Chương Trình “Những Điều Trông Thấy”
với cựu Đại Úy Nguyễn Thị Bé Bảy
Dũng Nghiêm phụ trách
trên Đài Phát Thanh SàiGòn- Dallas, làn sóng 1160 AM
lúc 3:30pm – 4:00 pm (Giờ Miền Đông)
Friday Nov 17, 2023
Câu hỏi 1. Hội Nghị APEC
Ông Biden và ông Tập Cận Bình đã gặp mặt vào hôm 15/11 tại San Francisco bên lề Hội Nghị APEC. Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ 2 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung, kể từ khi ông Biden nhậm chức Tổng Thống Mỹ vào tháng 1/2021.
Trung Cộng đã cắt đứt liên lạc quân sự với Mỹ sau khi Chủ Tịch Hạ Viện lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng 8/2022. Mối quan hệ giữa 2 nước trở nên băng giá sau khi ông Biden ra lệnh bắn hạ một khinh khí cầu bị nghi là thiết bị do thám của Trung Quốc bay qua nước Mỹ vào tháng 2.
Sau đó, các quan chức hàng đầu trong chính quyền của Tổng Thống Biden đã đến thăm Bắc Kinh và gặp gỡ những người đồng cấp được gọi là để “xây dựng lại các mối liên lạc và niềm tin song phương”. Nhiều người cho rằng Mỹ bị lép vế quá, theo cô nhận định toàn bô hội nghị APEC?
Đáp:
APEC là viết tắt tiếng Anh của tổ chức Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương. Đây là diễn đàn thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế giữa các quốc gia quanh Thái Bình Dương.
Tổ chức này bắt đầu với 12 thành viên vào năm 1989, nhưng đến nay đã phát triển lên 21 thành viên bao gồm Trung Cộng, Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc. Các quốc gia thành viên này có rất nhiều lợi thế, chiếm gần 40% dân số toàn cầu và gần một nửa thương mại thế giới.
Hội Nghị APEC diễn ra từ ngày Thứ Bảy 11 đến ngày Thứ Sáu 17 tháng 11 tại Thành Phố San Francisco , Hoa Kỳ. 21 nhà lãnh đạo của Nhóm Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương sẽ thảo luận về cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại tốt hơn trên toàn khu vực Thái Bình Dương.
Tổng quát, Diễn Đàn APEC có phạm vi hạn chế, chỉ tập trung vào 2 lãnh vực thương mại và kinh tế, không nói đến lãnh vực quân sự thường liên quan đến chiến tranh là một sự kiện làm thay đổi thế giới.
Về mặt kỹ thuật, Diễn Đàn có các ” thành viên kinh tế” chứ không phải là các quốc gia. Điều đó tạo cơ hội cho sự tham gia của cả Hồng Kông do Trung Cộng cai trị và Đài Loan tự trị.
Sức mạnh của APEC nằm ở khả năng thúc đẩy các thành viên cùng hợp tác thực hiện các sáng kiến lớn và nới lỏng quan hệ kinh doanh mà không cần đến các thỏa thuận ràng buộc. Các nhà kinh tế chỉ ra cách APEC góp phần giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác.
Nhưng sự kiện thượng đỉnh không phải là những vấn đề này, mà là một sự việc diễn ra bên lề hội nghị, đó là cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Tổng Thống Joe Biden và Chủ Tịch Tàu Cộng Tập Cận Bình, trong bối cảnh mối quan hệ lạnh nhạt giữa Trung Cộng với Hoa Kỳ cũng như tình trạng hỗn loạn toàn cầu từ việc Nga xâm chiếm Ukraine cho đến cuộc chiến giữa Do Thái và quân khủng bố Hamas.
Sau cuộc gặp gỡ với Tập Cận Bình trong 4 tiếng đồng hồ vào ngày Thứ Tư 15/11, TT Biden có một cuộc họp báo trong vòng 21 phút 35 giây với 4 câu hỏi được soạn sẵn bởi 4 cơ quan truyền thông được chỉ định là Financial Times, Bloomberg, CBS, và Washington Post.
Ông Biden đã cho biết các vấn đề sau đây:
– Tập Cận Bình hứa sẽ ngăn chận fentanyl đưa vào Hoa Kỳ
– Hai bên đã đồng ý khôi phục liên lạc quân sự cấp cao giữa quân đội hai nước mà Trung Quốc đã cắt đứt vào tháng 08/2022 sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi.Tường trình gần đây của Ngũ Giác Đài cho biết, giới chức quân sự Trung Cộng đã nhiều lần từ chối, hủy bỏ và làm ngơ những lần liên lạc của giới chức quân sự Hoa Kỳ.
Hai lãnh tụ cũng sẽ trực tiếp nói chuyện trực tiếp với nhau bằng điện thoại khi cần thiết.
– Hai bên cũng thảo luận các vấn đề khác như Trí Tuệ Nhân Tạo, vấn đề nhân quyền, các hoạt động của Trung Cộng ở Biển Đông, vấn đề Đài Loan, cũng như trao đổi quan điểm về Ukraine và cuộc xung đột ở Gaza.
Khi đã chấm dứt cuộc họp báo, một phóng viên còn hỏi vói theo là ông có tiếp tục ủng hộ Tập Cận Bình, người mà ông gọi là nhà độc tài hồi đầu năm nay hay không? thì Biden xác nhận Tập Cận Bình là nhà độc tài, vì ông ta đang cai trị quốc gia dựa trên những chuẩn mực khác nhau. Những lời này khiến cho các người ủng hộ ông Biden rất tự hào, cho rằng Biden đã sỉ vã Tập Cận Binh.
Ngoài ra, còn có một chuyện bên lề khác cũng rất đáng nói, đó là Thống Đốc California Gavin Newsom đã cho dọn dẹp sạch sẽ thành phố San Francisco để đón tiếp các lãnh tụ APEC, đặc biệt là để đón tiếp Chủ Tịch Tập Cận Bình.
Các căn lều của những người vô gia cư đã biến mất, những chất thải trên đường phố được hốt sạch, các hình vẽ trên tường được xóa, đường phố được rửa sạch bóng loáng.
Nhận xét về hiện tượng này, nhiều người thắc mắc là nhà chức trách tại San Francisco nói riêng và tiểu bang California nói chung, họ đã dọn dẹp San Francisco một cách dễ dàng như vậy, tại sao họ không làm trước đây? Có phải là họ không muốn làm? Và tình trạng sạch sẽ của San Francisco sẽ được duy trì trong bao lâu, hay là sau đó thì tình trạng vô gia cư, phóng uế, chơi ma túy trên đường phố đâu lại vào đấy?
Khi được hỏi tại sao lại dọn dẹp vào lúc này mà không dọn dẹp trước đó, Ông Newsom trả lời, khi có khách tới thăm nhà, thì dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ dể tiếp khách là một chuyện tất nhiên phải làm.
Câu hỏi 2. Biểu tình phản đối Trung Cộng và Việt Cộng tại Hội Nghị APEC
Tiếp nối làn sóng biểu tình tại hội nghị APEC 2023, hôm 15/11 các nhóm cộng đồng người Mỹ gốc Việt đến trung tâm thành phố San Francisco để phản đối phái đoàn Việt Nam do Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu đang tham gia sự kiện này, yêu cầu chính quyền Việt Nam cải thiện đời sống người dân, tuân thủ các cam kết quốc tế, mở rộng dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Nhân dịp này, người biểu tình xem APEC ở Mỹ là cơ hội để tiếng nói của họ được lắng nghe, theo cô việc biểu tình có ảnh hưởng như thế nào?
Đáp:
Tôi đã xem các youtube biểu tình chống Trung Cộng do người Việt tường trình, thì thấy các sắc dân Tây Tạng, Duy Ngô Nhỉ, Pháp Luân Công, Hồng Kông, Đài Loan cũng như Việt Nam đã có một cuộc biểu tình rất rầm rộ trong ngày 15/11 ở khu downtown thành phố San Francisco và bên phía Trung Cộng cũng có 1lực lượng hùng hậu với rừng cờ đỏ ủng hộ Tập Cận Bình. Riêng nhóm Việt Nam tụ họp ở ngay đường phố đối diện với địa điểm hội nghị, vừa chống Trung Cộng vừa chống Việt Công. Vào ngày 15, chỉ có vài người trương cờ Trung Cộng xen lẫn với nhóm biểu tình của mình, nhưng vào ngày hôm sau, cũng tại địa điểm này, Trung Cộng áp dụng “chiến thuật biển người” với rừng cở đỏ sao vàng và máy phóng thanh phát nhạc Tàu, mở âm thanh tối đa để áp đảo nhóm biểu tình người Việt. Có thể nói trên mặt trận tuyên truyền, Cộng Sản vẫn là sư tổ!
Chương trình Laura Ingraham của Fox News cũng nhận xét rằng Trung Cộng đã thắng lớn trên mặt trận tuyên truyền qua buổi dạ tiệc với Tập Cận Bình (dining with dictators) với giá một vé là 40 ngàn mỹ kim, tập hợp hầu hết các doanh thương tai to mặt lớn của Hoa Kỳ, là các nhân vật đứng đầu của Boeing, Black Rock, Honeywell, Broadcom, Apple, Uber …Và những nhân vật này được cô Laura mô tả là đã ” nhảy cẩng lên” lên khi Tập Cận Bình được giới thiệu và tiến vào hội trường.
Nhìn tổng quát các hoạt động của lực lượng Tàu Cộng tại Hội Nghị APEC như các cuộc tuần hành ủng hộ Tập Cận Bình, buổi dạ tiệc nói là do Trung Cộng tổ chức, nhưng thực tế là do các “đại gia Hoa Kỳ” chi trả mỗi người 40 ngàn mỹ kim, cho thấy Trung Cộng không bỏ lỡ bất cứ cơ hội và dịp may nào để “biểu dương thực lực” của họ. Hội nghị APEC là một “dịp may” để Tập Cận Bình níu kéo các nhà tư bản Hoa Kỳ tiêp tục đầu tư vào Hoa Lục hầu cứu vãn nền kinh tế tại đây đang xuống dốc.
Câu hỏi 3. “Mỹ Quốc viện trợ”cho ai?
Kể từ khi Hoa Kỳ đột ngột rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 08/2021, một sự ra đi hỗn loạn đáng sợ bởi các vụ đánh bom tự sát khiến 180 người thiệt mạng, trong đó có 13 quân nhân Mỹ, những người đóng thuế của quốc gia này đã chuyển 2.5 tỷ USD viện trợ nhân đạo dành cho quốc gia nghèo khó này đến các tổ chức bất vụ lợi quốc tế.
Không ai biết số tiền đó được chi tiêu như thế nào ngoại trừ các nhà lãnh đạo Taliban cầm quyền ở Afghanistan. Cũng y như việc viện trợ tiền bạc cho Ukraine mà không kiểm soát xem ai nhận được, dùng như thế nào? Cô nhận định kiểu chính sách viện trợ của Mỹ?
Đáp:
Đây là một vấn đề rất phức tạp và mâu thuẫn, ngay cả các nhà lập pháp Cộng Hòa cũng đã nêu lên, nhưng không có câu trả lời thoả đáng. Nó cũng tương tự như chính sách đối với Iran hiện nay của chính quyền Biden.
Trong khi Cơ Quan FBI và Bộ Nội An trong các buổi điều trần tại Thuợng Viện Hoa Kỳ đã lên tiếng báo động về một cuộc tấn công của khủng bố có thể xảy ra tại nước Mỹ bất cứ lúc nào, thì chính quyền Biden vừa tháo khoán thêm 10 tỷ mỹ kim cho Iran, vốn đã bị phong toả tại ngân hàng Iraq, sau khi đã tháo khoán 6 tỷ mỹ kim tại ngân hàng Nam Hàn cách đây không lâu.
Qua cuộc tấn công bất ngờ vào Do Thái của quân khủng bố Hamas trong ngày 7 tháng 10, nhà cầm quyền Iran cũng như quân khủng bố Hamas không phủ nhận là họ đã có một sự cấu kết với nhau, và Hamas đã công nhận là có nhận được sự tài trợ của Iran, trong khi giới chức cao cấp Iran tuyên bố thẳng thừng là 6 tỷ mỹ kim đó là tiền của Iran, thì họ muốn sử dụng như thế nào là quyền của họ.
Khi Biden đề cập đến cuộc chiến tại Gaza trong cuộc họp báo vừa nói ở trên, đã phát biểu rằng “Tôi nghĩ cuộc chiến sẽ dừng lại khi Hamas không còn duy trì khả năng giết người nữa.” trong khi chính quyền của ông lại tạo cơ hội để cho Iran tài trợ Hamas bằng cách tháo khoán đúng vào lúc này số ngân khoản 10 tỷ của Iran đã bị ông Trump cấm vận.
Như vậy đủ thấy chính sách ngoại giao của Biden là một chính sách bất nhất, mâu thuẫn, không có một đường lối nhất định và vững chắc.
Theo một thăm dò ý kiến của Fox News Poll, 70% cho rằng Biden đã đáp ứng rất rất đúng với những nhu cầu và sự đòi hỏi của nhà cầm quyền Iran.
Trở lại vấn đề viện trợ cho A Phú Hãn do Taliban kiểm soát.
Mời quý vị nghe Ông John Sopko, Tổng Thanh Tra của SIGAR cho biết ý kiến về chính sách viện trợ của Biden.SIGAR là chữ viết tắt của cơ quan Thanh Tra Tái Thiết A Phú Hãn do Quốc Hội thành lập để theo dõi sự điều hành ngân khoản viện trợ tái thiết A Phú Hãn
Ông John Sopko nói với Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện vào tháng 4 rằng ông “không thể đảm bảo với Ủy Ban hoặc người nộp thuế Mỹ là những số tiền viện trợ không lọt vào tay Taliban.” Ông cũng tố cáo chính quyền Biden đã ngăn chặn các nỗ lực điều tra của ông và từ chối giao các tài liệu có thể cho biết liệu Taliban có lấy được viện trợ bằng tiền mặt của Mỹ hay không.
Theo báo cáo mới nhất của SIGAR, trong hai năm kể từ khi Taliban giành lại quyền kiểm soát Afghanistan sau khi chính quyền Biden rút lực lượng Hoa Kỳ vào năm 2021, ngày càng rõ ràng rằng nhóm khủng bố này coi tiền viện trợ của quốc tế là một “nguồn lợi tức” cho họ.
Viện Hòa Bình Hoa Kỳ gần đây đã báo động với Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID), rằng Taliban đang “thúc đẩy mức tín dụng ngày càng tăng và kiểm soát các ngân khoản viện trợ.” Các quan chức Liên Hiệp Quốc cũng cho biết “Taliban đã xâm nhập và ảnh hưởng một cách hiệu quả đến hầu hết các chương trình viện trợ do Liên Hiệp Quốc cung cấp.”
Thực tế này đang đặt ra câu hỏi về khoản tiền trên 2 tỷ USD mà chính quyền Biden vừa cấp cho A Phú Hãn. Khi tiền viện trợ của Hoa Kỳ chảy vào nước này, “sự can thiệp của Taliban vào hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ngày càng gia tăng, dẫn đến sự sụt giảm liên tục trong khả năng tiếp xúc với những người thụ huỏng viện trợ nhân đạo vào năm 2023.
Trong khi đó, nhà cầm quyền Taliban không hề thay đổi các chính sách quá khích kể từ khi chiếm đóng đất nước, bất chấp những lời hứa kể từ khi giành được quyền lực vào tháng 8 năm 2021 là sẽ hoàn thiện hơn, chống khủng bố, tôn trọng nhân quyền và không gây ra mối đe dọa an ninh cho khu vực. Liên Hợp Quốc nói rằng Taliban cũng không có dấu hiệu nhượng bộ trước áp lực cải cách hoặc chịu thỏa hiệp.
Khi SIGAR và các Ủy Ban Giám Sát của Quốc Hội nêu lên mối lo ngại về việc chính quyền Biden thúc đẩy bơm tiền vào A Phú Hản, thì các cơ quan chính phủ kiểm soát các khoản chi tiêu này không hợp tác với các cuộc điều tra.
Ông Sopko điều trần vào tháng 4 rằng “Bộ Ngoại Giao, cơ quan USAID, Liên Hiệp Quốc và các cơ quan khác từ chối cung cấp cho chúng tôi những dữ liệu cơ bản mà chúng tôi hoặc bất kỳ cơ quan giám sát nào cần phải biết để đảm bảo điều hành an toàn ngân khoản viện trợ.”
Ông nói thêm: “Điều đáng lo ngại hơn là Bộ Ngoại Giao và cơ quan USAID đã chỉ thị cho nhân viên của họ không được nói chuyện với SIGAR, và trong một trường hợp gần đây, Bộ Ngoại Giao đã yêu cầu một trong những nhà thầu của mình không tham gia vào cuộc kiểm tra của SIGAR.” Bạch Ốc cũng sẽ không hợp tác với SIGAR.
Quốc Hội cũng từng trải qua những kinh nghiệm tương tự, trong đó USAID từ chối không cho các nhà điều tra biết những biện pháp nào đã được áp dụng để bảo đảm tiền của người đóng thuế không bị Taliban đánh cắp.
Kết luận, thật không hiểu nỗi chính sách viện trợ của chính quyền Biden, họ viện trợ cho nạn nhân khủng bố hay là viện trợ cho thủ phạm khủng bố???