From: Hoi Van Do <hoivando>
Phiếm luận chính trị Hoa Kỳ.
MỘT QUY TẮC NGHỊCH LÝ VỀ VIỆC BẦU CỬ CHỦ TỊCH HẠ VIỆN HOA KỲ
Trong mọi thể chế dân chủ trên thế giới, chức vụ chủ tịch của một viện quốc hội đều trao về cho đảng được nhiều phiếu nhất (đa số) nếu là lưỡng đảng. Trường hợp có nhiều đảng, đảng nào có trên 50 phần trăm phiếu ở vòng đầu sẽ đương nhiên nắm chủ tịch. Nếu vòng đầu chưa đủ 50%, thì vòng kế tiếp sẽ tranh giữa hai đảng cao phiếu nhất, đảng nào được nhiều phiếu sẽ làm chủ tịch (thường là 50% vì chỉ còn hai đảng tranh nhau).
Hiện nay, Hoa Kỳ đang gặp bế tắc trong việc chọn chủ tịch hạ viện. Lý do tại sao?
Theo hiến pháp Hoa Kỳ, muốn bầu chủ tịch hạ viện, toàn dân biểu hạ viện phải bỏ phiếu trên sàn hạ viện để chọn, ứng viên phải được từ 217 phiếu trở lên (phân nửa tổng số dân biểu 435), bất kể đảng nào dù nắm đa số trong cuộc bầu cử toàn quốc (general). Nếu đảng thiểu số trong cuộc bầu cử tổng quát, vì lý do nào đó được trên 217 phiếu bầu trên sàn hạ viện, sẽ giữ chủ tịch (nghĩa là có đảng viên đảng đa số nhảy rào bỏ cho đảng thiểu số. Dĩ nhiên rất khó có việc này vì nếu có đảng viên nào nhảy rào bầu cho đảng thiểu số vì được xem là ‘phản đảng’ sẽ bị trừng phạt (sẽ bị cắt tài trợ, không được đề cử làm ứng viên trong cuộc bầu cử sắp tới…). Một lý do có thể hiểu được cho quy tắc này là dù đảng của anh thắng đa số trong cuộc bầu cử tổng quát, nhưng một ứng cử viên không thể đắc cử chủ tịch nếu không đạt được 217 phiếu. Đó là điều lệ lý tưởng, nhưng trong thực tế sẽ rất khó có thể làm hài lòng tất cả thành viên trong đảng của mình, nhất là khi đa số thắng trong cuộc bầu cử quá sát sao, như trường hợp hiện nay đảng Cộng Hòa chỉ cao hơn đảng Dân Chủ 9 dân biểu (221-212, 2 ghế trống, tổng cộng số dân biểu là 435), và thiếu sự đoàn kết trong một đảng.
Đây là lý do gây bế tắc.
Không thể nào tránh được sự không làm hài lòng tất cả thành viên của 1 đảng vì nhiều lý do: như quyền lợi riêng tư, quyền lợi của nhóm, hoặc của địa phương mình. Vì thế để đạt được gần như toàn số phiếu của đảng mình sẽ rất khó khăn.
Hiện nay đảng Công Hòa có 221 dân biểu, nên không thể đắc cử chủ tịch nếu có 4 dân biểu đảng CH không bỏ phiếu cho một ứng cử viên.
Việc truất phế chủ tịch hạ viện Kevin McCarthy vừa qua chỉ do một đảng viên CH vì bất mãn mà đã yêu cầu bỏ phiếu chống lại, nhóm chống McCarthy đã hợp lực cùng 212 đảng viên Dân Chủ đã truất quyền của chủ tịch hạ viện, một sự kiện quái gở trong việc hành sử chính trị tại Hoa Kỳ.
Dân biểu Jim Jordan đã được đảng Cộng Hòa, sau nhiều lần tuyển chọn, cử ra ứng cử chủ tịch hạ viện, nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều phiếu bầu cho ông ta trong chính đảng CH của mình, trong khi đất nước trong tình trạng khẩn cấp, rối ren, tình hình chiến tranh đang cần quốc hội thông qua nhiều dự luật như viện trợ cho Do Thái, một đồng minh chiến lược thiết yếu ở Trung Đông, viện trợ cho Ukraine để chống lại sự xâm lược của Nga, một chế độ độc tài toàn trị đang bắt tay với Trung Cộng để thống trị thế giới trong một thể chế độc tài, đàn áp con người, và quan trọng hơn nữa là phải thông qua ngân sách quốc gia hạn chót là 7 tháng 11, nếu không chính phủ phải đóng cửa, toàn thể sinh hoạt của Hoa Kỳ sẽ bị tê liệt có thể làm suy sụp nước Mỹ trước các thế lực ác độc.
Quy tắc hiện nay của Hoa Kỳ hoàn toàn đi ngược lại phương thức dân chủ là đa số thắng thiểu số. Đảng CH đã chiếm đa số trong hạ viện, thì theo nguyên tắc căn bản là đảng CH có quyền cử người của mình giữ chức vụ chủ tịch Hạ Viện.
Quy tắc hiện nay tại Hạ viện Hoa Kỳ cho người ta thấy:
1- Quy tắc đa số đã bị vi phạm.
2- Sự khác biệt trong một đảng dĩ nhiên sẽ có bất cứ ở đâu, nhưng không phải vì khác biệt nhau trong nội bộ mà gây ảnh hưởng không tốt cho quyền lợi đất nước.
3- Sự bế tắc này cho thấy nhiều đảng viên xem trọng quyền lợi riêng tư hay phe nhóm của mình trên quyền lợi quốc gia, một hành động đáng bị lên án.
4- Nền dân chủ của Hoa Kỳ được xem là mẫu mực cho thế giới, nhưng sự bế tắc (bất hợp lý) này khiến cho những chế độ độc tài nói với người dân của họ là chế độ dân chủ không giúp ích gì cho quốc gia, mà chỉ vì quyền lợi của cá nhân mà thôi. Từ đó, các nhà độc tài có lý do tiếp tục đàn áp dân mình qua cái gọi là “dân chủ gấp triệu lần”, hoặc “dân chủ theo kiểu nước tôi” và lên án dân chủ kiểu Tây Phương.
Đây là bài học quý giá cho những ai đang tranh đấu đòi tự do dân chủ cho đất nước Việt Nam hiện nay đang sống dưới chế độ “dân chủ gấp triệu lần dân chủ Tây Phương”. Nếu còn đặt quyền lợi cá nhân trên quyền lợi chung của đất nước thì dân chủ hay độc tài đều cũng đưa đến kết quả như nhau.
Đỗ Văn Hội
18/10/2023
(Viết trong lúc hạ viện chưa tìm ra lối thoát, DB Jim Jordan đã bị bác hai lần do chính đảng viên của mình)