Chương Trình “Những Điều Trông Thấy”
với cựu Đại Úy Nguyễn Thị Bé Bảy
Anh Huy và Dũng Nghiêm phụ trách
trên Đài Phát Thanh Sàigòn- Dallas, làn sóng 1160 AM
lúc 3:30pm – 4:00 pm (Giờ Miền Đông)
Friday, Mar 17, 2023
– Ngân hàng SVB sụp đổ, nguyên nhân và hậu quả
– Luật kiểm soát súng có hiệu quả không?
– Nga khiêu khích Mỹ qua vụ Su-27 của Nga đụng vào MQ-9 của Mỹ trên Hắc Hải
Câu hỏi 1.
Thưa cô, các vụ sụp đổ ngân hàng đột ngột đã gây ra một cuộc khủng hoảng, làm xói mòn niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính Hoa Kỳ lần đầu tiên kể từ năm 2008.
Trong bài phát biểu mới đây tại tòa bach ốc, Tổng Thống Joe Biden đã trấn an người dân và các thị trường rằng hệ thống tài chính Mỹ vẫn vững mạnh, Giới chức Mỹ đã công bố hàng loạt biện pháp từ ngày 12/3 để vực dậy niềm tin sau hai vụ ngân hàng bị đóng cửa. Theo đó, toàn bộ tiền gửi tại SVB và Signature Bank sẽ được bảo đảm, kể cả các khoản không được bảo hiểm theo quy định của FDIC.
Sự sụp đổ nhanh chóng của Silicon Valley Bank, vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ, đang làm dấy lên các câu hỏi trong số những người tiết kiệm bình dân và các nhà đầu tư nhỏ lẻ về những tác động có thể xảy đến đối với tiền của họ, kể cả khi họ không có bất kỳ khoản tiền gửi nào tại ngân hàng đã sụp đổ này. Cô nhận định về sự việc này?
Đáp:
Thưa Dũng Nghiêm, kính thưa quý thính giả,
Tôi xin tóm tắt vụ này trong 3 mục: ngân hàng SVB là gì, tại sao nó sụp đổ và hậu quả của sự sụp đổ này.
1. Ngân hàng Silicon Valley Bank là gì:
– Ngân Hàng Thung Lũng Silicon được thành lập cách đây 4 thập niên để phục vụ các công ty khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm.(xin mở ngoặc ở đây
về đầu tư mạo hiểm và đầu tư an toàn. Đầu tư an toàn là gởi tiền cho một cơ quan tài chánh nào đó trong thời hạn lâu dài với số tiền lời thấp, nhưng bảo đảm không bị mất tiền bởi bất cứ lý do gì, cỏn đầu tư mạo hiểm, như mua bán stock hay chơi tiền điện tử bit-coin rất nhiều rủi ro, khi stock lên thì kiếm được rất nhiều tiền, nhưng khi stock rớt thì có khi mất hết, trắng tay, xin đóng ngoặc)
– SVB là ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ với khoảng 209 tỷ đô la tài sản tính đến ngày 31/12/ 2022.
– Khách hàng của SVB gồm có: các công ty của Hoa Kỳ, Châu Âu và Trung Cộng.
– Theo phân tích của Bloomberg News, hơn 93% tức là 161 tỷ đô la tiền gửi Ngân Hàng Thung Lũng Silicon không được bảo hiểm.
2. Nguyên nhân sụp đổ: Nạn nhân của lãi suất cao
– SVB đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hàng loạt tăng lãi suất của Cục Dự Trữ Liên Bang trong năm 2022, từ 0.5% vào tháng tư lên đến 4.5% vào tháng 12 dể chống lạm phát.
– Bởi vì các công ty công nghệ và hệ thống hoạt động mà họ tạo ra rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất, đặc biệt là các công ty mới thành lập, đang hoạt động với mức nợ cao.
– Khi lãi suất tăng, doanh nghiệp phải đối mặt với với chi phí vay cao hơn, hơn nữa giá trị của tiền điện tử giảm mạnh đã xóa sạch tài sản của nhiều công ty công nghệ đầu tư mạo hiểm và các hình thức đầu tư mạo hiểm khác đã trở nên ít sinh lời hơn.
– Một số công ty công nghệ lớn nhất của Hoa Kỳ đã tuyên bố sa thải nhân viên để đối phó với việc tăng lãi suất của Cục Dự Trữ Liên Bang, như công ty mẹ của Facebook là Meta, công ty mẹ của Google là Alphabet và Amazon. Số lượng nhân viên bị sa thải tại ba công ty này đã lên tới 41.000 người.
3. Hậu quả của sự sụp đổ:
– Cơ quan Bảo Hiểm Liên Bang (FDIC) đã thành lập Ngân Hàng Quốc Gia Santa Clara tiếp quản tiền gửi và các tài sản khác từ Ngân Hàng Thung Lũng Silicon để hoàn trả tiền lại cho khách hàng.
– Nhưng chỉ có một số nhỏ khách hàng có thể lấy lại tất cả tiền gửi của họ
Vì cơ quan Bảo Hiểm Liên Bang chỉ bảo hiểm đến 250. 000 mỹ kim, nên những khách hàng gởi từ 250.000 mỹ kim trở xuống thì được hoàn trả toàn bộ, nhưng các doanh nghiệp và cá nhân gởi hàng triệu đô la trong ngân hàng có thể chỉ được hoàn tiền lại tới mức 250. 000 mà thôi.
– Nhà phân tích Dan Ives của Wedbush cho biết sự sụp đổ của Ngân Hàng Thung Lũng Silicon là một “cơn ác mộng”. Điều này sẽ có tác động dây chuyền lớn đối với toàn bộ hệ thống sinh hoạt công nghệ và huyết mạch của các công ty tư nhân ở Thung Lũng Silicon. SVB là một phần cơ bản của ngành công nghệ khởi nghiệp và việc đóng cửa nó sẽ kìm hãm việc huy động vốn cho các công ty khởi nghiệp trong tương lai.”
Kính thưa quý thính giả,
Vấn đề đáng nói ở đây, cái ĐIỂM mấu chốt khiến cho Ngân Hàng Thung Lũng Silicon sụp đổ là việc tăng lãi xuất của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang. Cơ quan này đã tăng lãi xuất quá nhanh và quá cao trong năm 2022 để giảm lạm phát, như đã nói, từ 0.5% trong tháng tư lên đến 4.5 % trong tháng 12.
Theo ông Đỗ Ngọc Hiển, Cựu Giáo Sư Kinh Tế Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam và Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt, thì chính phủ Joe Biden đã chẩn bệnh lạm phát sai và cho thuốc trị bệnh sai thông qua các chính sách tiền tệ và tài chánh sai lầm.
1/ Joe Biden cho rằng có lạm phát cao là vì giới tiêu thu chi tiêu quá nhiều, nhưng tiền ở đâu ra? Chính là từ sự chi tiêu bừa bãi của chính phủ Joe Biden là thủ phạm.
2/ Khi Joe Biden ra lệnh ngừng dự án xây dựng đường ống dẫn dầu thô từ Canada đến Texas và ngưng các dự án khai thác dầu đá phiến, thì nhiên liệu xăng dầu trở nên thiếu hụt, đẩy giá xăng dầu lên cao, tạo ra giá chi phí chuyên chở tăng lên và do ảnh hưởng dây chuyền mà giá cả mọi hàng hóa đều tăng, đặc biệt là thực phẩm. Đây là loại “lạm phát vì sản phí đẩy” (Cost push inflation) trong kinh tế học.
3/ Vì định bệnh sai, nên Joe Biden đã cho thuốc sai, là tăng Lãi Suất Chiết Khấu của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang. Đây là chính sách “tiền tệ siết chặt”, làm tăng mọi lãi suất, đặc biệt lãi suất vay tiền đầu tư của các xí nghiệp sản xuất từ hệ thống ngân hàng thương mại. Điều này làm nản lòng các nhà đầu tư tức là giới sản xuất.
Để chữa lạm phát, Giáo Sư Đỗ Ngọc Hiển đề nghị áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng,
– Hạ lãi suất chiết khấu của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang
– Giảm sự chi tiêu bừa bãi của các cơ quan phi sản xuất trong chính phủ liên bang bằng cách thu gọn lại chính quyền liên bang, giảm các bộ ngành và các cơ quan không cần thiết hay thiếu hiệu năng. Tác giả Robert Gates đề nghị chính phủ liên bang giải tán bộ Giáo Dục, bộ Năng Lượng và bộ Lao Động bằng cách chuyển công việc của ba bộ này sang các bộ thích hợp khác.
– Giảm thuế suất lợi tức trên doanh nghiệp từ 28% xuống 21% như thời Donald Trump.
– Bỏ thuế “Capital Gain” đánh trên tiền lời khi bán cơ sở, máy móc và dụng cụ phế thải một năm như thời Donald Trump.
-Áp đặt quan thuế cao trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc do các công ty Mỹ sản xuất để khuyến khích họ trở về Mỹ sản xuất.
– Hạn chế nhập cảng hàng hóa ngoại quốc đặc biệt là Trung Quốc để giảm thiểu nhập siêu và giảm bớt đô la đổ ra ngoại quốc, ảnh hưởng xấu tới hối suất.
– Xóa bỏ các chính sách và luật lệ khắt khe về khai thác dầu thô để trở lại tình trạng tự túc nhiên liệu xăng dầu mà còn xuất cảng như thời Donald Trump. Về mục này, ông Biden đã theo chân ông Trump, là vào ngày 13/3 đã chấp thuận Willow Project, cho phép hãng Conoco khai thác dầu ở Alaska .
– Giảm thiểu và đơn giản hóa các thủ tục hành chánh tới mức tối đa trong việc thiết lập các công ty sản xuất mới.
– Chính quyền cần khuyến khích và ưu đãi cách nào đó với các xí nghiệp sản xuất hàng hoá
– Chính phủ cần phát động một phong trào “Tất cả cho sản xuất và mua hàng Mỹ” và duy trì phong trào trong một thời gian dài. Phong trào này sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, nghĩa là tăng tổng sản lượng nội địa GDP. Như vậy thuế má sẽ thâu được rất nhiều song song với sự cắt giảm chi tiêu tối đa của chính phủ, thì thặng dư ngân sách quốc gia chắc chắn sẽ lớn. Mọi vấn nạn kinh tế, lạm phát, suy thoái kinh tế, thất nghiệp, thiếu hụt ngân sách và nợ công từ từ được giải quyết. Nói tóm lại phong trào tất cả cho sản xuất “là một viên đạn giết nhiều con chim cùng lúc !”
Câu hỏi 2.
Hôm 14/03, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát súng, bao gồm một bước tiến tới kiểm tra lý lịch phổ quát, trong phạm vi luật hiện hành cho phép mà không yêu cầu luật mới.Theo ông Biden, điều này sẽ được thực hiện bằng cách tăng cường thực thi Đạo luật Cộng đồng An toàn hơn của Lưỡng đảng. Đạo luật này sẽ đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc thực hiện ít nhất hai trong số các kế hoạch gây tranh cãi nhất của TT Biden. Việc kiểm soát súng ống, hạn chế mua súng v…v…là vấn đề đau đầu và cứ lập đi lập lại tại Mỹ, chẳng đi dến đâu, người chống, người bênh, phe nào cũng có lý, riêng cô thì sao?
Đáp;
Thứ nhất, đây là Tu Chính Án Thứ Hai, không thể bỏ đi dễ dàng nên đảng Dân Chủ luôn tìm mọi cách để hạn chế và kiểm soát súng đạn.
Thứ hai, một thực tế cho thấy, ở thành phố Chicago , nơi có luật kiểm soát súng nghiêm ngặt nhất nước, nhưng lại là nơi có các vụ bắn súng nhiều nhất.
Thứ ba, luật kiểm soát súng chỉ có hiệu lực đối với những công dân tốt, nhưng hoàn toàn vô nghĩa đối với những thành phần không tốt, là bọn côn đồ, băng đảng, ăn cướp. Những kẻ này có tuân thủ luật lệ hay không?
Hoàn toàn không!
Và nếu nước Mỹ có luật cấm hẳn việc mua bán súng đi nữa, thì chúng nó vẫn có cách để mua ở chỗ khác. Sẽ có những tên buôn lậu súng, như tên lái súng người Nga nguy hiểm nhất mà Biden đã thả ra để trao đổi với một nữ cầu thủ bóng rỗ của Mỹ bị Nga bắt giữ vì mang theo ma túy khi đi du lịch tại Nga.
Vì những yếu tố quá phức tạp và chồng chéo nhau như vậy, cho nên vấn đề súng đạn ở Mỹ sẽ không bao giờ giải quyết được ổn thỏa. Và nó đã bị chính trị hoá từ lâu,.
Đảng Dân Chủ lợi dụng vấn đề kiểm soát súng để kiếm phiếu chứ không do thật lòng muốn giải quyết chuyện giết người bằng súng.
Vấn đề chính ở đây là tội phạm, và biện pháp cần thiết là ngăn ngừa tội phạm cách nào cho hữu hiệu chứ không phải kiểm soát súng sẽ ngăn chận được tội phạm.
Nếu cấm súng nhưng lại có chính sách mềm dẽo với tội phạm, nhất là sau vụ George Floyd đã phát sinh ra phong trào Defund Police, rồi tới luật “cải cách ” về tiền tại ngoại hầu tra, thậm chí bỏ luôn tiền tại ngoại, thả tội phạm ra đường phố, cho phép những kẻ ăn cắp, ăn cướp dưới 1 ngàn đô là thì không bị truy tố v. v…
Những chính sách mềm yếu với tội phạm này đều xuất xứ từ những tiểu bang và các thành phố do đảng Dân Chủ quản trị.
Đó là những nơi có tội ác về súng đạn cao nhất ở nước Mỹ như Chicago, New York City, Philadelphia, Los Angeles, Atlanta, và như đã nói, toàn là những nơi do đảng Dân Chủ quản trị.
Đảng Dân Chủ không thể đưa ra 1 trường hợp điển hình nào, chứng minh được rằng luật kiểm soát và hạn chế súng đạn làm giảm các tội phạm xử dụng súng.
Tóm lại, cũng chỉ là những trò mị dân kiếm phiếu của đảng Dân Chủ mà thôi.
Câu hỏi 3.
Đã có một cuộc điện đàm hiếm hoi giữa lãnh đạo quân đội Mỹ và Nga ngay 1 ngày sau vụ chiếc MQ-9 Reaper trị giá 32 triệu đô la lao xuống Biển Đen, Reuters đưa tin 16/3. Mỹ chỉ trích Nga có hành vi ngày càng táo bạo. Nga chỉ trích Mỹ leo thang khiêu khích.
Nga tuyên bố, “Các máy bay chiến đấu của Nga đã không sử dụng vũ khí, không tiếp xúc với UAV, và đã trở về căn cứ an toàn.”
Hoa Kỳ cho hay, họ vẫn thỉnh thoảng đưa các UAV tới quanh khu vực này kể từ chiến tranh Ukraine, và thường bị máy bay Nga can thiệp, nhưng chưa lần nào xảy ra sự vụ như lần này.
Theo các nhà phân tich thi: Nga coi việc Hoa Kỳ cho máy bay không người lái tới trinh sát khu vực Biển Đen lân cận Crimea là biểu hiện của việc Hoa Kỳ tham gia chiến tranh Ukraine, Theo cô nhận xét Nga có “vô tư” như họ tuyên bố không?
Đáp:
Đây là một sự cố ý khiêu khích của Nga, nó đi xa hơn cái vụ khinh khí cầu do thám của Trung Cộng bay vào nước Mỹ như chốn không người cách đây không lâu.
Theo như đoạn phim được phổ biến rộng rãi của Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Âu Châu, thì 2 chiến đấu cơ Su-27 của Nga 2 lần bay đến gần chiếc drone MQ-9, lần đầu thì xả nhiên liệu cố ý làm mù mắt phi cơ MQ-9 lần thứ hai thì đụng vào cánh quạt khiến cho phi cơ MQ-9 bắt buộc phải hạ cánh. Sự khêu khích này xảy ra trong phạm vi không phận và hải phận quốc tế trên biển Hắc Hải. Đây là một hành động có tính toán của Nga, sau khi nhìn thấy được phản ứng yếu ớt của chính quyền Biden đối với vụ khinh khí cầu do thám của Trung Cộng xâm nhập không phận Hoa Kỳ và bay trên những căn cứ quân sự quan trọng của Hoa Kỳ hơn 1 tuần lễ mới bắn hạ.
Hành động này của Nga, là một bước leo thang nhằm thăm dò phản ứng của Mỹ và thêm một lần nữa, chính quyền Biden đã để cho Nga cũng như cho cả thế giới thấy sự yếu hèn của mình trước hành động khiêu khích của Nga.
Kính thưa quý vị thính giả,
Tại sao tôi nói là chính quyền Biden yếu hèn?
Vì ngay khi sự việc xảy ra, Bộ Quốc phòng Nga đưa ra tuyên bố rằng máy bay không người lái của Mỹ bay về phía biên giới của Nga và “đã vi phạm ranh giới của không phận tạm thời được thiết lập cho hoạt động quân sự đặc biệt, mà Nga đã thông báo với tất cả những người sử dụng không phận quốc tế và công bố này phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế!
Trong khi đó, thì phía Hoa Kỳ đã xử dụng ngôn ngữ như thế nào?
Cũng vào Thứ Ba 14/3, ông John Kirby, Điều Phối Viên Truyền Thông Chiến Lược Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tại Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ ở Âu Châu cho biết Tổng Thống Joe Biden đã được thông báo về sự việc này, và ông nói rằng “không có gì lạ khi có sự can thiệp của chiến đấu cơ của Nga trên Hắc Hải, vì nó đã xảy ra trước đó nhiều lần ngay cả trong những tuần lễ gần đây.”
“Nhưng vụ này rõ ràng là đáng chú ý vì mức độ không an toàn và không chuyên nghiệp, thực sự là liều lĩnh khiến máy bay của chúng tôi phải hạ cánh.”
Ông Kirby còn nói rằng ông vẫn chưa biết chính xác ý định của các phi công Nga là gì, nhưng “nếu là họ muốn ngăn cản hoạt động của chúng tôi trong không phận quốc tế trên Biển Đen, thì điều đó sẽ thất bại, vì nó sẽ không xảy ra.”
“Chúng tôi sẽ tiếp tục bay và hoạt động trong không phận quốc tế trên vùng biển quốc tế”, Hắc Hải không thuộc về một quốc gia nào và chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì cần làm vì lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi trong khu vực đó.”
Tướng James B. Hecker, chỉ huy Lực Lượng Không Quân Hoa Kỳ tại Châu Âu và Châu Phi, cho biết “Trên thực tế, hành động không an toàn và thiếu chuyên nghiệp này của phi công Nga đã khiến cả hai máy bay suýt gặp nạn.”
“Máy bay của Mỹ và Đồng Minh sẽ tiếp tục hoạt động trong không phận quốc tế và chúng tôi kêu gọi Nga hãy hành xử một cách chuyên nghiệp và an toàn”, ông nói thêm.
Thưa quý vị thính giả,
Ngay cả những nhà quân sự Hoa Kỳ, cũng không có một ai dám nói đây là một sự cố ý tấn công vào máy bay của Mỹ, mà chỉ nói là phi công Nga đã hành xử không chuyên nghiệp và không an toàn! rồi yêu cầu họ hãy hành xử chuyên nghiệp và an toàn hơn, tôi nghĩ là Nga đang cười vào mũi người Mỹ chúng ta, sao mà quá ngây thơ đến như vậy!
Thêm một chuyện nữa là trong khi Nga công bố ý định vớt chiếc MQ-9, thì giới chức Hoa Kỳ nói rằng khó mà thực hiện với độ sâu của Hắc Hải và nó cũng không có giá trị tình báo nên sẽ bỏ luôn không vớt.
Tướng Mark Milley, Chủ Tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, cho biết nơi máy bay rơi xuống, biển sâu tới 5.000 feet (1524 mét), “vì vậy bất kỳ hoạt động thu hồi nào ở độ sâu đó đều rất khó khăn bởi bất kỳ ai”. Hơn nữa, những thiết bị tình báo đã bị hư hại nên sẽ không còn giá trị.
Trong khi đó, thì giới chức Nga nói rằng họ sẽ vớt được.
Để xem, nếu Nga vớt được tài sản quốc phòng của Mỹ, thì chính quyền Biden sẽ làm gì?