Chương trình VUI BUỒN ĐỜI TỊ NẠN – CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI HOA KỲ của Radio Saigon Dallas 1160 AM: Ngày Chủ Nhật lúc 11:30 AM, giờ TX, tức là 12:30 PM, giờ Florida. Do Hoàng Tín phụ trách.
Minh Ánh xin mến chào Hoàng Tín và quý vị thính giả thân thương của đài SG-Dallas.
Hôm nay HT và quý vị có khoẻ hay không ạ?
Kính mong tất cả đều mạnh khỏe và bình an.
HT:Dạ chào chị Minh Ánh. Chị có khoẻ không? Tháng 8 trời nóng đổ lửa chị ơi! Nghĩ tới Mùa hè đỏ lửa của năm 72 tại miền nam Việt Nam với những trận chiến khốc liệt như mặt trận Hạ Lào, Bình Long An Lộc, trận chiến Khe Sanh …trời nóng mình ở trong nhà hay xe có máy lạnh, bước ra ngoài là muốn dội, vậy mà các người lính VNCH phải chịu đựng cái nắng thiêu đốt, phải đi ra trận chiến đấu đổ mồ hôi nước mắt để chống lại sự xâm lược của CS Bắc Việt lúc đó, tính mạng như mành treo chuông thật là cảm phục và thương những người lính anh hùng đó quá phải không chị?
Dạ thưa việc trước tiên Minh Ánh xin cảm ơn HT. Một tháng rồi mới trò chuyện hàn huyên với HT và quý vị thính giả của đài. Minh Ánh rất vui và cảm ơn quý vị đã lắng nghe những chia sẻ và tâm sự của Minh Ánh.
Trở lại chương trình, nói về người lính VNCH thì lòng mình không ngăn nổi sự xúc động và kính trọng.
Minh Ánh có tình cờ đọc được một vài câu thơ do những người lính VNCH viết và xin mạn phép được chia sẻ với HT và quý vị thính giả:
Như chiến binh Nguyễn Sinh Từ – một trong những người lính chiến miền Nam – với trái tim của con người còn trọn vẹn “nhân chi sơ tính bản thiện” vẫn cứ thấy trong lòng áy náy, không yên, để phải lên tiếng biện hộ cho chính mình:
“…Ta mang súng trường tưởng săn chim săn chuột
Một đôi khi ta lỡ dại săn người
Ta biết chắc Phật Trời không chấp nhất
Không bắn người người cũng bắn ta thôi…”
(Trần tình – Nguyễn Sinh Từ)
“…Khi ngã tư đưa vào nhà mỗi tối
Xác chết cong queo ruồi nhặng mọc đầy
Con đường nào dẫn em qua một buổi
Sẽ không nồng mùi máu rợn ma trơi?…”
Hay là:
“…Khi chiến thắng đã đo bằng mạng sống
Người hân hoan trên thây chết ngậm ngùi
Ta xin chém nát thân người yêu dấu
Quà xuân đây cũng góp giọt reo vui…”
(Viết trong cơn biến động Mậu Thân – Phan Nhự Thức)
“…Anh trở về trong chiều hoang chiếu nắng
Trong hòm gỗ hoặc trên chiếc băng ca
Anh trở về nằm giữa vòng hoa
Những vòng hoa tang chan hòa nước mắt…”
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Trong các bản in ban đầu, nhạc sĩ Phạm Duy ghi tên tác giả bài thơ là “Vô danh”, khiến cho dư luận thắc mắc, báo chí đặt câu hỏi. Sau một thời gian Phạm Duy mới gặp Linh Phương để trả tiền tác quyền. Từ đó những bản in của Phạm Duy mới ghi tên tác giả phần lời là Linh Phương. Nhưng Linh Phương là ai thì người ta chỉ đoán là một anh lính nào đó, còn sống hoặc đã mất, không những thế còn có nhiều người tự nhận là Linh Phương. Còn có ý kiến cho rằng bài thơ gốc là bài “Kỷ vật” của chuẩn úy Nguyễn Đức Nghị, bút danh Chuẩn Nghị xuất thân từ khóa 26 sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức, người này đã hy sinh vào năm 1969. Nhưng cuối cùng thì nghe nói là Linh Phương (một người lính VNCH) đã xác nhận bài thơ thất ngôn "Để trả lời cho Một câu hỏi" do LP sáng tác.
Chỉ biết rằng lời của bản nhạc và âm hưởng của nó đã được Phạm Duy sáng tác thật não nùng, khắc khoải mà trước đó có thời gian bị cấm và sau phải sửa lại lời hát cho bớt bi quan mới được cho phát hành và xử dụng lại.
Chiến tranh nào cũng mang sự đau thương tang tóc mất mát cho đất nước và dân tộc.
Khi chúng ta được bình yên sống tại thành phố thì có bao nhiêu người đã hy sinh chiến đấu để bảo vệ đất nước và an ninh cho chúng ta phải không ạ?
Những vị sĩ quan ở tù CS từ 3 năm trở lên đều được định cư ở Hoa Kỳ theo diện H.O. Riêng nhưng vị lính VNCH không đủ tiêu chuẩn, còn kẹt lại VN với gia đình mới thật là đáng thương!
Đôi khi thế hệ già-trẻ ở Hoa Kỳ có những cách biệt.
Nhưng nếu so sánh 2 thế hệ trẻ cùng trang lứa ở Hoa Kỳ và miền nam Việt Nam (không đề cập tới các em trẻ tại miền Bắc!) thì cũng đã thấy quá nhiều khác biệt phải không HT?
Các hậu duệ VNCH tại HK đều có sự tự do và môi trường phát triển học hỏi và có việc làm lương cao sống đầy đủ tiện nghi và không phải vì mưu sinh mà phải thay đổi giá trị đạo đức của mình.
Những người con cháu của các vị lính VNCH còn kẹt lại trong nước thì sao?
Sau năm 1975 nếu CSVN cuộc nhờ vào thủ đoạn và sự trợ giúp của khối CS để chiếm lấy nước VNCH họ ăn mừng chiến thắng, bản thân và con cháu của họ đổi đời thăng tiến giàu có, thì có biết bao nhiêu những gia đình của quân, cán, chính miền Nam phải đổ lệ và thay đổi cả vận mệnh, lương tâm, cũng như cuộc đời? Để sống còn dưới chế độ CS biết bao nhiêu em trẻ đã phải thay lòng đổi dạ? Có được bao nhiêu em thành công nếu không lươn lẹo, mánh mung, dối trá như VC?
Chúng ta, đồng bào hải ngoại hàng năm đều quyên góp cho các TPB, nhưng chưa ai công khai làm một điều gì để giúp đỡ các gia đình con cháu của những cựu quân nhân VNCH còn kẹt lại. Đúng là chúng ta không thể nào cưu mang tất cả. Tuy nhiên nếu một gia đình giúp cho một đứa trẻ hiếu học nhưng hoàn cảnh khốn khó của các gia đình người lính VNCH tại VN được có điều kiện đi học đủ kiến thức để kiếm được một việc làm với một công ty nước ngoài tại VN thì cháu đó có thể nuôi sống được cả gia đình ông bà cha mẹ của mình. Hiện tại Minh Ánh đang giúp cho trường Bồ Đề online dạy tiếng Anh cho nhiều em trẻ khốn khó hiếu học tại VN. Nếu chúng ta có thể giúp tìm kiếm các gia đình cựu quân nhân cán chính VNCH cũ còn kẹt lại VN và sống trong cảnh cơ hàn để giúp đỡ cho con cháu của họ thì quý hóa biết bao!
Một người làm việc xã hội thì lúc nào cũng chỉ có một mục đích duy nhất: hãy giúp đỡ những người khốn khó trong khả năng của mình.
Biết rằng khi Minh Ánh nêu vấn đề này ra thì sẽ có nhiều người "la làng" chụp cho cái mũ "thân cộng" ngay! Tuy nhiên nếu chúng ta không truyền cho các em trẻ kiến thức và đạo đức tình thương nhân bản của người công dân VNCH, không khai dân trí thì làm sao thay đổi được đất nước? Chúng ta sẽ già và chết đi. Nếu không chuẩn bị cho đám "măng non" thì làm sao có được một rừng tre tươi tốt sau này?
Minh Ánh nêu ra điều này ngỏ hầu gióng lên một tiếng vang cho những người còn yêu quê mẹ, còn thương giống nòi, và có tinh thần phục vụ muốn giúp đỡ cho các em trẻ tại VN có được tri và kiến thức.
HT: Dạ thưa chị nói về sự cách biệt giữa hai thế hệ, chị có thấy một khoảng cách thật lớn giữa các suy nghĩ cũng như cách sống của cộng đồng người Việt mình hay không? Ví dụ như cách tiêu xài, cách làm việc, cách ăn nói cũng như suy nghĩ về chính trị?
Dạ vâng. Cảm ơn HT đã nêu ra câu hỏi này. Đúng vậy đó HT. Thế hệ tị nạn đầu tiên và thế hệ con cháu sinh ra tại Hoa Kỳ có rất nhiều sự khác biệt.
1. Học vấn: các bậc ông cha qua đây lúc mất nước nên cố gắng vừa học vừa làm và chọn các ngành kỹ sư, y khoa để có điều kiện tiến thân và có đủ tài chánh nuôi gia đình. Trong khi các cháu sinh trưởng tại đây thì chọn môn học nào các cháu thích. Họ không có mục đích bắt buộc cá nhân phải cố gắng vươn lên như ông bà cha mẹ của mình.
2. An cư lạc nghiệp: Thế hệ ông cha luôn bền bỉ làm việc tại một hãng xưởng, công ty. chắt chiu để dành tiền mua nhà vì theo tập tục có an cư thì mới lạc nghiệp. Các cháu thì lại khác: nơi nào trả tiền cao thì họ di chuyển, hay nếu có bạn trai/gái dọn đi tiểu bang/thành phố khác thì họ sẵn sàng "Adieu" cha mẹ ngay lập tức. Và thế hệ đầu thì thích mua nhà, trồng cây, làm vườn… Các cháu sau này phần đông thích mua townhouse hay condo để khỏi phải lo bảo trì chăm sóc sửa nhà!
3. Săn sóc phụng dưỡng cha mẹ già: Hoàn toàn không hề có khái niệm đó trong đầu óc các cháu sinh trưởng tại đây! Tuy nhiên, có những trường hợp các người Việt tị nạn qua đây vất vả, và nhiều cha mẹ bệnh hoạn không muốn làm gánh nặng nên họ tự động tìm phương cách về sinh sống tại VN hay vào nhà dưỡng lão (cũng có vài trường hợp ngoại lệ vì quá khả năng nên có những người con đành phải gởi cha mẹ vào nhà dưỡng lão)
4. Tiêu xài và tiết kiệm: Thế hệ cha ông tiêu xài kỹ lưỡng, biết để dành tiền hậu thân. Các con cháu thì xài thả dàn, nợ như chúa chổm. Nhất là quý vị cấp tiến có tư tưởng lấy của nhà giàu cho nhà nghèo thì càng tệ! Họ ỷ lại hơn vì cứ nghĩ chính phủ sẽ giúp đỡ (chủ thuyết của Marxism!) Họ có bao nhiêu xài bấy nhiêu, bất kể công nợ chính phủ ngập phủ đầu tới đời cháu chắc còn phải è lưng ra làm mà trả nợ!
Nói tới chuyện này Minh Ánh nhớ có đọc một email gởi trên diễn đàn (vnch?), có một ví khuyên chúng ta "tới tuổi này rồi đi làm tiết kiệm bao nhiêu năm, bây giờ muốn xài gì thì nên xài, đừng tiếc tiền, chết không mang theo…" thì một vị khác lại bàn ra "anh khuyên tôi xài cho thỏa mãn nếu hết tiền mai nhỡ đau ốm, tùng quẫn lấy tiền đâu mà lo cho mình?"
Hoàng Tín có ý kiến gì không? Thật ra mình đều đồng ý với cả hai vị trên.
A. Đừng quá tiết kiệm tới mức độ không dám xài tiền và nô lệ cho nó.
B. Cũng đừng vung tay quá trán, hãy xài những gì đáng xài và để dành chút đỉnh để hậu thân.
5. Ở chung nhà với cha mẹ: Các con cháu sinh trưởng tại Hoa Kỳ thông thường không thích sống chung với cha mẹ sau khi các cháu ra trường và có nghề nghiệp có thể tự lập.
Điều này có thể sẽ thay đổi trong tương lai. Vì với tình trạng thất nghiệp, vật giá leo thang, nhà cửa quá đắt đỏ, có thể các cháu đàng phải về sinh sống với ông bà cha mẹ một thời gian cho tới khi chính phủ nội các mới chấp chính thay đổi lại chính sách để giúp cho kinh tế HK tăng trưởng lại, có nhiều việc làm , và cuộc sống ổn định. Nếu không chắc là con cháu của chúng ta không mua nổi một căn nhà cho bản thân!
Tuy nhiên mình có đọc tin từ Reuters phỏng vấn một cô người Nhật, dạy âm nhạc và đàn piano tại tư gia, 54 tuổi hiện đang còn ở với cha mẹ. Những người này không thể sống tự lập được vì họ không muốn lập gia đình và có con, cũng như không có một nghề nghiệp ổn định. Cô tâm sự bố vừa từ trần và tiền hưu trí của gia đình bị mất một nửa. Cô và mẹ cô đang gặp khó khăn. Và nếu như mẹ cô mất đi thì cô sẽ không biết sống ra sao vì không có tiền hưu trí, hay tiền tiết kiệm, và kế hoạch cho bản thân sau này. Cô nghĩ chắc là sẽ phải sống vào tiền trợ cấp của chính phủ. Mà hiện nay quỹ này cũng đang cạn kiệt vì nước Nhật đang có vấn đề dân số cao niên đông hơn thanh thiếu niên. Thế hệ millenium không muốn lập gia đình, không muốn sanh con. Họ sống với điện tử nhiều hơn là giao tiếp với người chung quanh.
Người Nhật có một tên gọi cho những người này là "Parasite Singles" – "Những con Ký Sinh Trùng Độc Thân".
Nghe qua thấy nặng nề, sỉ nhục, và không thuận tai. Nhưng đó là cách ví von đúng vào sự thật nhất.
Cứ tưởng tượng thanh thiếu niên nước Mỹ chúng ta – trong đó có con cháu của mình: nếu tất cả các cháu đều thấm tư tưởng Marxism do đảng DC tiêm vào, hay bị các đam mê của kỹ thuật trò chơi điện tử làm các cháu mê muội, không còn thích giao du với người trực tiếp mà chỉ sống qua các mạng xã hội ảo, làm việc thì không đúng theo khả năng, không có động lực thúc đẩy tiến thân. không có tài năng hay kiến thức, sống dựa theo kiểu thức tỉnh tân thời: lựa chọn theo màu da và giới tính, bị lôi cuốn bởi những hứa hẹn và thúc đẩy lòng vị tha nửa vời của những kẻ đạo đức giả…thì một ngày nào đó nước Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ cũng chỉ là một sự mắc cỡ của chúng ta đối với thế giới, cũng như chúng ta đã xấu hổ nhục nhã vì những sự lẩm cẩm, bệnh hoạn, bất tài, tham ô của vị tổng tư lệnh hiện nay.
Trước khi chấm dứt chương trình Minh Ánh kính chào tạm biệt HT cùng toàn thể anh chị của đài SG-Dallas và quý vị thính giả. Kính chúc quý vị một cuối tuần hạnh phúc, thảnh thơi, và an lạc.
Xin cầu nguyện cho tất cả sức khỏe và như ý. Minh Ánh xin kính chào HT & quý vi.
Minh Anh Truong Nguyen
VACA
Liên Minh Bảo Hiến Mỹ Gốc Việt
(813) 570-0122