TGNS – > Nguyễn Hiến Lê và Bài Học Israel

* Về Nguyễn Hiến Lê

Nguyễn Hiến Lê (1912–1984) là một nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế,…

“Tôi sinh ra và lớn lên ở ngõ Phất Lộc, trông ra bờ sông Nhị Hà. Ngõ rộng độ hai thước, dài độ hai trăm thước, mươi căn nhà dồn vào ngõ hẹp thấp hơn mặt đường đến một thước mà ngày cũng như đêm đều tối om om. Đã không có gì đẹp lại còn bẩn thỉu nữa… Bên ngoài, trên đường Bờ Sông, gần ngõ Phất Lộc có một cái đình không biết thờ vị thần nào mà kiến trúc rất đơn sơ. Hai cánh cửa gỗ luôn đóng kín, trên mái cổng tam quan có đắp một bầu rượu khá lớn nằm giữa hai con rồng uốn khúc châu đầu vào. Thuở bé, tôi được theo bà ngoại vào đình mấy lần, tôi thấy bên trong là một khoảng sân rộng vắng ngắt. Tuy vậy, mà quang cảnh lạnh lẽo trầm mặc thâm u của ngôi đình bỗng nhiên len sâu trong tâm tư tôi những khi ngồi học trong lớp, hoặc những khi tôi đến chơi nơi nào đông vui là tôi lại chạnh nghĩ đến ngôi đình, nhớ đến bà ngoại tôi. Nhất là sau ngày cha tôi và bà ngoại tôi vĩnh viễn ra đi trong cái ngõ hẹp tối tăm ấy…”

Bút danh Lộc Đình tôi dùng ký dưới một bài văn ngắn từ hồi trẻ… Lộc là ngõ Phất Lộc, còn Đình là cái đình ấy…

Cái ngõ Phất Lộc đã từng có mặt trong văn Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… Cái ngõ Phất Lộc chắc bây giờ chẳng còn mấy dáng dấp của 70 năm trước, khi người kể những hồi ức trên rời quê hương vào Nam lập nghiệp. Đó là một buổi trưa ngày rằm tháng Chạp năm Giáp Tuất, trời u ám, mưa phùn lất phất và lòng người đi buồn vô hạn. Điều buồn tiếc hơn nữa là, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, nhà văn, nhà văn hóa Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê cũng không có dịp nào được trở về…

Bây giờ thì ở Sài Gòn đã có một đường mang tên Nguyễn Hiến Lê để tưởng lệ những đóng góp của ông với văn hoá dân tộc. Bây giờ thì sách của đã được tái bản với lượng in hàng vạn bản, xếp đầy các giá ở những hiệu sách lớn. Nhưng hình như rất nhiều người Hà Nội vẫn còn chưa được biết ông chính là đứa ở của đất Kẻ Chợ Thăng Long và tên tuổi ông gắn chặt một với cái ngõ nhỏ thân yêu tự thuở thơ ấu. Ngày 22/12/2004 là kỷ niệm lần thứ 20 ngày mất nhà văn gốc Hà Nội – Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê. Sinh năm 1912, cùng năm với Hàn Mạc Tử, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, nhưng hình như định mệnh đã ưu ái với ông hơn, ông đã được sống và làm việc cách đều đặn, vì chỉ mất vào năm 1984, vì tuổi già. Song ở một khía cạnh khác, hình như định mệnh lại cũng thách ông, như một nhà văn đã viết: trong làng văn nước nhà, có lẽ không ai dự bị vào nghề lâu như anh: trên mười năm trời…". Cả một thời gian rất dài, mặc dù sách ông làm ra đã ấn hành rất nhiều, tên tuổi ông vẫn không mấy được nhắc đến. Trong cuốn Từ điển văn học, hai tập, hàng nghìn trang in khổ lớn, xuất bản 1984, không thấy một dòng nào dành cho ông. Riêng ở Hà Nội, mươi năm trở lại đây, khi hàng loạt sách của ông được bản, người đọc bình thường mới dần làm quen với tên một nhà văn, một học giả: Nguyễn Hiến Lê và có lẽ cũng còn rất ít ai biết nhà văn vốn sinh ra và trưởng thành tài từ Hà Nội.

Một lần, vào năm 1978, một nhà văn trẻ, trong khi tìm tài liệu cho một cuốn tiểu thuyết lịch sử về thành Thăng Long, đã vào Sài Gòn, tìm đến tận nhà thăm ông và xin được ông chỉ giáo. Qua câu chuyện khá dè dặt của một con người thận trọng, trầm tĩnh, nhà văn trẻ được biết ông đang cố gắng để hoàn thành một sự nghiệp với khoảng một trăm tên sách với trung bình 800 trang bản thảo đều đặn mỗi năm, như một người bạn gần gũi, ông đã viết trong một chân dung văn học, toàn bộ tác phẩm của ông ước đến mấy mươi nghìn trang in. Nào bút ký văn học. Nào khảo luận. Nào nghiên cứu. Nào dịch thuật… Một sức lao động thật kinh ngạc và đáng cho bất cứ một ai cũng phải kính trọng, khâm phục.

* Và đó là những cuốn sách như thế nào?

Hãy đơn cử mấy cuốn Khổng Tử, Mạnh Tử, Hàn Phi Tử, Đại cương triết học Trung Quốc vừa ra gần đây. Với số lượng in đến mấy nghìn bản, và chắc chắn không phải là dễ đọc lắm, vậy mà trên những quầy sách lớn Thủ đô, chỉ bày chưa đầy ba tuần đã không dễ còn tìm mua được. Còn đến lượt cuốn Liệt tử – Dương tử… “Từ trước tới nay chưa có một học giả nào, cựu học và tân học, mà có công giới thiệu Cổ học Trung Hoa bằng ông Nguyễn Hiến Lê" – một nhà văn đã nhận xét.

Nhưng ông đâu chỉ am tướng triết học hay riêng triết học phương Đông. Để có một khái niệm nào đó về nhận thức uyên bác và biên độ sáng tạo của ông trong nhiều lĩnh vực tưởng chừng khá xa nhau, ta thử lướt qua một vài tên sách trong danh mục rất dài gắn với tên tuổi, với thành quả lao động của ông.

Tôi tập viết riêng Việt. Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam. Hương sắc trong vườn văn. Trên đường thiên lý. Tổ chức công việc theo khoa học. Đắc nhân tâm, bí quyết để thành công. Xung đột trong đời sống quốc tế. Bảy bước thành công. Gương kiên nhẫn. Đông Kinh nghĩa thục. Đại cương văn hợc sử Trung Quốc. Nho giáo: một triết lý chính trị. Đại cương triết học Trung Quốc (viết chung với Chi). Sử ký Tư Mã Thiên (dịch chung với Giản Chi). Lâm Ngữ Đường: Một quan niệm sống đẹp. Dịch L.Tônxtôi: Chiến tranh và hoà bình. Dịch bộ lịch sử văn của Will Durant với các tập quan trọng nhất như: Văn Trung Hoa, Văn minh Ấn Độ, Văn minh Ả Rập, Bài học lịch sử.

Từ cổ đại đến hiện đại. Từ Tây sang Đông. Từ văn học đến triết học. Từ ngôn ngữ học đến sử học. Từ nghệ thuật là đến nghệ thuật kinh doanh. Cả về Đông y, về Tử vi, Dịch lý, về Địa lý phong thuỷ… Tưởng như không một lĩnh vực nào ông không quan tâm. Ông xứng đáng là một nhà bách khoa uyên bác đáng tin cậy. Có lẽ, thấm sâu những tư tưởng Lão – Trang, ông đã cố để cho đời đừng biết đến mình. Ông sống lặng lẽ, làm việc lặng lẽ, cố đem những gì tiến bộ nhất trong tư tưởng, trong khoa học là mình hiểu biết để giúp đỡ. Và lý tưởng của nhà văn đơn giản chỉ vậy thôi. Như một người bạn của ông kể lại, cứ xét lối làm việc thì ông là người mới? Có tổ chức, có phương pháp như một nhà khoa học, nhưng xét

Nhiều người hiểu Nguyễn Hiến Lê hơn qua tập Hồi ký (NXB Văn Học, 1993) và Đời viết văn của tôi do ông tự viết (NXB Văn Hóa, 1996). Ông cũng tự kể về cuộc đời và việc làm của mình qua bài trả lời phỏng vấn khá dài của ông Nguyễn Ngu Í đăng trên tạp chí Bách khoa (1965) trong mục “Sống và viết với…”, rồi in thành sách (1966), và một bài khác nữa do ông Lê Phương Chi thực hiện (in trong tập Tâm tình văn nghệ sĩ, NXB Thanh Niên, 2001). Ngoài ra còn có cả một tập tiểu sử Nguyễn Hiến Lê, cuộc đời và sự nghiệp của Châu Hải Kỳ (NXB Văn Học, 1993) dày đến trên 300 trang. Để tìm hiểu về ông, tưởng như thế cũng đã tạm đủ. Tuy nhiên càng về sau, nhất là khi sách Nguyễn Hiến Lê được xuất bản sau thời kỳ chuyển hình của đất nước (mà người khai phá đầu tiên là ông Ba Kính, giám đốc NXB Long An trong những năm 90), nhiều người càng biết rõ chân giá trị những tác phẩm của ông hơn, cũng như chí hướng và lòng tinh thành mà ông đã gởi gắm hết vào, thì có nhiều tác giả lại viết thêm về ông đứng từ những góc độ nhìn khác nhau.

* Và “Bài học Israël”

“Tuổi trẻ thì nhất định nên học tinh thần Israël, chứ không phải tinh thần Âu, Mỹ, cũng không phải tinh thần Nhật Bản. Nhật Bản bắt đầu canh tân cách đây một thế kỉ, tôi không biết hiện tình nước ta ở vào cái giai đoạn đã qua nào của họ, nhưng chắc là họ bỏ xa ta ít gì cũng gần sáu chục năm mà tinh thần của họ lúc này chắc không khác tinh thần Âu, Mỹ là mấy, sản xuất cho mạnh để vượt Pháp, vượt Anh, đuổi kịp Mỹ, Gia Nã Đại. Bấy nhiêu cũng đáng quý đấy, nhưng chưa đủ và không hợp với hiện tình của ta, cho nên học Israël có lợi hơn là học Nhật.” (Nguyễn Hiến Lê)

Chắc không một người ham đọc sách nào còn lạ lùng khi nhắc đến cái tên Thomas Friedman và hai cuốn sách nổi tiếng “Chiếc Lexus và cây Ô-liu” và “Thế giới phẳng”. Không ai có thể phủ nhận, Friedman là một trong những học giả đã đưa ra được một định nghĩa về “toàn cầu hóa” một cách chính xác nhất. Nhưng những sự kiện diễn ra tại Trung Đông vài năm gần đây lại là một thực tế đánh đổ một vài điểm trong học thuyết về “toàn cầu hóa" của Friedman.

Friedman cho rằng nếu một quốc gia đã chấp nhận tham gia vào cuộc chơi “toàn cầu hoá” thì quốc gia đó không thể tránh khỏi phải gia nhập vào “chuỗi sản xuất” toàn cầu, và chắc chắn họ sẽ không dám thực hiện những hành động gây ảnh hưởng xấu đến “chuỗi sản xuất” đó, ví dụ như phát động chiến tranh chẳng hạn. Israël cũng là một quốc gia tham gia rất tích cực vào quá trình “toàn cầu hoá”, phần mềm đã trở thành hàng hoá xuất khẩu chính của họ thay cho cam. Những cửa hàng Mc Donald – biểu tượng cho lý thuyết “vòng cung vàng ngăn ngừa xung đột” cũng xuất hiện nhan nhản trên đất nước Israël. Nhưng “vòng cung vàng” mà Friedman cho rằng đã bao phủ Israël vào chu vi của nó ấy không ngăn chặn được những hành động gây chiến không khoan nhượng của quốc gia này, mà điển hình là cuộc chiến tranh xâm lược Lebanon và những hành động trả đũa đẫm máu vào những khu vực thuộc sự quản lý của chính quyền Palestine vừa mới đây là ví dụ. Lý thuyết của Friedman có thể đúng với hầu hết các quốc gia trên thế giới này, nhưng đó lại là một thứ lý thuyết suông với Israel.

Ở đây tôi không có ý định phê phán quan điểm của Friedman, đó là một việc làm quá sức, vả lại lý thuyết của ông cũng đã được chứng minh là phù hợp với đại đa số các quốc gia trên thế giới. Điều đáng nói nhất ở đây là giá trị của cuốn “Bài học Israël”. Mặc dù đã ra đời cách đây đúng 40 năm, nhưng “Bài học Israël” vẫn cung cấp cho chúng ta một cái nhìn có chiều sâu về đất nước và con người Israël. Một dân tộc mất tổ quốc và lưu lạc hàng nghìn năm, nhưng mỗi khi gặp nhau họ lại chúc “Sang năm về Jerusalem”. Cuốn sách “Bài học Israël” không chỉ cung cấp cho chúng ta một cái nhìn khá hệ thống về lịch sử dân tộc Do Thái, mà quan trọng hơn, thực tế hơn nó còn là một công trình khảo cứu về đất nước Israël từ khi được thành lập đến năm 1968. Một đất nước mà chỉ với hơn nửa triệu dân từ khi lập quốc đã dám đứng ra đương đầu với cả thế giới Ả Rập thù địch xung quanh. Thế giới sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy rằng, một đất nước vừa mới được thành lập với cơ cấu dân cư phức tạp hơn bất cứ một quốc gia nào khác trên thế giới lại có được một tinh thần đoàn kết chiến đấu như vậy. Những người Do Thái trở về từ nước Nga Xô viết, từ Ba Lan lại sẵn sàng chung sức cùng với những người đến từ Anh, Pháp, Hoa Kỳ,… trong cuộc chiến sống còn.

Thế giới thì coi Israël là một quốc gia đi xâm lược, nhưng những người Do Thái thì lại nghĩ khác. Tất cả họ đều tâm niệm rằng họ đang thực hiện một cuộc chiến vì vận mệnh của dân tộc, vì sự tái sinh của đất nước đã mất hàng ngàn năm. Họ chiến đấu vì bổn phận, vì trách nhiệm và còn cả là vì niềm vinh dự thiêng liêng. Tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm không chỉ giúp dân tộc Israel vượt qua được những thời khắc gay go nhất của 4 cuộc chiến tranh với các nước Arab, mà nó còn là sức mạnh để họ biến một vùng đất chết hồi sinh trở lại. Israël chỉ có gần một phần ba đất đai ở miền Galilee là có thể trồng trọt được, còn những phần còn lại thì toàn là sa mạc, đầm lầy hay vùng núi cằn cỗi. Để khai phá những khu vực đó, người Israël phải tháo nước đầm lầy, bốc những lớp đất đá bên trên lớp đất thịt rồi lại xây tường bao quanh để tránh bị rửa trôi. Còn ở sa mạc Neguev đất đai khô cằn bị bỏ hoang hàng nghìn năm người Israël vẫn quyết tâm khai phá cho bằng được. Họ xây dựng các công trình dẫn nước dài hàng trăm cây số để dẫn nước từ miền Galilee về, khoan những giếng sâu đến hàng trăm mét để tận dụng thứ nước vừa mặn, vừa ngọt, rồi trồng cây,…Nhờ những cố gắng phi thường của mình, người Israël đã làm hồi sinh lại một vùng đất chết. Không một dân tộc nào trên thế giới lại chỉ trong một thời gian ngắn lại có thể biến những sa mạc, đầm lầy thành những khu vực nông nghiệp trù phú, không chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước, mà còn có thể xuất khẩu được như Israël. Họ đã trở thành một nước xuất khẩu cam hàng đầu thế giới trong những thập niên 60, 70, năng suất sữa bò của họ cũng đã bỏ xa tất cả các nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới.

Những thành công của dân tộc Israël được tạo dựng trên cơ sở của của một tổ chức xã hội rất đặc biệt mà họ gọi là “kibboutz”. Đây là một mô hình xã hội cộng sản theo đúng nghĩa đen của từ này. Hình thức tổ chức các kibboutz của Israël có thể trở thành bài học cho tất cả các quốc gia xã hội chủ nghĩa, kể cả “người anh cả” Liên Xô. Người Israël đã xây dựng các kiboutz của mình dựa trên tinh thần tự nguyện và bình đẳng. Tại đó, một lối sống cộng đồng được thiết lập một cách khoa học. Những thành viên cùng lao động trên những mảnh ruộng chung, với công cụ lao động chung và cùng một mức hưởng thụ ngang nhau. Nhìn chung, một kibboutz được xây dựng và tổ chức không khác nhiều lắm so với mô hình mà các nước xã hội chủ nghĩa đưa ra, điểm khác biệt duy nhất ở đây là sự tự nguyện. Nhờ có những cộng đồng với tinh thần đoàn kết rất cao trong kibboutz, Israël mới tạo ra được sức mạnh để khai phá những khu vực đất đai khô cằn và khắc nghiệt nhất nhì trên thế giới như sa mạc Neguev hay vùng biển Chết. Sự tồn tại và phát triển của mô hình các kibboutz không chỉ chứng minh cho tính khoa học và hợp lý của nó, mà quan trọng hơn nó còn là một bằng chứng sống cho tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm khôi phục lại đất nước của dân tộc Do Thái.

về lối sống, lối cư xử thì ông là một người cổ: thanh bạch, giản dị, chỉ ưa sách và hoa, ghét sự ồn ào, nhất là ồn ào của danh vọng, tính tình có vẻ hơi nghiêm, đối với bạn bè thì chân thành nhưng đượm vẻ đạm bạc của nhà nho… Cũng có lẽ, vì thế, mà cho đến nay, sự nghiệp của ông lớn lao là thế, hữu ích là thế mà hầu như vẫn nằm trong khuất lấp. Có cả một công trình của nhà nghiên cứu in về ông, những chân dung do họ, do học trò, đồng nghiệp ông viết lại, trân trọng, kính phục.

Một lần, ông tâm sự: “Tất nhiên ai viết thì cũng mong sách bán được, tôi đã sống chuyên về cây viết thì lại càng không thể bỏ qua phương diện đó. Nhưng có những cuốn tôi biết rằng bán sẽ rất chạy mà không khi nào tôi viết. Lại có những cuốn tôi biết chắc rằng không bán được mà tôi vẫn bỏ ra mấy năm để viết… Điều quan trọng là ta phải thành thực với mình. Và chưa bao giờ tôi viết một cuốn sách nào mà không thành thực với tôi, mà không thích nó, không tin rằng nó có ích” Tưởng không có lời nào chính xác hơn về ông.

Từ rất lâu, tên tuổi Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) đã được nhiều người biết tới như một nhà văn, một học giả, một nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm biên soạn và dịch thuật để đời có giá trị, thuộc đủ mọi lãnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký… Ngoài ra, thế hệ hậu bối còn noi gương được ở ông nhiều thứ: gương tự học, tinh thần làm việc nghiêm túc, và nhất là nhân cách cao thượng của một người trí thức chân chính.

Ông Nguyễn Hiến Lê không trực tiếp làm chính trị, nhưng lúc nào cũng đau đáu lo việc cho đời, bằng cách thế hoạt động của riêng mình. Ông tin ở các giá trị văn hóa như một yếu tố sức mạnh tinh thần có ý nghĩa quyết định cho tương lai của dân tộc hơn là những hành động chính trị nhất thời, nên đã tận tụy làm việc cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay, tìm mọi cách lay động trái tim con người nhằm phổ biến và cổ vũ cho những ý tưởng nhân bản thâu góp từ đông tây kim cổ mà ông thấu hiểu và đề nghị mọi người chia sẻ như là căn bản của một nền chính trị bền vững khả dĩ mang lại cuộc sống phát triển trong ổn định và ấm no hạnh phúc của nhân dân.

Đời sống bản thân ông khiêm tốn, giản dị, làm việc nhiều hưởng thụ ít, không thích ồn ào, nhưng tư tưởng, tâm hướng và lòng ông thì thật sâu kín, rộng rãi, nồng nàn, có lẽ vì thế mà viết ra điều gì cũng với lời văn giản dị, dễ hiểu, trung thực với ý mình. Ông luôn đứng về phía nhân dân lao động nghèo khổ mà cả một thời thơ ấu hàn vi ông đã từng chia sẻ, nên đã mạnh dạn phê phán những hành vi sai trái của các nhà đương cuộc mà ông luôn quy trách nhiệm chính cho những tình trạng suy bại xã hội của mọi thời. Trước sau ông không xu phụ, thỏa hiệp với giới cầm quyền đương thời để được hưởng những đặc quyền trong xã hội. Mặc dù vậy, tâm huyết của ông cũng không được đời đáp ứng là bao, nên không tránh khỏi có những lúc phải ngậm ngùi chua xót cho sự bất lực của mình trước thời cuộc. Tâm sự của ông có lẽ cũng giống như Tô Thức, một tác giả Trung Quốc ông yêu thích mà có lần ông đã dẫn chứng mấy câu thơ: Thẹn hoài cho người nước này, đau xót như có gai đâm trong da thịt, bình sinh đọc năm ngàn quyển sách, nhưng không có một chữ nào cứu đói cho dân được.

Hoài Nguyễn – Tổng hợp

Bài Học Israel – NGUYỄN HIẾN LÊ

ĐỌC ONLINE

https://vietmessenger.com/books/?title=bai%20hoc%20israel

AUDIO

https://hoiquanphidung.com/forum/c%C3%A1c-chuy%C3%AAn-m%E1%BB%A5c/ca-nh%E1%BA%A1c-%C4%91%E1%BB%8Dc-truy%E1%BB%87n-hqpq/truy%E1%BB%87n-%C4%91%E1%BB%8Dc/58974-audio-b%C3%A0i-h%E1%BB%8Dc-israel-nguy%E1%BB%85n-hi%E1%BA%BFn-l%C3%AA

PDF

https://bacb4tvkhoclamnguoi.files.wordpress.com/2017/10/bai-hoc-israel-nguyen-hien-le.pdf

bai-hoc-israel-nguyen-hien-le.pdf