). Sau một hồi vật lộn, Cường cuối cùng buông tay tôi. Tôi vội vàng đạp nước bơi đi thì em cố chụp lấy chân, và hụt. Trong đường tơ kẽ tóc. Tôi thoát ra xa, một khoảng cách vừa phải, rồi ngừng bơi, hai giây, để thở. Vừa lúc ấy, Trọng sà tới, thấy tôi không nhúc nhích, tưởng cũng đang trồng cây chuối, nghĩa là hết cứu nổi, bèn bật khóc. Tôi nói: “Anh không sao. Chỉ mệt.” Trọng mừng lắm, đổi sang thế bơi ngửa, một tay khoát nước, một tay dìu tôi bơi theo. Không đến nửa phút sau, có tiếng thét lẫn tiếng khóc của Cường: “Anh Quý ơi! Anh Trọng ơi! Cứu em! Em chết mất!” Rồi im bặt.

Bơi miết đến bờ cát trống, thấp hơn mặt đường, gần Bưu điện, chỗ có quán nhậu Gió Khơi Số Một trước 1975, với hàng thùy dương lưa thưa, nay bị dẹp bỏ. Lúc ấy, xem đồng hồ thấy mới ba giờ sáng. Trên đường không một bóng người, hay xe. Không thấy Hùng đâu. Tôi bảo Trọng: “Bây giờ còn sớm quá, mình hãy ngồi núp dưới bờ tường kia, chờ đến bốn giờ rưỡi, rồi mới đi, giả người đi tắm biển sớm, rồi về nhà Mạnh.” Mạnh là bạn thân của tôi, Đại úy Lực Lượng Đặc Biệt. Về nhà chúng tôi thì xa quá, và không ai chạy bộ vào giờ ấy, sẽ bị lộ.

Đúng bốn giờ rưỡi, trời bắt đầu sáng. Trên đường, đã có người chạy, hoặc đi ra biển. Hai anh em rời chỗ núp, leo lên đường, và bắt đầu chạy lúp xúp, như tập thể dục, theo đường Duy Tân (bây giờ đổi thành Trần Phú), về hướng Xóm Bạch Đằng, nơi Mạnh ở. Đi ngang một đồn công an, Trọng bỗng quýu chân, như muốn khựng lại. Tôi phải liên tục nhắc: “Cứ chạy tỉnh bơ, để chúng khỏi nghi.”

Cuối cùng cũng đến địa chỉ của Mạnh, có hai căn giống nhau và sát nhau, tôi không nhớ căn nào là của Mạnh. Sau một giây lưỡng lự, tôi gõ đại. Một tiếng Bắc kỳ hai nút nhừa nhựa của một người đàn bà còn ngái ngủ vọng ra: “Ai đấy? Tìm ai?”. Tôi trả lời: “Tôi muốn tìm ông Mạnh!”. Vẫn tiếng Bắc kỳ hai nút, cộc lốc: “Nhà ông Mạnh bên kia!”

Chị Mạnh mở cửa, ngón tay đặt lên môi, ra dấu bảo im lặng, và đẩy ngay hai đứa vào trong, khóa trái cửa lại. Nghĩa là chị đã nghe hết những câu đối đáp từ căn bên cạnh. Mạnh cười cười nhìn hai đứa, nói nhỏ: “Nhà đó là của thằng Công an khu vực, chuyên bắt nhốt người vượt biên. May cho hai ông, nó mà mở cửa, là tiêu đời.” Rồi Mạnh pha cà phê, mời uống. Đưa cho mỗi đứa một bộ quần áo, và nói: “Chút nữa, tôi sẽ chở Quý về trước, và nói với Tư đến tối qua chở Trọng về.”

7. Mẹ và cả nhà đã biết tin “bể mánh”, do Trứ báo cho biết. Cho nên không ai ngạc nhiên khi thấy Mạnh đậu xe trước ngõ, thả tôi xuống. Hỏi han đủ chuyện trên đảo xong, tất cả quay về đề tài người chết đuối, Cường. Khi thấy tôi cứ ân hận mãi, mẹ bảo: “Con đã làm hết sức mình để cứu nó rồi, mà không được, thôi đừng áy náy nữa”.

Hai ngày sau, xác Cường nổi lên, tắp vô bờ. Thiên hạ hiếu kỳ đi xem rất đông. Nghe Trứ kể, có cả Hùng, mẹ và chị của Cường. Họ chỉ biết đứng nhìn và khóc thầm. Sợ lộ, tôi không đến xem. Nhưng sau đó một mình lên lầu, trước bàn thờ Chúa, tôi quỳ xuống, đọc kinh cầu nguyện cho em: “Em Cường, anh xin lỗi đã không thể cứu em được. Xin em thông cảm và đừng giận anh. Suốt đời anh sẽ không quên em. Thôi em hãy ra đi bình an, không còn lo lắng, hồi hộp, sợ hãi gì nữa, vĩnh viễn xa lìa cái chế độ khốn nạn này…”

Liên, vợ của Trọng, ở Phan Rang, cho người ra Xóm Bóng nhắn tin, sẽ giới thiệu một ông thầy bói Chàm, đoán về vượt biên, “hay như thần”. Mẹ bảo tôi vô Tháp Chàm thăm gia đình Liên, nhân tiện gặp hỏi ông về việc đi đứng trong tương lai. Tôi là chúa ghét, và không tin, thầy bói, sáng hay mù, Kinh hay Chàm. Nhưng chiều mẹ, một sáng thứ bảy, tôi đáp xe đò đi Phan Rang cùng với Bội Trân. Ăn trưa xong, Liên dẫn chúng tôi đến nhà ông Chàm, gần đó.

Tôi vừa lò dò bước vô cửa, chưa kịp chào, thì ông thầy, tuổi độ 60, mặc áo rộng thùng thình và quấn xà-rông trắng, như người Miên, vẻ dữ tợn, lấy tay chỉ vào bản mặt tôi, mà nói một tràng như hét, giọng lơ lớ: “Ông mới đi vượt biên hụt trở về phải không? Có một con ma nam nó đang theo ông, vì nó thương ông. Con ma nó còn trẻ, chừng độ 17, 18 thôi. Nó chết đuối trong chuyến vượt biên cùng với ông. Ông ráng cứu nó, mà không được.” Tôi giật mình, sửng sốt nhìn Liên, rồi Bội Trân, ngầm hỏi có phải Liên đã “mách nước” cho ông Chàm, để quảng cáo? Nhưng thấy nét mặt Liên cũng ngạc nhiên không kém, tôi an lòng. Vả lại, thời ấy chưa có cell phone, ipad, và Trọng đang trốn tại nhà tôi, Liên lấy đâu ra đầy đủ tin tức, mà nhanh đến thế? Phần khác, tôi sợ ông thầy là công an giả dạng, chơi đòn đánh phủ đầu, nên ngậm miệng, không cho biết ông nói đúng hay sai. Chỉ hỏi: “Tôi có số xuất ngoại không?”. Ông khẳng định: “Không! Phải cúng con ma đó, xin nó tha đừng theo phá anh nữa, mới được!”. Bội Trân nói: “Nhưng gia đình tôi theo đạo Chúa, không biết cúng.” Ông trả lời: “Thì mướn người khác cúng thế. Cũng được!” Khi ra về, Bội Trân không quên trả “tiển quẻ” cho ông.

Về lại Nha Trang, Bội Trân kể hết câu chuyện ông thầy Chàm cho cả nhà nghe. Ai cũng lấy làm lạ. Mẹ tin, và ưu tư với việc “cúng con ma nam”, mà mẹ muốn làm lắm, nhưng biết chắc chắn các con không đứa nào chịu, mà cũng chưa biết nhờ ai cúng thay. Một tuần sau, một bà bạn của mẹ từ Sài Gòn báo tin gấp, có chuyến đi sắp sửa khởi hành, “bảo đảm” một trăm phần trăm. Ưu tiên cho Trọng đi trước, có mẹ đưa vô tận nhà bà bạn, ở chợ Vườn Chuối. Trọng đi thoát, đến Indonesia.

Trọng đi rồi, còn lại, tiếp theo, là tôi, trái bom thứ hai, và Bội Trân, tiếp viên hàng không ngụy, cũng là một thứ hàng độc, bị những thằng công an trồng cây si, nườm nượp thay nhau đến nhà quấy rầy, quá phiền. Loay hoay tìm mánh, mẹ quên mất chuyện “cúng con ma nam”. Một tháng sau khi Trọng “ra đi cứu nước”, từ Cầu Chữ Y, thành công một cách “hoành tráng”, thì bà mối Chợ Vườn Chuối lại nhắn tin có chuyến mới, vô gấp. Chắc ăn quá rồi. Tôi làm đơn xin nghỉ làm tại xưởng dệt, lấy cớ đi Sài Gòn kiếm việc dạy học, nghề cũ của tôi, để “phục vụ tốt đất nước”. Thằng phường trưởng mới nhậm chức là em cùng cha khác mẹ với một người bạn đồng ngũ thân thiết của tôi, hai gia đình quen biết nhau trước 1975, nhắm mắt ký đơn liền, sau khi nhận được một số tiền trà nước từ tay mẹ. Thấy tôi nhăn mặt, mẹ bảo: “Của đi thay người mà con. Bây giờ, muốn được việc gì, chỉ còn cách đó thôi.” Hai anh em tôi lên đường ngay. Nhưng đó là chuyện khác, lần khác, trong một bài khác. Cũng gian truân, hồi hộp, đau thương và tràn đầy nước mắt. Như trăm, ngàn chuyến ghe đời mong manh khác, ở một địa ngục trần gian, còn kinh khiếp hơn địa ngục trong Virgile, Dante, và Phạm Công Cúc Hoa, có tên “Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” của một loài khỉ đột đã biến thành người, hiểm ác nhất hành tinh, được gọi là Việt Cộng, và Hồ Chí Minh.

Portland, 5 tháng 4, 2022 Kim Thanh