Chương trình VUI BUỒN ĐỜI TỊ NẠN – CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI HOA KỲ của Radio Saigon Dallas 1160 AM: Ngày Chủ Nhật lúc 11:30 AM, giờ TX, tức là 12:30 PM, giờ Florida. Do Hoàng Tín phụ trách.
Chúng ta rất tự hào khi có nhiều người đồng hương tị nạn tại Hoa Kỳ đã thành công trên nhiều lãnh vực. Nhưng hôm nay chúng tôi xin được chia sẻ vài thông tin về những vị quân nhân Mỹ gốc Việt nổi tiếng trong quân đội Hoa Kỳ và trong cộng đồng người Việt chúng ta.
Thiếu Tướng Châu Lập Thể hay Lapthe Flora vẫn còn tại ngũ và con đường binh nghiệp của ông có thể thăng chức lên tới Trung Tướng hay Đại Tướng.
Thiếu Tướng Lương Xuân Việt đã giải ngũ và đã từng là Tư Lệnh Lục Quân Mỹ tại Nhật. Hy vọng trong tương lai ông sẽ tham gia vào chính trường để bảo vệ chính nghĩa, đạo đức, và làm gương cho các thế hệ trẻ Mỹ gốc Việt noi theo cũng như giúp cộng đồng Việt Nam có được tiếng nói mạnh mẽ.
Cựu Đại Tá Cao Hùng của Hải Quân Mỹ là người nổi tiếng trong chính trường khi ông ra tranh cử chức Dân Biểu Hạ Viện đại diện Virginia. Mặc dù ông thất cử nhưng hiện nay ông đang ra tranh cử tiếp tục cho chức Thượng Nghị Sĩ của Virginia. Chúng ta cần ủng hộ ông.
Anh Sean Lê, một người cũng từng phục vụ trong quân đội Mỹ. Sau khi giải ngũ, anh đã trở thành một YouTubber nổi tiếng với channel Sean Le TV – Tiếng Nói Tự Do.
Chúng ta có rất nhiều người con dân Việt đã và đang phục vụ trong quân ngũ và bảo vệ đất nước Hoa Kỳ.
Hôm nay chúng tôi xin được chia sẻ về những vị này trước. một bài phát biểu của Thiếu Tướng Châu Lập Thể – Lapthe Flora trong ngày khánh thành đài Tưởng Niệm Tri Ân tại Louisville, Kentucky vừa qua.
Lapthe Chau Flora (Châu Lập Thể) là một sĩ quan người Mỹ gốc Việt của Quân đội Hoa Kỳ. Ông là Thiếu Tướng, chỉ huy trưởng Lữ đoàn Vệ Binh Quốc gia Virginia 91th, căn cứ đóng quân tại Bowling Green, Virginia. Ông Châu Lập Thể từng là một người tị nạn, sau đó được một gia đình người Mỹ nhận làm con nuôi. Lapthe Chau Flora là người Mỹ gốc Việt thứ hai, sau ông Lương Xuân Việt, mang quân hàm tướng trong Quân đội Hoa Kỳ và là thuyền nhân gốc Việt đầu tiên được thăng cấp tướng trong lịch sử của quân đội Hoa Kỳ.
“Cảm ơn Ngài Dieruf đã giới thiệu và cảm ơn Tri Ân Foundation vì đã xây dựng đài tưởng niệm hoành tráng này.
Kính thưa quý vị Cựu chiến binh Việt Nam, gia đình, bạn bè, đồng chí tướng lĩnh và trung sĩ chỉ huy.
Xin kính chào! Vợ tôi, Thủy, và tôi, rất vinh dự được có mặt ở đây ngày hôm nay để cùng các bạn cảm tạ, tri ân các cựu chiến binh Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bảo vệ tự do cho nước Việt Nam Cộng Hòa. Họ đã anh dũng chiến đấu những trận chiến trên chiến trường và những trận chiến tiềm ẩn mà họ phải đối mặt sau đó.
Việc hồi hương của họ xứng đáng được chúng ta ngưỡng mộ, tôn trọng và biết ơn tối đa.
Lúc đó là cuối những năm sáu mươi và tôi chưa đủ lớn để nhận ra ai đó trông khác lạ so với người chung quanh tôi. Tôi cùng một nhóm nhỏ đuổi theo vài lính Mỹ đã phát kẹo và kẹo cao su cho bọn trẻ chúng tôi. Tất nhiên, tôi rất háo hức với những món ăn mà họ đã cho, Và còn có rất nhiều ấn tượng khác nữa. Và điều mà tôi nhớ nhất, khi mình lớn lên, là những người lính Mỹ.
Đó là phong thái tự tin của họ, những nụ cười rạng rỡ, cách diễn tả bằng động tác-những cử chỉ “ngầu” nhưng chân thật như ngậm điếu thuốc ở khóe miệng, trong khi cúi người xuống ngang bằng với một đứa bé, và nói một vài lời chào hỏi tiếng Việt. Đó là tiếng cười chân tình, và mặc dù họ không có sự lựa chọn khi đóng quân chiến đấu có mặt ở đất nước này, nhưng đó là cách mà họ cố gắng chú ý vào những điều tốt đẹp, chẳng hạn như thức ăn của chúng ta, và nỗ lực học một vài từ tiếng Việt.
Đối với một đứa trẻ lớn lên ở một đất nước bị chiến tranh tàn phá, trải qua nỗi sợ hãi và bất an, những người lính luôn là những anh hùng, và họ vĩ đại hơn cả trong đời sống. Vào thời điểm Hoa Kỳ đang chịu đựng nỗi đau ngày càng tăng của chính họ, người Mỹ vẫn đến khi được kêu gọi. Họ đại diện cho tinh tuý của tinh thần Mỹ. Họ đã đến, họ đã không kể tới mạng sống, và nhiều người trong số họ đã chết, hy sinh cho những người trông khác biệt với họ, cho những đứa trẻ đã đuổi theo họ, để xin kẹo và kẹo cao su.
Chính chủ nghĩa anh hùng và lòng nhân đạo của những người bảo vệ đó đã truyền cảm hứng cho tôi bước theo bước chân của họ.
Bước theo bước chân của một người lính đã giúp tôi hiểu được cảm giác làm một người Mỹ là như thế nào.
Tôi chỉ có 11 tuổi trong những ngày tự do cuối cùng của miền Nam Việt Nam, từ bên trong cửa sổ tôi đã chứng kiến quân lực miền Nam Việt Nam của chúng ta bắt đầu tiến vào từ vùng núi và nông thôn, chiến đấu quyết liệt để giữ vững lập trường và bảo vệ Sài Gòn.
Khung cảnh thật hỗn loạn, nhưng hình ảnh luôn mãi đọng lại trong tâm trí tôi là hình ảnh của sự quyết tâm và kiên trì trên khuôn mặt của những người lính Việt Nam Cộng Hoà. Vào những ngày tàn khốc nhất của sự nghiệp quân sự của họ và có lẽ luôn trong suốt cuộc đời của họ, tinh thần của những người lính của chúng ta vẫn còn đó, không nao núng, kiên quyết, sẵn sàng chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc.
Và mặc dù chúng ta mang theo trong mình những vết thẹo đau buồn vì tất cả những gì chúng ta đã mất ở Việt Nam, chúng ta cũng đã được trao cho một cơ hội mới trong cuộc sống ở Mỹ, một đất nước đã chào đón chúng ta khi chúng ta ở tận cùng thời điểm thấp nhất trong cuộc đời chúng ta. Bây giờ chúng ta có cơ hội và sự tự do mà thế giới phải ghen tị.
Vì vậy, khi chúng ta cùng tập họp ở đây ngày hôm nay, để tôn vinh những người lính dũng cảm đã chiến đấu vì chúng ta, chúng ta hãy nhận ra rằng chính việc nhìn lại quá khứ đã giúp chúng ta học hỏi, đã cho chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh, một bức tranh đã bị che khuất bởi quá nhiều đau khổ khi đó. Nhưng chính sự tiến về phía trước với hy vọng và lòng biết ơn bây giờ, chúng ta mới có thể trở thành con người có ý nghĩa mà chúng ta sẽ trở thành và con người mà chúng ta muốn trở thành.
Vì vậy, vào ngày này, nhiều năm sau nữa, một số người trong chúng ta vẫn đặt câu hỏi: Điều đó có quan trọng không? Có phải tất cả đều không có ý nghĩa gì?
Ngày hôm nay có hơn 2 triệu người Mỹ gốc Việt sinh sống ở Mỹ. Nhờ những cơ hội họ được trao nhận, nhiều người đã đạt được giấc mơ Mỹ ngoài sức tưởng tượng của họ.
Hôm nay tôi không thể viết ra được hết danh sách những đóng góp của nhiều người tị nạn Việt Nam đã góp phần cho Hoa Kỳ và thế giới. Tôi ước gì có thể liệt kê tên của họ, các nhà khoa học, bác sĩ, người bảo vệ, nghệ sĩ, giáo sư, đầu bếp, doanh nhân, và, dĩ nhiên, quân đội vĩ đại của chúng ta.
Tôi rất tự hào và vinh hạnh xin thông báo với các bạn rằng có hàng nghìn người Mỹ gốc Việt, giống như tôi, hiện đang phục vụ trong quân đội. Họ là di sản của quý vị, họ đang theo bước chân của quý vị, họ là những người dũng cảm nhất và thiện chiến nhất trong chúng ta, những người nắm lấy và hiểu ý nghĩa thực sự của việc phục vụ một thứ gì đó vĩ đại hơn chính bản thân chúng ta.
Di sản của quý vị sẽ tiếp tục truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên lịch sử, kể những câu chuyện về nền văn hóa của những người bị di tản vì chiến tranh, nhưng được bảo vệ bởi một quốc gia được cả thế giới biết đến là người bảo vệ hòa bình, bức tường thành của tự do, và là ngọn hải đăng của ánh sáng cho những người ở những nơi tối tăm trên toàn cầu.
Và khi chúng ta đứng đây trước Tượng đài Tri Ân, tôi muốn nói với tất cả quý vị rằng “Vâng” điều đó thực sự quan trọng. Nếu không có sự phục vụ và hy sinh của tất cả Cựu chiến binh Việt Nam, tôi và rất nhiều người khác sẽ không có mặt ở đây. Và “Không” sự đóng góp, hy sinh của bạn không phải là vô ích!
Với tất cả các cựu chiến binh Việt Nam, với những người thân trong gia đình, với những người đã chiến đấu và vinh danh những người đã hy sinh, và đối với những người vẫn còn mất tích, chúng tôi xin nói với lòng biết ơn khiêm tốn: “Xin chân thành cảm ơn. Chúng tôi tôn vinh quý vị ngày hôm nay và mỗi ngày. Di sản của quý vị sẽ tiếp tục tồn tại.” Chúng tôi sẽ tiếp tục đền đáp đất nước này, nơi đã cho chúng tôi rất nhiều.
Tổng thống John F. Kennedy từng nói: “Khi bày tỏ lòng biết ơn, chúng ta không bao giờ được quên rằng hình thức cảm kích cao nhất không phải là thốt ra lời nói mà là sống theo những lời đó”.
“Tri Ân” Xin Chúa phù hộ cho tất cả quý vị và Chúa phù hộ cho nước Mỹ.”
Một bài phát biểu cảm động nêu cao lòng biết ơn của người công dân Việt Nam Cộng Hòa.
Sau đây chúng tôi xin chia sẻ về Cựu Thiếu Tướng Lương Xuân Việt:
“Thiếu tướng Lương Xuân Việt từng nhận vai trò Tư lệnh Lục quân Mỹ tại Nhật Bản coi khoảng 2.500 binh sĩ, dân thường và người thân ở 16 quân đoàn ở lục địa Nhật Bản và đảo Okinawa.
Phát biểu tại lễ nhậm chức, ông Lương Xuân Việt nói: “Thưa lãnh đạo và các binh sĩ Lục quân Mỹ tại Nhật Bản, tôi sẵn sàng gia nhập gia đình của các bạn và vô cùng vinh dự được sát cánh cùng các bạn”.
Như vậy, ông Lương Xuân Việt trở thành người gốc Việt đầu tiên làm tư lệnh lục quân Mỹ tại Nhật Bản.
Thiếu Tướng Lương Xuân Việt là con trai duy nhất trong gia đình có bảy chị em gái.
Định cư tại Mỹ năm 1975 sau khi miền Nam thất thủ vào tay Cộng Sản Bắc Việt, cậu bé Lương Xuân Việt lúc đó chưa đầy 10 tuổi, cùng gia đình chọn thành phố Mountain View, California, sinh sống.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân sinh học và cao học khoa học quân sự tại đại học USC, ông tình nguyện vào quân đội, mang cấp bậc thiếu úy Bộ Binh năm 1987, đóng tại Colorado.
Ông lần lượt giữ chức vụ trung đội trưởng rồi đại đội phó.
Sau đó, ông được chuyển sang Sư Đoàn 101 Biệt Kích Dù, lần lượt giữ các chức vụ đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, và lữ đoàn trưởng.
Trước khi được thăng cấp đại tá và được bổ nhiệm vào chức vụ lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 3, Sư Đoàn 101 Không Kỵ, ông Việt làm tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 505 Bộ Binh Nhảy Dù Hoa Kỳ vào năm 2005 và chiến đấu tại chiến trường Iraq với cấp bậc trung tá.
Sau khi thăng cấp đại tá, ông trở thành lữ đoàn trưởng và chiến đấu tại chiến trường Afghanistan. Năm 2012, ông được cử về đại học Stanford University để tham gia huấn luyện chính trị cao cấp.
Ông được chính phủ và Bộ Quốc Phòng thăng cấp chuẩn tướng Lục Quân Hoa Kỳ ngày 6 Tháng Tám, 2014 và trở thành tướng Mỹ gốc Việt đầu tiên trong quân đội Hoa Kỳ, làm phó tư lệnh Sư Đoàn Kỵ Binh Số 1 Hoa Kỳ, phụ trách hành quân tác chiến.
Tháng Năm, 2017, ông được thăng cấp thiếu tướng, làm phó tư lệnh Quân Đoàn 8 đóng tại Nam Hàn.
Ngày 28 Tháng Tám, 2018, ông được bổ nhiệm làm tư lệnh Lục Quân Mỹ tại Nhật, đóng quân tại căn cứ Camp Zama, kế nhiệm thiếu tướng James Pasquarette.
Thiếu Tướng Lương Xuân Việt đã giải ngũ vào ngày 25 Tháng Sáu, năm 2021, sau 34 năm tận tụy và trung thành phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, theo trang Facebook US Army Japan.
Buổi lễ chia tay Thiếu Tướng Việt được tổ chức tại Camp Zama, Nhật, qua sự chủ trì của Trung Tướng Kevin B. Schneider, tư lệnh quân đội Mỹ tại Nhật kiêm tư lệnh Không Quân Mỹ tại căn cứ Yokota Air Base.
Cũng tại buổi lễ này trước đó hai giờ, ông Việt làm lễ bàn giao chức vụ cho vị tư lệnh mới.
Tính đến ngày nghỉ hưu, Thiếu Tướng Lương Xuân Việt đã giữ chức tư lệnh Lục Quân Hoa Kỳ tại Nhật được ba năm.
Trong buổi lễ, vị tướng gốc Việt được trao tặng nhiều danh hiệu và huân chương phục vụ xuất sắc, giấy chứng nhận nghỉ hưu, thư chúc mừng, và một lá cờ giải ngũ.
Trong bài phát biểu đầy xúc động, ông Lương Xuân Việt nói về những người làm nên tên tuổi và sự nghiệp của mình, đặc biệt là người cha quá cố, ông Lương Xuân Đương, một cựu chỉ huy Thủy Quân Lục Chiến VNCH, người đã cho ông một nền tảng đạo đức và tấm gương phục vụ bằng những hy sinh quên mình.
Ông Việt cũng không quên cảm ơn những người đã tạo ấn tượng lâu dài với ông để ông tiếp tục phục vụ đất nước Hoa Kỳ.”
Người công dân Việt Nam Cộng Hòa với nền giáo dục nhân bản, niềm tin, sự kính trọng và đạo đức từ gia đình học đường quân đội đã tạo ra những nhân tài như quý ông Châu Lập Thể và Lương Xuân Việt làm rạng danh không riêng cho Người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ mà trên khắp năm châu. Tinh thần “Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm” đã được lưu truyền từ đất nước Việt Nam Cộng Hòa cho đến ngày hôm nay tại xứ sở Hoa Kỳ – quê hương thứ hai của chúng ta.
Tuần sau chúng tôi xin chia sẻ về Ứng Cử Viên Hùng Cao và chiến dịch tranh cử đầy ấn tượng của ông năm nay.
Minh Anh Truong Nguyen
VACA
Liên Minh Bảo Hiến Mỹ Gốc Việt
(813) 570-0122