Tư Bản cho đi, Tư Bản lấy lại
Ngày hôm kia, báo chí Mỹ đăng lại một thông báo của Quản Đốc Điều Hành (CEO) hãng Netflix, một công ty lớn chuyên chiếu các chương trình giải trí truyền hình qua mạng, gởi đến các nhân viên rằng: Từ nay về sau, hãng Netflix chỉ chuyên chú đến sản xuất các show giải trí với phẩm chất cao để đáp lại nguyện vọng của khán giả. Khách hàng của Netflix sẽ lựa chọn show thích hợp và ưa chuộng để xem. Netflix sẽ không kiểm duyệt, kiểm soát theo xu hướng chính trị thời thượng phe phái và nhân viên của Netflix cũng vậy, chỉ làm việc để phục vụ khách hàng. Nếu nhân viên không đồng ý với quan điểm đó thì họ không nên tiếp tục làm việc với Netflix.
Netflix to Employees: If You Don’t Like Our Content, You Can Quit – WSJ
Cùng với việc ông tỷ phú Elon Musk sửa soạn mua công ty Twitter và Thống Đốc DeSantis ký luật bãi bỏ những ưu đãi của công ty Disney ở Florida cho thấy sự thất bại của chủ nghĩa Thức Tỉnh (Wokism) ở Mỹ và ngày tàn đang xảy ra.
Nhà bình luận Vũ Linh đã viết về sự quan trọng của vấn đề Cách Mạng Văn Hóa Thức Tỉnh Tả Phái ở Disney làm hại các trẻ em ở Mỹ khiến tất cả người Mỹ, không chỉ là phụ huynh phải lưu tâm để đối phó:
Diễn Đàn Trái Chiều : BÀI 229: TRẬN CHIẾN VĂN HÓA CHỐNG ‘THỨC TỈNH’ (diendantraichieu.blogspot.com)
Cả ba công ty nói trên, Netflix/Twitter/Disney, đều đang có một vấn đề chung: Họ đang mất lợi tức vì mất khách hàng từ khi họ áp dụng phương thức Woke vào sản phẩm của họ. Cổ phiếu của Disney bị giảm giá đến 35%, Netflix mất hơn 37% và có nguy cơ mất đến 70% khách hàng. Giá cổ phiếu của Twitter đã thấp lè tè từ mấy năm qua, không thể lên được. Công ty bị lỗ lã thì Quản Đốc Điều Hành phải chịu trách nhiệm trước Hội Đồng Giám Đốc (Board of Directors) gồm những vị đầu tư nhiều vào công ty hay là những người có kiến thức và uy tín trong lãnh vực hoạt động của công ty. Hội Đồng Giám Đốc có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người mua cổ phiếu, do đó họ có thể sa thải Quản Đốc Điều Hành nếu công ty cứ tiếp tục lỗ lã. Đó là lý do chính khiến công ty Netflix thay đổi thái độ và các biến chuyển ở Twitter cùng Disney mà ta thấy ở trên.
Không như bất cứ nước nào trên thế giới hiện nay, nước Mỹ có nền kinh tế tư bản hùng mạnh với Thị Trường Chứng Khoán thiết lập năm 1790 để thích ứng với cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ và Kỹ Thuật đang phôi thai từ Âu châu. Từ đó, nước Mỹ và nhiều người Mỹ trở thành giàu có nên các tập đoàn tư bản và tài phiệt luôn có ảnh hưởng mạnh đến kinh tế, chính trị, văn hóa và đời sống người Mỹ dù tốt hay xấu. Bầu cử Quốc Hội Mỹ xảy ra mỗi hai năm, bầu cử Tổng Thống mỗi bốn năm nhưng Hội Đồng Giám Đốc họp mỗi ba tháng nên thay đổi đường lối trên thương trường xảy ra uyển chuyển và nhanh chóng hơn ở chinh trường như chúng ta đang chứng kiến.
Phong trào Woke muốn thức tỉnh dân Mỹ trước những bất công cho thiểu số, nhất là da đen, nhưng từ từ chuyển sang bảo vệ môi trường, bảo vệ những người chuyển giới đang bị kỳ thị vì đa số trông “không giống ai”. Mùa Hè năm 2020, sau vụ ông da đen George Floyd bị cảnh sát vô cảm giết oan giữa ban ngày chiếu khắp thế giới thì phong trào Sinh Mạng Đen Đáng Kể ( Black Lives Matter/ BLM) phối hợp với Woke và được ủng hộ mạnh mẽ trong quần chúng Mỹ.
Giới tư bản tài phiệt Mỹ lập tức thừa cơ lợi dụng sự ủng hộ của Woke để kiếm lời (xem sách Woke, Inc.). Cầm đầu là Chủ Tịch Larry Fink của tập đoàn tư bản khổng lồ BlackRock với vốn đầu tư mười ngàn tỷ đô la. Hầu như trong Hội Đồng Giám Đốc của các công ty lớn đều có người của BlackRock được bổ nhiệm và , theo lệnh ông Fink họ thúc đẩy đường lối của công ty theo chiều hướng Woke cùng ủng hộ BLM.
BLM vốn dĩ có ảnh hưởng bởi Mác Xít nên ngoài việc tranh đấu cho bình đẳng (equality) họ còn muốn dùng quyền lực chính trị để đền bù cho những gì họ thấy là thiếu bình đẳng. Họ biến “equality” trong Hiến Pháp thành “equity” (bù đẳng?) trong thực hành bất chấp trên thực tế “bù đẳng” sẻ gây thêm bất công cho một nhóm khác và sẽ làm hại xã hội. Ví dụ điển hình là trẻ em Á Đông học giỏi, điểm thi cao nên chính sách bù đẳng sẽ loại bỏ điểm khi chọn trường chọn ngành để học. Ngay từ lúc đầu, đưa Woke vào thương trường đã cho thấy sự gượng ép và các phản ứng tiêu cực:
Carney: Larry Fink’s Blackrock Doubles Down on Woke Capitalism (breitbart.com)
Các đại công ty Mỹ thấy theo Woke chỉ lỗ chứ không lời vì khách hàng từ chối mua những thứ họ không thích. Do đó các Quản Đốc Điều Hành phải đổi chiều hướng để công ty sống sót và họ được giữ chức. Ngay cả công ty BlackRock cũng bắt đầu đổi thái độ Woke về năng lượng và môi trường:
BlackRock Backs Off | Power Line (powerlineblog.com)
Kinh tế tư bản thị trường tự do ở Mỹ không lệ thuộc chinh phủ nên luôn phải chiều chuộng khách hàng để có thể cạnh tranh và làm lời. Nhờ vậy, khách hàng Mỹ có ảnh hưởng lớn trong đường lối của các công ty lớn và nhỏ. Trong trường hợp này, mặc dù hiện nay chính phủ và quốc hội đều thuộc đảng Dân Chủ ủng hộ Woke và BLM, các công ty lớn ở Mỹ đã quyết định rời bỏ các phong trào ấy vì chỉ đem đến lỗ lã. Quyết định này sẻ có ảnh hưởng đến chinh trị trong những kỳ bầu cử sắp tới.
Tư Bản cho đi, Tư Bản lấy lại. Một điều chỉ có ở Mỹ….rất Mỹ.
Phạm Hiếu Liêm