Các bạn thân mến,
Tôi không bao giờ có thể nghĩ rằng kỷ niệm của trại hè các Trường Trung Học VNCH đã có một sinh nhật năm thứ 10 kể từ năm 2013 tới 2023.
Khi nghe đến cái tên gọi trại hè đó, bên tai tôi vẫn văng vẳng tiếng nói, tiếng cười, tiếng đùa giỡn, tiếng pha trò và tiếng hát của những cô nữ sinh trường LVD, GL, CPL, TV, TPH, Pku…và các nam sinh trường PKy, CVA, ST Thomas…
Buổi cắm trại hè đầu tiên của 23 trường trung học năm 2013 là sinh hoạt có thể gọi là lịch sử của người tỵ nạn CS ở hải ngoại gồm hơn 300 người tham dự trong một ngày gặp gỡ và hội ngộ chưa bao giờ được tổ chức từ ngày chúng ta bỏ nước ra đi 30/4/1975 sau 38 năm.
Một buổi cắm trại không thể so sánh như các buổi gặp gỡ hay hội ngộ nào khác từ mỗi trường của mình hay của đồng hương xưa hoặc hội đoàn mới lập.
Các anh các chị đã từng gặp gỡ nhau, đã từng hội họp với nhau và đã từng ca hát với nhau ở các nhà hàng, các bữa tiệc, các buổi văn nghệ, các buổi gây quỹ và các sinh hoạt cộng đồng của hội này hội nọ, nhóm này nhóm kia nhưng chưa bao giờ được khoác lại bộ quần áo học trò thời tuổi em tan trường về, chưa bao giờ được đứng chung với nhau ở ngoài trời để bỏ lại sau lưng tất cả những dị biệt, những khác nhau, những y phục đẹp đẽ, những khuôn thước ngăn nắp trịnh trọng và những kỷ niệm riêng rẽ để cùng nhau tìm về một mảnh trời khác biệt rất xa xưa nhưng rất thơ mộng và thật dễ thương.
Tuổi học trò.
Tuổi của những cô cậu không còn là trẻ nhỏ mà cũng chưa hẳn là người lớn, tuổi của thời ngây thơ nay bắt đầu là ngây ngất, tuổi không còn chỉ biết nhìn mà còn biết mộng mơ và thẫn thờ, tuổi không biết bon chen danh lợi và vật chất, tuổi không nề hà cao sang giầu nghèo và cuối cùng, tuổi muốn trở thành văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ dù bắt đầu bằng nhật ký đời tôi được dấu kín và độc diễn trong phòng tắm hơn là trình diễn trên sân khấu.
Từ những suy tư đó và từ những hồi tưởng đó, các bạn đã cho tôi một nguồn hứng khởi rất dồi dào để viết lên một ca khúc nhộn nhịp, sống thực và trẻ trung : GIỢT NẮNG REO CUỐI TRỜI.
Xin mang cho tôi
Những giọt nắng reo cuối trời
Của ngày xưa yêu dấu
Xin đem tôi
Đi đến tận chân trời
Có bạn bè của ngày cũ xa xôi
Ngay sau khi các bạn được nghe thử, bài hát đã được các học sinh cũ của VNCH mê thích và hăng say tập hát để trình diễn mở đầu chương trình của trại hè năm 2013.
Xin mời các bạn xem cái không khí vui thích và hào hứng của mọi người trong một buổi tập hát ở nhà bạn Phạm Quang Tuấn năm 2013.
Nào cũng hát bài ca xum họp
Xin bước về với nhau
Đừng đem theo
Suy Tư Âu Lo Tỵ Hiềm
Làm phai úa những kỷ niệm xưa
Bài hát GNRCT đã được trình diễn nhiều lần ở công cộng như Hội trường Vietbao, Viện Việt Học, hội ngộ Trưng Vương, TV đài IBC, Hội quán Lạc Cầm.
Tại sao chúng ta không tìm lại những giây phút trở về ngày tháng tuổi học trò ở ngoài trời, để bỏ lại những khuôn thước cứng ngắc của cuộc đời và để lại những suy nghĩ mệt mỏi của hiện tại ở sau lưng, cùng đến với nhau để khoác lên bộ quần áo đơn giản quần xanh áo trắng hay tà áo dài trắng học sinh ngày xưa cùng gặp gỡ, vui đùa và ca hát với thiên nhiên.
Các bạn hãy tới gặp nhau ở trại hè 2023 đi để cùng hát những lời chúc mừng cho nhau, để kể lại những chuyện tuổi mộng mơ, để nhớ lại một thời đã qua nhưng một đời ở lại và để ghi vào lịch sử của người tỵ nạn những ngày tháng thật đẹp của các trường trung học VNCH trước năm 1975.
Những điều đó giờ đây không còn lại của riêng ai hay thuộc về chuyện của riêng một ngôi trường nào cả, kỷ niệm chắng cần mang tên Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Chân Phước Liêm, Petrus Ký, Chu Văn An, Quốc Học, Đồng Khánh….
Tất cả là đã trở thành lịch sử chung của một dân tộc lưu vong, các trang sử đó không thể bị xóa nhòa hay sửa đổi được nữa, nó đã trở thành những dấu vết và chứng tích của một nền văn hóa giáo dục nhân bản, đạo đức và hoàn thiện để tạo ra những con người của một nền tự do dân chủ được cả thế giới quý trọng và nể nang.
Một đất nước từ khi sinh ra cho tới khi mất đi, chỉ sống được có 21 năm, vừa xây dựng, vừa sinh tồn, vừa nuôi dưỡng, vừa đào tạo và vừa đánh giặc. Bao nhiêu cái vừa đó trong 21 năm tưởng là thật dài và thật lâu nhưng thật ra chỉ đủ để tạo ra 1 thế hệ con người nhân bản trưởng thành, thực sự hữu ích cho xã hội và cho quê hương kể từ lúc chào đời chứ không cần tới 100 năm trồng thành người.
Bạn hãy ngẫm nghĩ xem 21 năm hạnh phúc và tự do ngắn ngủi như thế nhưng đã sinh ra được một nền văn hóa và một nền nghệ thuật có giá trị với bao nhiêu tác phẩm văn chương, hội họa và âm nhạc nổi tiếng mà sau 1975, đã 47 năm trôi qua, dưới chế độ CS, các tác phẩm nghệ thuật đó vẫn không bị lãng quên ở ngay trong nước.
Đất nước Việt Nam hiện tại đã trôi qua 47 năm không chiến tranh, không khó khăn, không có nội thù ngoại xâm và đã sinh ra được tới 2 thế hệ con người, đã dư nhiều thời gian để xóa bỏ hay thay thế một nền văn hóa nghệ thuật chỉ sống được có 21 năm.
Sự thực có phải là như vậy không? 47 năm mới này đã thay thế được cho 21 năm ngày xưa không?
Chắc chắn là không.Bởi tuổi học trò bắt đầu từ các trường trung học của VNCH, các thầy cô chỉ biết yêu trẻ và tận tụy công việc dậy dỗ của mình nhằm đào tạo 1 đứa trẻ trở thành 1 người hữu ích và nhân bản cho xã hội, biết yêu thương gia đình và mọi người, biết lễ phép và giúp đỡ người già tàn phế, biết giữ nề nếp văn hóa Việt Nam và đạo đức của gia đình, biết tri ân người chiến sĩ hy sinh trong chiến tranh, biết làm nhạc, viết văn và làm thơ để ca tụng cuộc đời và tình yêu, cuối cùng, biết yêu quê hương tới tận đáy lòng.
Nếu ở trên youtube, chúng ta đã được xem cảnh học sinh nữ trung học Việt Nam hiện nay sau năm 1975 đã đánh nhau ơ ngoài đường như chợ búa hay đánh hội đồng tàn bạo, xé quần xé áo lẫn nhau, chửi thề, văng tục trong mỗi lời khi mở miệng, rồi kế tiếp, ở các trường trung học, thầy trò trong lớp đánh nhau tay đôi như kẻ thù.
Chỉ thấy như vậy, cũng đủ hiểu câu nói cần tới 100 năm để trồng người có lẽ là không sai nghĩa là 47 năm không thể thay thế được 21 năm của chúng ta.
Ý nghía trại hè của chúng ta, những trường trung học VNCH chính là những điều cao quý đó và đã thực sự được viết trong lịch sử văn hóa giáo dục của VNCH.
NNPhuc
XIN CLICK VÀO DÒNG CHỮ XANH CỦA VIDEO ĐỂ HIỆN RA LINK.
XONG CLICK VÀO LINK ĐỂ XEM.
GIỌT NẮNG REO CUỐI TRỜI – VŨ ĐAN, BÍCH THUỶ, THUỲ DUNG, KIM KHUÊ
GIỌT NẮNG REO CUỐI TRỜI – VŨ ĐAN, BÍCH THUỶ, THUỲ DUNG, KIM KHUÊ
By H Vuong
Giot nang Reo cuoi Troi 2
GIỌT NẮNG REO CUỐI TRỜI
Nhạc & Lời: Nguyễn Ngọc Phúc G# 115 paso doble
Xin mang cho tôiNhững giọt nắng reo cuối trời
Của ngày xưa yêu dấu
Xin đem tôi
Đi đến tận chân trời
Có bạn bè của ngày cũ xa xôi
Cho tôi vang lên
Tiếng cười tiếng anh tiếng chị
Đời thật sao dễ thương
Cho tôi đem theo
Những ngày tháng nồng ấm
Từ ngôi trường học cũ êm đềm
Nào cũng hát bài ca xum họp
Xin bước về với nhau
Đừng đem theo
Suy Tư Âu Lo Tỵ Hiềm
Làm phai úa những kỷ niệm xưa
Nào cũng hát lời ca cho người
Từ trong tim xôn xao dạt dào
Về trong âm vang xưa
Ngọt ngào lời yêu thương
Sẽ thì thầm bên tôi
Xin Ca Vang – Xin Ca Vang
Lời của biển khơi
Lời hát bao la
Lời của tuổi Xuân
Lời ngát vang xa
Của Anh
Của Em
Lời Cho
Ngàn Sau
Thank you.
Phil Nguyen