Hội Đồng Toàn Châu Âu nhất trí buộc Nga gánh chi phí thiệt hại gây ra ở Ukraina
Lãnh đạo 46 quốc gia thành viên Hội Đồng Toàn Châu Âu họp tại Reykjavik, Iceland, ngày 16/05/2023. AP – Alastair Grant
Thu Hằng
Một năm sau khi khai trừ Nga, Hội Đồng Toàn Châu Âu đã họp thượng đỉnh ngày 16/05/2023 tại Reykjavik, Iceland. Các nhà lãnh đạo của 46 nước nhất trí ủng hộ Kiev và tỏ quyết tâm buộc Matxcơva phải trả giá cho cuộc xâm lăng Ukraina. Hội Đồng Toàn Châu Âu đã công bố một cơ chế nhằm theo dõi những tổn thất và thiệt hại do quân đội Nga gây ra.
Đặc phái viên RFI Valérie Gas tường trình từ Reykjavik :
« Ông Volodymyr Zelensky không đến Reykjavik sau vòng công du châu Âu. Tuy nhiên, tổng thống Ukraina đã phát biểu trực tuyến trước toàn thể nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên Hội Đồng Toàn Châu Âu. Sau bài phát biểu của ông Zelensky, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án những hành động bạo lực của Nga ở Ukraina.
Ông nói : « Tôi nghĩ đến những vụ oanh kích vào cơ sở hạ tầng dân sự, tôi nghĩ đến những vụ hãm hiếp được sử dụng làm vũ khí chiến tranh, đến những vụ giết người, đến nạn tra tấn phổ biến, đến tình trạng trẻ em Ukraina bị đầy ải sang Nga và các vùng bị chiếm đóng ». Ông Macron cảnh cáo Nga : « Việc cưỡng bức đầy ải trẻ em là tội ác chiến tranh và hành động này được nhân rộng ra thì có thể cấu thành tội ác chống nhân loại ».
Nguyên thủ Pháp muốn gây áp lực với Nga bằng cách chống lại tình trạng không bị trừng phạt. Ông nói : « Hội Đồng Toàn Châu Âu một lần nữa cho thấy tiếng nói bênh vực những nạn nhân của cuộc xâm lược qua việc lập Sổ thống kê quốc tế các thiệt hại do cuộc xâm lược của Nga tại Ukraina gây ra ». Đó là sự hỗ trợ về tư pháp và về tài chính cùng với sự giúp đỡ của Ngân hàng phát triển của Hội Đồng Toàn Châu Âu.
Nguyên thủ Pháp nói tiếp : « Tôi hy vọng chúng ta có thể khởi động một dự án lớn để có thể sớm can thiệp và hỗ trợ thành lập khoảng một trăm trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần ở Ukraina để giúp tất cả những người hàng ngày vẫn phải chịu đựng những chấn thương tâm thần nặng nề do cuộc xung đột bạo lực này gây ra ».
Ngoài viện trợ quân sự cho Ukraina, mục tiêu của ông Emmanuel Macron là bắt đầu chuẩn bị tái thiết Ukraina ».
Cuộc họp tại Iceland là thượng đỉnh lần thứ 4 của Hội Đồng Toàn Châu Âu trong suốt 75 năm tồn tại. Iceland không có quân đội nên không thể viện trợ quân sự cho Ukraina, do đó chính quyền Reykjavik muốn huy động « vũ khí pháp lý». Còn hai nước Anh và Hà Lan muốn lập một « liên minh quốc tế » để giúp Kiev « tăng khả năng chiến đấu trên không, từ đào tạo phi công đến giao chiến đấu cơ F-16 ». Tổng thống Zelensky đã hoan nghênh đề xuất của hai thủ tướng Anh và Hà Lan trong cuộc hội đàm ngày 16/05 ở Luân Đôn.
Mỹ truy tố nhiều công dân Nga và Trung Quốc vì tội gián điệp công nghiệp
Minh Anh
Tư Pháp Mỹ hôm qua, 16/05/2023, thông báo mở các phiên xử nhiều công dân Trung Quốc và Nga. Những người này bị cáo buộc đánh cắp bí mật công nghiệp và vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ, khi tìm cách xuất khẩu nhiều công nghệ nhậy cảm.
Thông cáo của bộ Tư Pháp Mỹ, được AFP trích dẫn, khẳng định, những cáo buộc này « thể hiện rõ quyết tâm của chính phủ ngăn chặn tình trạng nhiều công nghệ nhậy cảm rơi vào tay đối thủ nước ngoài, bao gồm cả Nga, Trung Quốc và Iran ».
Phiên xử lần này liên quan đến 5 vụ khác nhau trên toàn quốc, nhắm vào ba công dân Trung Quốc, một người Hy Lạp và hai người Nga. Đối với các công dân Trung Quốc, tòa án California buộc tội Weibao Wang (đã trốn thoát khỏi Mỹ) đã đánh cắp nhiều công nghệ tiên tiến như phần mềm phát triển xe ô tô tự hành. Liming Li, về tội đánh cắp các công nghệ công nghiệp tiên tiến được dùng cho việc sản xuất các linh kiện cho tầu ngầm hạt nhân và máy bay quân sự.
Còn người thứ ba, ông Xiangjiang Qiao, được biết đến dưới biệt danh Joe Hansen, bị xử về tội tìm cách cung cấp cho Iran một loại nguyên liệu nhậy cảm dùng cho sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là cho đầu đạn tên lửa đạn đạo liên lục địa, vốn dĩ nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ.
Đối với công dân Hy Lạp, Nikolaos Bogonikolos, theo tư pháp New York, người này đã lợi dụng tư cách là nhà thầu cho NATO và nhiều nước đồng minh khác để tiến hành buôn bán trái phép các loại công nghệ quân sự và dân sự với Nga từ năm 2017.
Cuối cùng, đối với hai công dân Nga, Oleg Patsulya và Vasilii Besedin, bị bắt hôm 11/5 tại bang Arizona khi tìm cách xuất khẩu trái phép sang Nga nhiều linh kiện cho máy bay dân sự.
Ukraina: Mỹ thừa nhận Nga đã oanh kích gây hư hại hệ thống tên lửa Patriot ở Kiev
Một tên lửa nổ tung trên bầu trời Kiev, Ukraina, trong đợi oanh kích của Nga, ngày 16/05/2023. REUTERS – GLEB GARANICH
Trọng Nghĩa
Bộ Quốc Phòng Nga ngày 16/05/2023 khẳng định, trong một cuộc tấn công trong đêm trước đó vào Ukraina, một tên lửa siệu thanh Kinjal của Nga đã phá hủy được hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ chế tạo, được bố trí tại Kiev. Hai quan chức Mỹ cao cấp xin ẩn danh đã xác nhận một phần thông tin từ phía Matxcơva, nhưng cho rằng giàn phóng Patriot chỉ bị hư hại.
Theo hãng tin Anh Reuters, sau khi Kiev loan báo lực lượng phòng không đã bắn hạ được 18 tên lửa mà Nga dùng để tấn công nhiều nơi trên lãnh thổ Ukraina trong đêm thứ Hai, rạng sáng thứ Ba 16/05, trong đó có 6 chiếc thuộc loại Kinjal, phía Nga đã tuyên bố Ukraina không thể đánh chặn được tên lửa.
Theo hãng tin Nga RIA, khi được hỏi về thông báo của Ukraina, bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu đã bác bỏ thông tin từ phía Kiev, cho rằng số lượng mà Ukraina thông báo đã bắn hạ được bao giờ cũng lớn hơn gấp ba lần số tên lửa mà Nga phóng đi, và Kiev luôn luôn nhầm tên.
Trong một thông báo, bộ Quốc Phòng Nga thậm chí còn khẳng định: “Một cuộc tấn công có độ chính xác cao của tên lửa siêu thanh Kinjal đã đánh trúng hệ thống tên lửa phòng không Patriot do Mỹ sản xuất ở thành phố Kiev”. Phía Mỹ chưa chính thức xác nhận lời khẳng định này, nhưng theo Reuters, hai quan chức Mỹ cao cấp xin giấu tên đã thừa nhận rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot mà Mỹ giao cho Ukraina sử dụng, có thể đã bị hư hại do một cuộc tấn công của Nga, nhưng dường như không bị phá hủy.
Theo một quan chức Mỹ trích dẫn thông tin ban đầu, Washington và Kiev đã thảo luận về cách tốt nhất để sửa chữa hệ thống và trước mắt, hệ thống này sẽ không bị dỡ bỏ khỏi Ukraina. Patriot được coi là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất của Mỹ được dùng để bắn máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Hệ thống này bao gồm bệ phóng kèm theo radar và các phương tiện hỗ trợ khác.
Ukraina chiếm lại được 20 km2 ở ngoại ô Bakhmut
Tại điểm nóng Bakhmut, chính quyền Ukraina ngày 16/05 khẳng định rằng trong những ngày gần đây, họ đã chiếm lại được 20 km2 lãnh thổ ở vùng xung quanh thành phố.
Theo thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Ukraina Ganna Maliar, vùng được tái chiếm nằm ở phía bắc và phía nam của Bakhmut.
Dù bị đẩy lùi ở vùng ngoại ô, lực lượng Nga lại tiến bước ở trong trung tâm thành phố. Chính bà Ganna Maliar đã công nhận rằng quân đội Nga tiếp tục tiến vào Bakhmut và “phá hủy hoàn toàn thành phố với sự hỗ trợ của pháo binh”.