Bóng ma Lý Khắc Cường ám ảnh Tập Cận Bình

From: MY LOAN <tmyloan>

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC: NGÀY3/11/2023

Tại Trung Hoa, Le Figaro ngày 02/11/2023 nhận thấy « Tang lễ của cựu thủ tướng Lý Khắc Cường bị kiểm soát chặt chẽ ». Đối thủ bị Tập Cận Bình chèn ép có thể trở thành một khuôn mặt gây rắc rối cho chế độ, từ thế giới bên kia.

Các nhân viên an ninh mặc áo xanh canh gác trước một rừng hoa được người dân mang đến tưởng niệm ở gần một tòa nhà, nơi cố thủ tướng Lý Khắc Cường trải qua thời thơ ấu ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, ngày 02/11/2023. AP – Ken Moritsugu

Thụy My

Tưởng niệm cố thủ tướng : Bị theo dõi, thậm chí bị bắt !
Thông tín viên tờ báo mô tả, những đoàn người nối dài trên đường phố Hợp Phì (Hefei) tay cầm hoa, trong không khí trang nghiêm. Đám đông vô danh đủ mọi lứa tuổi đến trước nhà Lý Khắc Cường ở thành phố Trừ Châu (Chuzhou) quê hương ông thuộc tỉnh An Huy (Anhui) để mặc niệm. Ảnh chân dung và hoa được đặt khắp nơi, cho thấy người dân yêu mến cựu thủ tướng đột ngột qua đời ở tuổi 68.

Nhưng nhất cử nhất động đều bị an ninh giám sát, bị chú ý từng dòng chữ ghi trên những bó hoa xem có nội dung chống đối hay không. Dòng sông Dương Tử chảy qua đây từng được nhà cải cách họ Lý nhắc đến trong câu nói nổi tiếng hồi tháng Ba 2022, cho rằng sự mở cửa của Trung Hoa là « không thể đảo ngược, như dòng Dương Tử và Hoàng Hà », như một cách chỉ trích « kỷ nguyên mới » toàn trị và dân tộc chủ nghĩa của Tập Cận Bình.

Những hoạt động tưởng niệm diễn ra khắp Hoa lục từ khi nghe thông báo ông qua đời vì trụy tim trong khi đang bơi trong một khách sạn dành cho quan chức đảng ở Thượng Hải, tuy nhiên công an theo dõi chặt chẽ đám tang của « nhân vật số 2 » ngày hôm nay ở Bắc Kinh. Lý Khắc Cường được hỏa táng ở nghĩa trang cách mạng Bát Bảo Sơn (Babaoshan), như cựu chủ tịch Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) năm ngoái, tro được rải đi như để tránh mọi tưởng tiếc. Cờ được treo rủ theo nghi thức : đảng tôn vinh người đầy tớ ngoan ngoãn nhưng cấm nhân dân thương tiếc « quá trớn » trong lúc kinh tế đang xuống dốc.

Vô số lời kể trên mạng xã hội cho biết an ninh giải tán mọi cuộc tụ tập. Ở Thành Đô (Chengdu), những bó hoa đặt tại công viên Nhân Dân bị tịch thu, nhiều người bị công an bắt để thẩm vấn. Tại Tây An (Xi’an), công an canh gác trước một địa điểm tưởng niệm đột xuất. Ai đó viết lên tường ở Thẩm Dương (Shenyang) « Dương Tử và Hoàng Hà không chảy ngược. Thủ tướng Lý Khắc Cường sống mãi ! ». Báo chí nhà nước đăng cáo phó theo công thức đã định, vinh danh « người chiến sĩ cộng sản trung thành », nhưng chỉ có thế. Ngay cả lời phân ưu của tổng thống Joe Biden cũng không được nhắc đến, dù đang sưởi ấm lại quan hệ với Mỹ. Tập Cận Bình im lặng về cái chết của nhân vật số 2 Trung Hoa, người đã làm việc chung trong suốt một thập niên nhưng bị ông ta hất hủi, dành ưu ái cho người trung thành Lưu Hạc.

Cái chết của Lý Khắc Cường : Hồi kết của « Đoàn phái »

Lý Khắc Cường là đại diện cuối cùng của « Đoàn phái » đã tạo dựng sự cất cánh Trung Hoa, bị phe « Thái tử đảng » lấn lướt, đưa ý thức hệ lên hàng đầu. Nhà chính trị học độc lập Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin) giải thích : « Ông Lý không còn sức nặng chính trị từ khi về hưu, nhưng cái chết của ông được cho là nhạy cảm vì dưới mắt người dân, Lý Khắc Cường là biểu tượng cho đổi mới, trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Lấy cớ vinh danh ông, có thể có những tiếng nói kêu gọi cải cách ».

Ông Lý từng nhắc nhở gánh nặng 600 triệu người Trung Hoa vẫn đang sống với « dưới 1.000 nhân dân tệ » một tháng, trong khi ông Tập khoe khoang đã xóa được nạn nghèo đói. Theo WikiLeaks, Lý Khắc Cường cũng từng tỏ ra nghi ngờ con số thống kê chính thức, trước các nhà ngoại giao Mỹ.

Không quên vụ đám tang nhà cải cách Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang), công an căng thẳng theo dõi lễ hội Halloween tại Thượng Hải, nơi gần một năm trước diễn ra phong trào biểu tình bằng những tờ giấy A4 tố cáo « độc tài ». Chế độ cũng kiểm duyệt tất cả những gì liên quan đến thuyết âm mưu, sau khi hai bộ trưởng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) và Tần Cương (Qin Gang) bị rơi đài. Sau vụ cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) bị áp tải ra khỏi đại hội đảng, cái chết của Lý Khắc Cường là hồi kết cho « Đoàn phái », lực lượng cuối cùng có thể hạn chế được sự tự tung tự tác của một nhà lãnh đạo đơn độc nay hơn bao giờ hết.

Thương mại mang « đặc thù Trung Hoa » : Đảng là tối thượng
« Bắc Kinh cổ vũ cho thương mại ‘theo đặc thù Trung Hoa’ ». Tập Cận Bình lập ra chủ thuyết với đảng cộng sản đóng vai trò chủ chốt – theo nhận xét của Le Monde. Với ông Tập, phương Tây phải học tập Bắc Kinh chứ không phải ngược lại. Trong bài diễn văn trước các quan chức đảng mang tựa đề « Cần sử dụng đúng đắn bàn tay vô hình và hữu hình », ông nhấn mạnh những thành tựu trong những thập niên qua của Trung Hoa là nhờ sự chỉ đạo của đảng. Bàn tay vô hình là thị trường – mà Tập Cận Bình không chối bỏ lợi ích, nhưng bàn tay hữu hình là đảng Cộng sản Trung Hoa. Một bàn tay sắt ! Không chỉ quốc doanh lại được coi là mũi nhọn, mà ở các công ty tư nhân, các chi bộ đảng đóng vai trò cũng quan trọng như hội đồng quản trị. Và thường thì tổng giám đốc cũng kiêm luôn bí thư chi bộ.

Cũng vì đặt đảng lên trên hết, Trung Hoa đã đưa ra hai sáng kiến quan trọng gây lo ngại cho phương Tây. « Con đường tơ lụa mới » được khởi động tháng 9/2003, và đến 2015 là chương trình « Made in China 2025 », xác định 10 công nghệ quan trọng mà Bắc Kinh muốn thống trị. An ninh quốc gia đứng trên tự do mậu dịch. Trung Hoa còn triển khai tầm nhìn quốc tế của mình : « Sáng kiến vì văn minh thế giới » đề nghị « xây dựng một cộng đồng quốc tế cùng chung vận mệnh ». Đặc tính của cộng đồng này là mỗi nước tự ý đưa ra định nghĩa về dân chủ tự do cho riêng mình. Nhà Trung Hoa học Manoj Kewwalramani vào cuối tháng Mười nhận xét, nếu Tập Cận Bình đạt được mục đích, chúng ta sẽ phải sống trong « một thế giới mà Nhà nước đứng trên quyền của các công dân ».

https://freedom-vaca.org/vaca-blog-tieng-viet-nam/

https://freedom-vaca.org/vaca-main-blog-english-articles/