Bông Hồng Thắm cho Đại Hội Kỷ Niệm 50 Năm Chiến Thắng An Lộc tại Quốc Dương Studio (xin gửi lại có attachments)

Ghi Nhanh: Phạm Gia Đại

Trong những tia nắng ấm chiếu rọi xuống thành phố Westminster, Đại Hội Kỷ Niệm 50 Năm Chiến Thắng An Lộc (1972-2022) đã được khai mạc trọng thể tại Quốc Dương Studio, Quận Cam, Nam California vào sáng ngày Thứ Bẩy, 14 Tháng 5 Năm 2022. Quốc Dương Studio là một vũ trường khang trang, rộng rãi, trang nhã với hai sân khấu lớn nhỏ, được nhiều người biết đến và tổ chức tiệc tùng, nhưng ít khi có những buổi tổ chức lớn như hôm nay về một chiến thắng lẫy lừng như An Lộc của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH).

MC Diệu Quyên và Sean Lê

Thiếu Sinh Quân Hoa Kỳ

Ban Tổ Chức tại Tượng Đài May 13th, 2022
Hơn 400 quan khách, trong đó có những sĩ quan trẻ năm nào của Sư Đoàn 5 Bộ Binh và các binh chủng bạn đã tử thủ trong trận chiến gần 100 ngày tại thị trấn An Lộc, Tỉnh Bình Long cùng về tham dự, từ những tiểu bang xa như Florida, Texas, đến Oregon, từ San Jose kéo xuống và từ San Diego kéo lên, trong quân phục hay trong những bộ quần áo dân sự gọn gàng chỉnh tề.
*Ban Tổ Chức (BTC) chính gồm có Nguyễn Định, Tiểu Đoàn 5 Truyền Tin (Hội Trưởng). Bác sĩ Nguyễn Nam Hùng, Y Sĩ Trưởng Sư Đoàn 5 Bộ Binh (Trưởng Ban Tổ Chức), Phạm Minh Huyên, Sĩ Quan Hành Quân Không Trợ (Kế Hoạch và Điều Hành), Lê Cảnh Sao, Trung Đoàn 9. (Thủ Quỹ). Đinh Quang Tĩnh, Trung Đoàn 8 (Tổng Thư Ký), những chiến sĩ trẻ lứa tuổi hai mươi ngày nào nay đã vào lứa tuổi thất thập cổ lai hy nhưng cố gắng hết sức để tổ chức chiến thắng lẫy lừng này, và đều nói đây là lần tổ chức cuối trong đời.Sân khấu đã được các anh trong BTC bầy biện và sắp xếp trang nghiêm từ sáng sớm với hai câu đối “Sanh Vi Tướng-Tử Vi Thần” mầu đỏ trên nền vàng – là mầu cờ Quốc Gia, và hai di ảnh trên bàn thờ hai vị Tướng đã chỉ huy trong trận chiến An Lộc là Lê Văn Hưng và Lê Nguyên Vỹ với hàng chữ Tổ Quốc Ghi Công bên dưới. Ngày Sài Gòn sụp đổ là ngày hai Tướng Lê Văn Hưng và Lê Nguyên Vỹ, hai trong năm vị tướng của QLVNCH đã tuẫn tiết, nên đại hội này cũng để vinh danh hai vị tướng, hai vị thần của Sư Đoàn 5 BB.

Bài Thơ về hai vị Tướng của Sư Đoàn 5 BB

*Phần khai mạc được tổ chức với nghi lễ long trọng với phần biểu diễn thao tác súng đẹp mắt của gần 40 em thiếu sinh quân Hoa Kỳ đã được khán giả nhiệt liệt tán thưởng. Sau phần chào quốc kỳ Việt-Mỹ là phần chiếu hai đoạn phim ngắn về tiểu sử Sư Đoàn 5 BB, đơn vị chính yếu đã cùng với các đơn vị binh chủng bạn tử thủ trong An Lộc, và về trận chiến ác liệt tại An Lộc. Ngay từ ngày đầu cộng quân đã rót vào thị xã nhỏ bé An Lộc hàng chục ngàn trái đạn pháo và tổng tấn công trên 30 lần trong hơn ba tháng với 4 sư đoàn Bắc Việt cùng với các trung đoàn pháo, cao xạ, và phòng không của địch vây hãm với ý đồ san bằng và chiếm cứ An Lộc làm thủ đô cho cái gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” của chúng, và tiến về Sài Gòn. Thế nhưng các chiến sĩ QLVNCH vẫn ngày đêm ghìm tay súng trong giao thông hào, trong hầm trú ẩn chờ đợi từng đợt xung phong, từng loạt pháo của địch, và đẩy lui từng mũi tiến công điên cuồng của địch quân. Với chiến thuật tiền pháo hậu xung, quân Bắc Việt với các tên chỉ huy chĩa súng thúc vào chính lưng lính của chúng, đã như những con thiêu thân lao vào lửa, nhưng có lần chúng đã tấn công vào được gần đến tổng hành dinh của sư đoàn, nhưng vẫn bị các chiến sĩ Sư Đoàn 5 BB VNCH và các đơn vị bạn dũng mãnh đánh bật ra.
*An Lộc (Tỉnh Bình Long), Kontum và Quảng Trị là ba trọng điểm trong chiến dịch Mùa Hè năm 1972 của Hà Nội. Thế nhưng với tinh thần quyết chiến và tử thủ của Sư Đoàn 5 BB nói riêng và các quân binh chủng của QLVNCH nói chung, đã bẻ gẫy toàn bộ ý đồ ngông cuồng đó của cộng quân, 4 sư đoàn Bắc Việt cùng với các trung đoàn yểm trợ đã bị loại ra khỏi vòng chiến, và sau 96 ngày quần thảo, quân Bắc Việt đã phải “chém vè” về Campuchia dưỡng thương để lại hàng trăm binh lính của họ chết thảm trên cành cây, trong xe tăng với chân bị xích trên tàng cây và trong xe tăng không cho chạy trốn. Đây là chiến thuật thí quân mà Bắc Việt học được từ trong sách vở của Liên Bang Xô Viết trong Thế Chiến Thứ Hai giữa quân Nga và Đức Quốc Xã. Quân sử đã ghi nhận trận chiến An Lộc là một trong những trận đánh lớn nhất không phải chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới, mà QLVNCH nói chung và Sư Đoàn 5 BB nói riêng đã chiến thắng vẻ vang.
*Một số sĩ quan anh hùng sống sót sau trận An Lộc đã lên sân khấu nóí về trận đánh mà họ đã tham dự ngày xưa 50 năm trước như Hổ Xám Phạm Châu Tài, Biệt Kích Dù, như Biệt Động Quân Đại Úy Khuê, như Nguyễn Tường Tuấn, Đại Đội Trưởng Trinh Sát, Sư Đoàn 5 BB đã làm cho khán giả xúc động và càng thương mến những người lính chiến VNCH ngày trước. Một diễn giả đặc biệt của chương trình là gia đình cố Chuẩn Tướng Richard Tallman đã tử trận tại An Lộc ngày 9 Tháng 7 năm 1972, lúc đó ông là một tiểu đoàn trưởng của Sư Đoàn Dù 101 Không Kỵ, cũng được BTC mời đến. Con trai của ông và cháu nội ông, một đại úy trong quân lực Hoa Kỳ bây giờ cũng lên trên bục nói về ông cha mình là Tướng Richard Tallman.

Nguyễn Tường Tuấn

Con Trai Tướng Richard Tallman

PGĐ và một Nhẩy Dù chụp với Gia đình con cháu cố Tướng Tallman

Cháu của Tướng Tallman
Ngoài những đồng đội cũ của anh cả tôi mà tôi đã gặp là anh Lê Văn Kim mà tôi đã biết từ Sài Gòn, qua Nam Cali đã từng liên lạc nhiều năm, nhưng tôi hoàn toàn quên mất anh chính là em của Tướng Lê Văn Hưng. Hai tấm banner về Sư Đoàn 5 treo trong hội trường là của anh và anh là tác giả bài viết làm nhiều người xúc động: “40 Năm Vẫn Một Bóng Hình Anh” viết về Tướng Lê Văn Hưng.

(Banner của Lê Văn Kim)

Di Ảnh 5 Vị Tướng Tuẫn Tiết (ảnh của Lê Văn Kim)

Nhìn các diễn giả, tự dưng tôi liên tưởng đến anh cả tôi Thiếu Tá Phạm Gia Quang, Tiểu Đoàn Trưởng 1/9 của Sư Đoàn 5 BB, anh đã tử thủ trong An Lộc suốt cuộc chiến đẫm máu đó, nhưng sống còn sau cuộc ác chiến đó và khi về đến Sài Gòn, anh vội ghé nhà thăm mẹ tôi trước và ôm mẹ, anh chỉ nói một câu thật giản dị: “Mẹ ơi! con đã về!” làm tôi vô cùng cảm phục anh cũng như hàng chục ngàn chiến sĩ QLVNCH khác đã tham dự trong trận đánh An Lộc quân sử đó, đã từ trong cõi chết trở về, mà vô cùng khiêm nhường. Một điểm cần nói lên tình mẫu tử linh thiêng là mỗi ngày khi anh tôi tử thủ trong An Lộc, tôi đều thấy mẹ tôi đêm đêm thắp nén hương thơm ra ban công lễ Trời Đất cầu khẩn cho con mình an toàn trở về. Hoặc thỉnh thoảng mẹ tôi ghé thăm gia đình Đại Tá Đăng để hỏi thăm tin tức về anh cả tôi, vì Đại Tá Đăng cũng cùng tử thủ với Sư Đoàn 5 trong An Lộc cùng với anh tôi.

Bàn của CVA với Lê Văn Duyệt và Trưng Vương (ảnh của tác giả)

Sáng nay khi đến Quốc Dương Studio gặp lại các chiến sĩ ngày xưa cùng đơn vị với anh cả tôi, và ngồi cạnh Nguyễn Tường Tuấn, tôi như thấy hình bóng anh mình đâu đây cũng hiện diện và đang mỉm cười. Sau trận An Lộc, anh tôi được vinh thăng Thiếu Tá và giữ chức tiểu đoàn trưởng cho đến ngày mất nước, anh bị tù cộng sản gần 10 năm và về nhà ba năm sau thì anh mất.Một đặc điểm nữa của tổ chức sáng nay Thứ Bẩy, ngoài các hội đoàn quân binh chủng bạn là một số hội trường trung học VNCH ngày trước cũng có mặt như Bưởi-CVA nam Cali, Trường Lê Văn Duyệt, Trường Trưng Vương, Nghe nói một số cựu học sinh trường khác như Gia Long, Petrus Ký, Quảng Trị cũng tham dự nhưng với Hội Hùng Sử Việt. Thành công nhất của tổ chức Đại Hội 50 Năm Chiến Thắng An Lộc, là BTC như đã làm sống lại được tinh thần chiến đấu anh dũng của QLVNCH qua những hình ảnh, những thước phim, những bài hát hào hùng của Cục Tâm Lý Chiến, với ca sĩ Hương Lan, Phương Hồng Quế, Công Thành và Lynn, nhất là Ban Tù Ca Xuân Điềm với những tà áo dài mầu Tím, v.v… và nhất là sự phối hợp nhịp nhàng của hai MC Diệu Quyên và Sean Lê.

Dâng Vòng Hoa tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ (Westminster, CA)

*Được biết hôm qua Thứ Sáu 13 Tháng 5 là Ngày Tiền Đại Hội và BTC đã tập hợp dâng lễ vòng hoa tưởng niệm tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ với nghi thức trang trọng. Sau nghi thức là thăm viếng Tượng 5 vị tướng và các chiến sĩ VNCH đã tuẫn tiết, và thăm Tượng Trận Chiến Hoàng Sa, cũng tại khu Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, và sau đó có bữa ăn trưa và văn nghệ tại tư gia. Trong dịp này tôi may mắn gặp được ba anh trước là đại đội trưởng dưới quyền anh cả tôi trong tiểu đoàn 1/9.
Đặc biệt anh Nguyễn Tường Tuấn tuy biết nhau trên diễn đàn lâu rồi nay mới có dịp gặp nhau luôn ngồi bên cạnh tôi. Tôi có đưa vợ chồng Tuấn đến một tiệm uống cà phê trên đường Main và rất xúc động khi nghe anh nói đêm tân hôn của anh và vợ anh là tại một tiền đồn trong Quận An Điền của Tỉnh Bình Dương. Đời lính chiến là vậy, oai hùng, bảo vệ dân, và quên thân mình cho tổ quốc. Tuy rằng VNCH không còn vì bị đồng minh phản bội, nhưng tinh thần chiến đấu anh dũng ngày nào vẫn còn đó, lá cờ Vàng thiêng liêng của tổ quốc vẫn bay phất phới trên khắp thế giới nơi nào có người Việt cư ngụ. Hồn thiêng sông núi vẫn còn đó.
*Chương trình bế mạc lúc 4 giờ chiều cùng ngày, khán giả ra về mà lòng còn bồi hồi thương cảm, nhưng hãnh diện về chính nghĩa VNCH, hãnh diện về QLVNCH, và cảm thấy vinh hạnh đã có dịp được tham dự một đại hội có ý nghĩa. Xin tặng một Bông Hồng Thắm cho Đại Hội Kỷ Niệm 50 Năm Chiến Thắng Lẫy Lừng An Lộc, và hẹn sẽ có ngày tái ngộ.