NHÌN LẠI LỊCH SỬ: ĐỆ NHỊ CỘNG HÒA
Tuần rồi, ta đã có dịp nhìn qua miền Nam VN dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa của TT Ngô Đình Diệm. Tuần này, ta xem tiếp lịch sử cận đại nước ta, dưới thời gọi là Đệ Nhị Cộng Hòa.
ĐỆ NHỊ CỘNG HÒA: 1963-1975
Phải nói ngay, Đệ Nhị Cộng Hòa trong miền Nam VN thật ra, ra đời năm 1967 khi tướng Nguyễn Văn Thiệu tuyên thệ nhậm chức tổng thống VNCH tuy không có gì chính thức gọi là đệ nhị CH. Những ngày từ sau cái chết của TT Diệm tới lúc đó, là khoảng thời gian chuyển tiếp, được coi như một trong những ngày đen tối, khó khăn, hỗn loạn nhất của lịch sử cận đại VN.
Cứ tạm coi ngày Đệ Nhất Cộng Hòa cáo chung cũng là ngày Đệ Nhị Cộng Hòa bắt đầu, ta xem lại những biến cố chính của thời đại, để nhận định cho rõ những chỉ trích, xuyên tạc.
- Đảo chánh 1/11/1963
Đây chính là cái mốc đánh dấu cáo chung của Đệ Nhất Cộng Hòa dưới TT Diệm.
Nguyên nhân đảo chánh, ta đã bàn qua tuần rồi, nhưng vẫn cần bàn thêm một chút. Bây giờ, hơn nửa thế kỷ sau biến cố, sau khi tất cả các nhân chứng, những người chủ động đều đã nằm xuống không còn biện bạch gì được nữa, CSVN và ngay cả nhiều người của VNCH trước đây, đã cố viết lại lịch sử, bôi lọ các tướng lãnh chủ trương đảo chánh đủ tội tồi tệ nhất, như coi quyền hành cá nhân nặng hơn vận mạng đất nước, lật đổ ông Diệm để tình nguyện làm tay sai cho Mỹ sau khi đã nhận 3 triệu (tiền VN, hay độ vài ngàn đô, KHÔNG phải 3 triệu đô!) của Mỹ qua tay một sĩ quan tình báo hạng thấp của Mỹ là trung tá Lucien Conein,…
Sự thật lịch sử với những người đã từng trải qua thời đó mà còn sống, thì phải hiểu những tố cáo trên hết sức phản sự thật. Bây giờ ai cũng tha hồ bóp méo, xuyên tạc mà tuyệt đối không dám nhắc tới việc khi đó cả ngàn phụ nữ già trẻ đã xuống đường tay không đầy máu vì kéo hàng rào kẽm gai, cả ngàn học sinh, sinh viên từ Huế tới Sài Gòn đã bãi khóa, xuống đường, tay không đánh nhau với cảnh sát dã chiến, cả chục vị sư già trẻ, nam nữ đã hy sinh tự thiêu để phản đối chính quyền của ông Diệm. Họ cũng đã quên cảnh người dân vui mừng đến độ nào khi ào xuống đường tung hô, tặng hoa, tặng thực phẩm cho quân đảo chánh, quên cảnh cả trăm người hý hửng kéo tượng Hai Bà Trưng xuống vì hai bà mặt mày đều được đúc dựa trên mặt mẹ con bà Nhu, rồi khiêng đầu hai bà, bỏ lên xích lô máy đi dạo khắp phố Sài Gòn. Nếu lý luận tất cả phụ nữ già trẻ, học sinh sinh viên, sư sãi đều là VC nằm vùng hay do VC thao túng, thì khỏi cần bàn luận thêm cho mất thời giời, cứ chụp nón cốn lên tất cả là xong.
Có người tố cáo các tướng lãnh đảo chánh vì đã nhận vài ngàn đô hối lộ của Mỹ. Không có ông tướng nào có thể bán rẻ lương tâm đến vậy. Tướng Trần Văn Đôn là người trực tiếp nhận 3 triệu -tiền VN- từ tay Conein, đã không giữ một xu nào, đưa cho các sĩ quan, bảo họ chia cho lính tham gia đảo chánh. Nếu tất cả mấy chục tướng lãnh quân lực VNCH đều có thể phản bội TT vì vài ngàn đô, thì cái quân đội đó như thế nào? Rồi các thuộc hạ của họ, cấp tá cấp úy có hơn gì? Có tin tướng Tôn Thất Đính đã nhận được một triệu đô (!) để tham gia đảo chánh, nhưng chẳng ai đưa ra bằng chứng hay nhân chứng gì trong khi bất cứ ai cũng có thể tung tin tướng này lãnh một triệu đô, tướng kia lãnh mười triệu đô. Tướng Đính sau 75, qua Mỹ đi làm bồi bàn trong một tiệm ăn ở Washington DC, chẳng có vẻ gì có cả triệu đô trong tay.
Khi đó, quần chúng miền Nam nhất loạt chống ông Diệm, ủng hộ quân đội đảo chánh, đó chính là sự thật lịch sử mà không ai có thể bóp méo. Ông Diệm có đại công cứu quốc và lập quốc là chuyện không ai phủ nhận được. Nhưng sau đó ông Diệm thất bại để mất lòng cả dân lẫn quân cũng là chuyện không thể viết lại lịch sử. Người ta có thể trách các tướng đảo chánh đã tính sai chiến lược, đã phạm sai lầm khổng lồ khi đảo chánh lật đổ TT Diệm, nhưng nói các tướng đảo chánh làm tay sai cho Mỹ vì bị mua chuộc bởi vài ngàn đô tiền Xịa chỉ là bôi bác nhỏ mọn, rẻ tiền, vớ vẩn, thiếu nghiêm chỉnh. Ủng hộ hay chống đảo chánh là quyền của mỗi người, nhưng bôi bác, bóp méo, viết lại lịch sử thì không ai có quyền (Vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chánh sẽ được bàn thêm trong bài tới, xin quý độc giả kiên nhẫn đừng bàn lung tung vội).
- Cái chết của ông Diệm
Cái chết của anh em ông Diệm Nhu đã là một bí ẩn được tranh cãi rất nhiều về việc ai đã ra lệnh. Thật ra, chẳng có gì đáng thắc mắc, người duy nhất có thể ra lệnh chỉ là tướng Dương Văn Minh không ai khác, và ông đã ra lệnh trong bí mật vì hầu hết các tướng lãnh trong đảo chánh không muốn giết họ. Cho dù chính ông Minh không ra lệnh, thì trong tư cách lãnh đạo cuộc đảo chánh, ông cũng phải chịu trách nhiệm.
Giết ông Diệm dĩ nhiên là quyết định quá đáng, vô nhân mà kẻ này không thể chấp nhận, tuy nhiên, muốn công bằng, phải tìm hiểu kỹ tại sao ông Minh, một ông tướng hiền lành, lại lấy quyết định tàn bạo vậy. Nhìn cho kỹ, có nhiều yếu tố ép ông Minh phải lấy quyết định đó. Khi đó, sáng ngày 2/11, tình hình chưa ngã ngũ khi QĐ I (tướng Đỗ Cao Trí), QĐ II (tướng Nguyễn Khánh) còn lửng lơ chưa theo phe đảo chánh, QĐ III (tướng Huỳnh Văn Cao) đang tìm cách mang lính qua sông Cửu Long về Sài Gòn ‘cứu giá’, lính dù đang bỡ ngỡ khi đại tá tư lệnh Cao Văn Viên bị bắt, hải quân đang giận dữ khi đại tá tư lệnh Hồ Tấn Quyền bị giết, Lực Lượng Đặc Biệt muốn nổi khùng sau khi đại tá tư lệnh Lê Quang Tung bị giết, lính phòng thủ dinh Gia Long nhất quyết tử chiến bảo vệ TT Diệm. Chưa kể chẳng ai biết chắc trong hàng ngũ các tướng đảo chánh, ai thật, ai giả? Có tin đồn tướng Trần Thiện Khiêm khi đó tính chuyện ‘phản đảo chánh’ với đại tá Đỗ Mậu vì cả hai trước đó đều là những người rất thân cận với ông Diệm. Do đó, vì sự thành công của đảo chánh, vì tính mạng của các tướng, cũng như nhu cầu mau chóng ổn định tình hình, tránh các quân binh chủng huynh đệ giết nhau, vì vận mạng đất nước, quyết định giết ông Diệm khó tránh. Vấn đề lớn là cần đảo chánh hay không, chứ việc giết ông Diệm chỉ là chuyện bất đắc dĩ phải làm một khi đã quyết định đảo chánh. Thử tưởng tượng nếu các tướng và các đơn vị ‘lửng lơ’, quyết định mang quân về Sài Gòn, hay tuyên bố ly khai với chính quyền trung ương như xẩy ra ở Huế dưới thời thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ sau này, thì tình trạng chính trị và quân sự VNCH sẽ ra sao? Cuộc chiến chống cộng sẽ đi về đâu? Ông Diệm chết, mọi chống đối hay đắn đo biến mất, tình hình được ổn định ngay sau đó. Ổn định đã phải trả giá thật đắt nhưng khó tránh.
Câu hỏi lớn của lịch sử: có cần đảo chánh không? Một mặt TT Diệm đã mất hậu thuẫn của dân khi người dân nổi lên biểu tình chống từ Huế vào tới Sài Gòn, lan qua các tỉnh nhỏ hơn như Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt,… mà TT Diệm dường như không biết xử thế ra sao. Việc đổ thừa tất cả lên đầu VC rồi bắt hết các sư không phải là giải pháp. Hậu thuẫn của dân thật sự cần thiết trong cuộc chiến sống còn với VC. Có thể đã có nhu cầu thay đổi lãnh đạo, thay đổi sách lược chống cộng thật sự cần thiết? Mặt khác, trong hàng ngũ các tướng cũng như các chính khách chống TT Diệm, chẳng ai có tư cách, uy tín và khả năng để thay thế TT Diệm, đảo chánh sẽ đẻ ra cái gì khá hơn hay tồi hơn cho đất nước? Chỉ là loại câu hỏi giả tưởng mà không ai có câu trả lời.
- Mậu Thân và bóp méo của truyền thông thiên tả Mỹ
Phải nói ngay, đây là tội lớn nhất của đám truyền thông thiên tả Mỹ đối với đất nước và dân tộc Việt.
Nhìn và thực trạng cuộc chiến cho tới trước Tết Mậu Thân, tất cả tài liệu được công khai hóa sau này đều cho thấy quân lực VNCH hợp tác với quân đội Mỹ, đã đang trên đà thành công, có triển vọng chặn đứng âm mưu thôn tính miền Nam của CSBV. Theo nghiên cứu của ông Mark Moyar, thời điểm 1965-1968 là thời kỳ thành công lớn nhất của VNCH và Mỹ trong cuộc chiến (xem sách Triumph Regained, Mark Moyar, có bán trên Amazon). Chính trị ổn định sau khi một vài ông tướng tham vọng cá nhân quá lớn quậy tung miền Nam VN như Nguyễn Khánh, Nguyễn Chánh Thi,… đã bị loại khỏi chính trường, quân đội vững mạnh, thắng trận liên tục, kinh tế phát triển mạnh, Mỹ đổ cả nửa triệu quân vào chiến trường cùng hỏa lực chưa từng thấy,… Mối nguy cho CSBV lớn tới độ chúng phải uống thuốc liều, quyết đổ xí ngầu tung ra một trận một sống hai chết, gọi là Tổng Công Kích Mậu Thân, đánh một lúc cả trăm thành phố, đô thị, căn cứ quân sự VNCH, và đánh luôn cả những trung tâm đầu não cao nhất là Dinh Độc Lập, bộ Tổng Tham Mưu và tòa đại sứ Mỹ.
Kẻ này có dịp nói chuyện với một thanh niên tại Sài Gòn, mấy chục năm sau 75. Anh này nói thẳng "Hồi đó con chưa sanh ra, không biết gì hết, chỉ thấy sao VC có thể huy động cả trăm ngàn quân đánh cả trăm nơi trên cả nước mà VNCH và Mỹ đều không biết trước, có phải là VC đã được dân bảo vệ, giúp che giấu các điều động lính và vũ khí không?". Nhận định này là nhận định chung của cả triệu người. Kẻ này không thể có câu trả lời vì không biết. Tuy nhiên, cũng đã có thể có lời giải thích: VNCH và Mỹ biết rõ VC sẽ tung toàn lực ra đánh trận mà họ coi như ‘xả láng’, nhưng nhắm mắt làm ngơ vì tính toán có thể lợi dụng cơ hội tiêu diệt nếu không trọn gói thì cũng phần rất lớn lực lượng cộng quân. Trước Mậu Thân, cảnh sát VNCH đã chặn bắt được không ít súng đạn đang được di chuyển, và quân báo VNCH cũng tịch thu được không ít tài liệu, liên quan đến các chuẩn bị cho tổng công kích. TT Thiệu đã kín đáo đi khỏi Dinh Độc Lập. Đại sứ Mỹ cũng không có mặt trong Tòa Đại Sứ khi cảm tử VC đánh. Do đó, khó nói VNCH và Mỹ đã hoàn toàn mù tịt, bất ngờ trước tổng công kích này.
Thực tế là quả thực, trận Mậu Thân đã là chiến thắng quân sự lớn nhất của VNCH trong cuộc chiến. Ta đừng quên khi đó, VC không tấn công các căn cứ Mỹ và Mỹ cũng gần như án binh bất động nguyên ngày đầu. Chỉ có lính Cộng Hòa ứng chiến ngay từ đầu và đánh những trận lớn nhất như trong Chợ Lớn hay chiếm lại Huế. VC thảm bại tới độ lực lượng Mặt Trận Giải Phóng bị tiêu diệt trọn vẹn, không còn một mống nào, để rồi từ đó về sau, cuộc chiến được chuyển hẳn lên vai bộ đội chính quy Bắc Việt. VC thử lửa một sống hai chết cho lực lượng Mặt Trận Giải Phóng đã đi đến kết quả… là Mặt Trận tan xác, chết ngắc, biến hẳn khỏi chiến trường.
Xin quý vị xem tiếp ở nguồn dưới đây:
https://diendantraichieu.blogspot.com/2023/11/bai-306-nhin-lai-lich-su-e-nhi-cong-hoa.html
Vũ Linh
3/11/2023
MHP