Tầng lớp trung lưu của Trung Hoa chỉ là một khái niệm hoang đường

Antonio Graceffo

Trung Hoa là quốc gia giàu thứ hai thế giới, thế nhưng người dân của nước này chỉ xếp vị trí thứ 72 trong số những người giàu nhất thế giới.

Sự giàu có của một quốc gia được đo bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tổng giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một quốc gia trong một thời kỳ nhất định (quý, năm). Hoa Kỳ tự hào có GDP cao nhất thế giới ở mức 25.462 nghìn tỷ USD, còn Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai với 17.963 nghìn tỷ USD.

Mặc dù Trung Quốc được xếp hạng là quốc gia giàu thứ hai thế giới tính theo GDP, nhưng số liệu này không phản ánh được rõ nét chất lượng cuộc sống của công dân theo bình quân đầu người. Để đánh giá điều này, người ta lấy GDP chia cho tổng dân số để suy ra GDP bình quân đầu người, đưa ra ước tính rộng rãi về thu nhập bình quân đầu người. Hoa Kỳ giữ vị trí thứ tám, với GDP bình quân đầu người là 75,269 USD, trong khi Trung Quốc đứng thứ 72, với GDP bình quân đầu người chỉ là 12,598 USD. Điều này khiến Trung Quốc tụt hậu đáng kể so với các quốc gia phát triển như Singapore và Nhật Bản, thậm chí còn tụt hậu so với cả các quốc gia như Lithuania, Estonia, và Tây Ban Nha, những quốc gia có GDP bình quân đầu người cao hơn gấp đôi so với Trung Quốc.

Có một lý thuyết gọi là ngang giá sức mua (PPP), được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và những người biện hộ cho Trung Quốc ưa chuộng, những người cho rằng giá cả thấp hơn ở Trung Quốc sẽ làm tăng sức mua của người dân, khiến họ khá giả hơn mặc dù có mức lương danh nghĩa (mức lương biểu thị bằng giá trị của đồng tiền hiện hành) thấp hơn. Xét ở góc độ nào đó, thì lập luận của họ cũng có lý. Ví dụ, nam giới vẫn có thể cắt tóc với giá 5 USD ở Thượng Hải, trong khi đó để tìm được một nơi cắt tóc với giá dưới 20 USD ở New York là một chuyện khó khăn. Tuy nhiên, tỷ lệ tiền thuê nhà trên thu nhập ở New York là 68.5%, cho thấy tiền thuê nhà trung bình chiếm tới 68.5% mức lương trung bình. Ở Thượng Hải, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở mức 90%. Do đó, người ta thấy được giá danh nghĩa ở New York cao hơn nhưng chi phí lại thấp hơn so với thu nhập. Sự khác biệt này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi mua một căn hộ, với giá nhà trung bình ở Thượng Hải cao gấp 50 lần mức lương trung bình, trong khi ở New York, con số này chỉ có 10.5 lần.

Giáo dục là một khoản chi phí đáng kể đối với các gia đình Trung Quốc. Ở Hoa Kỳ, chỉ có khoảng 9% trẻ em theo học tại các trường tư, và một tỷ lệ nhỏ hơn chi tiền cho việc học gia sư hoặc các lớp học thêm, thường là trong một khoảng thời gian ngắn. Ngược lại, ở Trung Quốc, hầu hết trẻ em đều đi học thêm, với 30% cha mẹ cho biết chi phí hàng tháng dao động từ 140 USD đến 400 USD.

Một lĩnh vực khác mà thước đo PPP còn thiếu sót là hàng hóa và nguyên liệu thô nhập cảng, được định giá bằng đồng dollar Mỹ danh nghĩa, khiến những hàng hóa này trở nên có giá cả phải chăng hơn đối với người Mỹ bình thường. Ví dụ, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng thích xe hơi Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả khi không bao gồm thuế nhập cảng, thì người tiêu dùng Trung Quốc phải bỏ ra số tiền tương đương với bốn năm thu nhập để mua trong khi một người Mỹ bình thường chỉ cần dành ra hơn nửa năm tiền lương là đã có thể sở hữu một chiếc.

Hơn nữa, sự tương phản này còn mở rộng sang cả lĩnh vực giáo dục. Hầu hết người Mỹ không cảm thấy cần phải gửi con ra hải ngoại học tập, nhưng đối với các gia đình Trung Quốc thì Hoa Kỳ lại là điểm đến chính. Sinh viên hải ngoại phải trả học phí lên gấp ba lần, cộng với chi phí sinh hoạt ở Hoa Kỳ, trung bình khoảng 100,000 USD mỗi năm.

Cộng với thực tế là nhiều nhu yếu phẩm có giá cao hơn thu nhập trung bình ở Trung Quốc, người bình thường không kiếm được thu nhập trung bình. Hệ số Gini đo lường sự chênh lệch thu nhập ở một quốc gia theo thang điểm từ 1 đến 100, trong đó thang điểm 1 biểu thị sự bình đẳng hoàn toàn. Năm 2022, Trung Quốc đạt mức điểm là 46.7, khiến quốc gia này trở nên bất bình đẳng hơn hầu hết các quốc gia Tây Âu hay Nhật Bản.

Năm 2015, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, 20% người có thu nhập cao nhất kiếm được gấp 5.3 lần so với 20% người có thu nhập thấp nhất. Tuy nhiên, đến năm 2022, khoảng cách này đã nới rộng hơn, với 20% gia đình thành thị giàu nhất có thu nhập gấp 6.3 lần so với 20% gia đình nghèo nhất. Ở khu vực nông thôn, mức chênh lệch này còn lớn hơn tới 9.2 lần. Trên toàn quốc, 1% dân số giàu nhất nắm giữ hơn 31% tổng tài sản hộ gia đình của đất nước.

Trung Quốc khẳng định danh hiệu tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới, với gần nửa tỷ thành viên. Tuy nhiên, phần lớn tầng lớp trung lưu của Trung Quốc không giàu có như ở các quốc gia phát triển, vì 75% trong số họ kiếm được từ 10 đến 20 USD một ngày. Do đó, khoảng 60% dân số Trung Quốc sống với mức từ 2 đến 10 USD một ngày.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và ĐCSTQ thường nhận công trạng là đã giúp 800 triệu người Trung Quốc thoát nghèo. Tuy nhiên, người ta phải đặt nghi vấn tại sao Trung Quốc ban đầu lại có số lượng lớn người dân sống trong cảnh nghèo khổ như vậy. Để làm được điều đó, ĐCSTQ có thể đã từ bỏ quyền kiểm soát xã hội và nền kinh tế, cho phép mức sống tăng lên một cách tự nhiên thông qua thị trường tự do, như đã thấy ở Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển khác.

Hơn nữa, thành tích đưa người dân thoát nghèo cần phải được xem xét trong bối cảnh chênh lệch thu nhập danh nghĩa và sự giàu có, đặt ra nghi vấn liệu rằng về bản chất, ĐCSTQ có xóa đói giảm nghèo cho người dân chỉ để khiến họ nghèo đi hay không.

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

An Nhi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Vietnamese American Conservative Alliance (VACA)
https://freedom-vaca.org/vaca-blog-tieng-viet-nam/

https://freedom-vaca.org/vaca-main-blog-english-articles/

Sent with Proton Mail secure email.

Discover more from Vietnamese-American Conservative Alliance (VACA)

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading