Dđ TuoiHac -> Hàn Quốc, nhà xuất khẩu vũ khí mới đáng gờm

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY : 25/07/2023


Cũng liên quan đến Ba Lan về mặt quân sự, Les Echos mở đầu loạt bài về cuộc chạy đua vũ trang bằng bài viết « Hàn Quốc, người khổng lồ mới của thế giới về quốc phòng ». Hôm 23/07 hai bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc và Ba Lan, đều trong bộ quân phục, đã dự khán buổi bắn thử đại bác tự hành K9 vừa được tập đoàn Hanwha giao cho Ba Lan, ở thao trường Torun, tây bắc Vacxava.

Để thay thế những vũ khí từ thời Liên Xô, Ba Lan lâu nay mua của Đức, Mỹ, Anh, Israel, đã quay sang Seoul để nhanh chóng hiện đại hóa quân đội. Kể từ 2021 đến nay, Vacxava đã mua trên 12,5 tỉ euro trang thiết bị của Hàn Quốc. Từ năm 2000 đến 2020, Hàn Quốc đã từ hạng 31 nhảy lên hàng thứ 7 thế giới về xuất khẩu vũ khí và tổng thống Yoon Suk Yeol công khai dòm ngó hạng 4, chỉ sau Pháp.

Ngoài những khẩu đại bác K9, Ba Lan sẽ nhận được 1.000 xe tăng K2 Black Panther, 48 chiến đấu cơ hạng nhẹ FA-50 để thay thế Mig29, 300 giàn phóng rốc-kết đa nòng Chunmoo. Giáo sư Choi Gi Il của đại học Sangji giải thích : « Sau chiến tranh Triều Tiên và từ 1969 với chủ thuyết Nixon dự kiến rút quân khỏi bán đảo, chính phủ Hàn Quốc hiểu rằng phải tự xây dựng kỹ nghệ quốc phòng » vì không thể chỉ trông cậy vào các đồng minh.

Vũ khí kém tác dụng trên chiến trường Ukraina, Nga mất bớt thị phần
Chế độ độc tài của tổng thống Park Chung Hee – vốn là cựu sĩ quan – đã thúc đẩy kỹ nghệ dân sự hợp tác chế tạo vũ khí, đôi khi dựa vào kỹ năng khi sản xuất theo bằng sáng chế cho quân đội Mỹ chiến đấu tại Việt Nam. Với khẩu hiệu « Một quốc gia thịnh vượng, một quân đội hùng mạnh », các chaebol (đại tập đoàn tư nhân) đã gia công cho Nhà nước. Chính phủ Hàn Quốc dù thuộc đảng phái nào đều nỗ lực tăng cường quân đội để đối phó với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.

Seoul nay bán đại bác K9 cho khoảng mười mấy nước, những tiêm kích hạng nhẹ nay hoạt động ở năm nước. Ramon Paceco Pardo, giáo sư King’s College tổng kết : « Hàn Quốc có ít nhất ba thế mạnh so với những nước cạnh tranh. Vũ khí của họ tân tiến, thường được thừa hưởng công nghệ và tư vấn của Mỹ. Nhờ liên minh với Hoa Kỳ, các thiết bị phù hợp với tiêu chuẩn NATO. Nhất là Hàn Quốc có thể nhanh chóng giao hàng cho những nước cảm thấy đang bị đe dọa ngay trước mắt, không thể chờ đợi nhiều năm ».

Dựa vào chuỗi sản xuất rất hiệu quả, các tập đoàn Hàn Quốc cho ra sản lượng lớn nhờ đơn đặt hàng của quân đội nước mình, đồng thời có giá cả phải chăng. Các chaebol cũng dễ dàng chuyển giao công nghệ cho khách hàng. Sự kiện Nga xâm lược Ukraina đã đẩy mạnh việc mua vũ khí của châu Âu, nhưng trước đó tại Đông Nam Á và Trung Đông, Hàn Quốc đã giành mất nhiều khách hàng của Nga.

Nhà phân tích Ian Storey cho biết : « Việt Nam đã ngưng chương trình hiện đại hóa quân đội, và các nước e ngại bị trừng phạt theo CAATSA » – đạo luật Mỹ năm 2017 liên quan đến việc mua vũ khí của Nga. Nhất là Matxcơva nay phải tập trung sản xuất cho quân đội nước mình, và thiết bị quân sự Nga đã bị mất uy tín vì tỏ ra tệ hại trên chiến trường Ukraina.