Hoa Kỳ ca ngợi chính quyền Kyiv “chuẩn bị rất tốt” cho phản công
Hôm Thứ Hai (5/6), Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley lấy lời tán dương “đã chuẩn bị rất tốt” dành cho chính quyền Kyiv, những người đang nhận nhiều chục tỷ đô la viện trợ quân sự từ Mỹ cùng các đồng minh phương Tây để giao tranh với Nga trong thời gian qua và góp phần bảo vệ an ninh cho toàn thế giới, theo CNN đưa tin.
“Họ đang ở trong một cuộc chiến là mối đe dọa hiện hữu đối với sự sống còn của Ukraine và có ý nghĩa lớn hơn đối với phần còn lại của thế giới — đối với châu Âu, thực sự là đối với Hoa Kỳ, và còn đối với cả toàn cầu,” Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Mark Milley nói với phóng viên CNN khi ông đang trong chuyến công du ở Normandy, Pháp.
Trong nhiều tháng nay, Hoa Kỳ cùng các đồng minh liên tiếp đưa vũ khí và viện trợ cho chính quyền Kyiv. Chính quyền Kyiv, trong khi đó, đã tiến hành mở rộng chiến tranh sang Nga — như có thể thấy Điện Kremlin và thủ đô Moskva bị UAV tấn công, và khu vực Belgorod ở biên giới với Ukraine cũng bị tấn công.
Hoa Kỳ giờ đã đổi cách miêu tả về vấn đề này. Trước đây họ nói họ không đồng ý tấn công sang Nga, và trích dẫn những cam kết của giới chức Kyiv.
Nhưng lần này, khi được hỏi hôm Thứ Hai liệu các cuộc tấn công như vậy có nguy cơ làm leo thang xung đột hay không, ông Milley cho biết “luôn luôn tồn tại nguy cơ” leo thang chiến tranh, và đó là điều mà Hoa Kỳ đang theo dõi một cách “rất, rất là cẩn thận.”
Ông Milley sẽ nghỉ hưu trong năm nay ở tuổi 65.
Quan chức Kyiv nói cuộc phản công của họ vẫn chưa bắt đầu
Đề cập đến chủ đề vừa cũ vừa mới về cuộc phản công của chính quyền Kyiv, Reuters liên tiếp có 2 bài trích dẫn lời quan chức cao cấp của Kyiv. Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói với Reuters hôm Thứ Hai (5/6) rằng vũ khí đạn dược đã đầy đủ rồi, tuy không trực tiếp khẳng định về cuộc phản công sẽ xảy ra khi nào. Cùng ngày hôm đó Thứ trưởng Quốc phòng Hanna Maliar nói rằng chiến dịch phản công của quân Kyiv vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị và sắp diễn ra. Khi báo tin có thắng lợi ở Bakhmut, bà Maliar nói trấn Bakhmut vẫn là “tâm điểm” của chiến trường.
Ông Kuleba nói với Reuters rằng quân Kyiv đã được chuẩn bị đầy đủ vũ khí rồi. Tuy nhiên ông cũng nói một khi chiến dịch diễn ra, thì phương Tây cần duy trì dòng cung cấp vũ khí và đạn dược một cách liên tục.
“Khi bạn tiến hành phản công, có đủ vũ khí để bắt đầu là một chuyện, nhưng đảm bảo tính bền vững của nguồn cung cấp để có thể tiếp tục chừng nào cần thiết lại là chuyện khác.” Ông Kuleba cho biết ông “khá tự tin” rằng các đối tác của Kyiv sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho đến khi Kyiv đạt được mục tiêu của mình, nhưng thừa nhận họ sẽ gặp khó khăn về năng lực sản xuất.
Cũng theo Reuters, cùng ngày, bà Maliar đã phủ nhận tuyên bố của Nga về việc họ đã đập bẹp trận tiên phong của chiến dịch phản công. Bà miêu tả đó là ý đồ của Nga khi muốn chuyển hướng chú ý của công chúng ra khỏi thị trấn Bakhmut, nơi mà Ukraine đang giành chiến thắng. Sau đó bà chuyển đề tài vào tình hình Bakhmut thay vì nói rõ ràng về trận mà Nga nói tới.
“Tại sao người Nga lại tích cực công bố thông tin về một cuộc phản công? Bởi vì họ cần chuyển sự chú ý khỏi thất bại ở trấn Bakhmut,” bà Maliar cho biết khu vực xung quanh Bakhmut vẫn là “tâm điểm” của giao tranh và quân đội Ukraine đang “di chuyển dọc theo một mặt trận khá rộng.”
Bà Maliar nói rằng quân Kyiv đã chiếm được những vị trí “cao điểm” có lợi thế mạnh ở chiến trường Bakhmut.
Bà thừa nhận quân Kyiv đã tiến hành tấn công trên một số điểm ở tiền tuyến, nhưng phủ nhận Kyiv đã thua theo cách mà Nga tuyên bố, nhưng bà không đưa thêm chi tiết. Theo bà chiến dịch phản công vẫn chưa chính thức mở màn.
Mỹ chuẩn bị đối phó ‘sự hiếu chiến’ của quân đội Trung Quốc
Financial Times đưa tin, Hoa Kỳ sẵn sàng đối phó với “mức độ hung hăng ngày càng tăng” của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, sau khi Bắc Kinh thực hiện hai hành động “không an toàn” trong những ngày gần đây, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết hôm thứ Hai (ngày 5/6).
Cảnh báo từ ông John Kirby, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Toà Bạch Ốc, nhấn mạnh sự báo động ngày càng tăng của Washington về các tương tác nguy hiểm giữa các lực lượng Hoa Kỳ và Trung Quốc trên các tuyến hàng không và đường biển quốc tế. Nó xảy ra khi Bắc Kinh từ chối nỗ lực của Mỹ nhằm thiết lập lại liên lạc quân sự giữa hai quốc gia.
Ông Kirby cho biết các sự kiện mới nhất là “một phần” của “mức độ hung hăng ngày càng tăng” của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đặc biệt là ở khu vực xung quanh eo biển Đài Loan và Biển Đông.
“Chúng tôi đã chuẩn bị để giải quyết vấn đề này”, ông Kirby nói thêm, mô tả các hành động của Trung Quốc trong những ngày gần đây là “không thể chấp nhận được”.
“Chúng đã xảy ra với tần suất nhiều hơn chúng tôi muốn. Không phải tất cả chúng đều không an toàn và không chuyên nghiệp, nhưng hai sự kiện này thì là như vậy”.
Ông Kirby cũng nói, những tình tiết như vậy có thể dẫn đến tính toán sai lầm và kêu gọi Bắc Kinh tham gia vào các nỗ lực của Hoa Kỳ để khởi động lại các cuộc đàm phán quân sự. Ông nhấn mạnh Hoa Kỳ đang hoạt động trong lãnh thổ quốc tế và sẽ tiếp tục làm như vậy khi được pháp luật cho phép.
# Bình luận của ông Kirby được đưa ra sau khi Hải quân Hoa Kỳ hôm Chủ nhật công bố một đoạn video về điều mà họ mô tả là “sự tương tác không an toàn” ở eo biển Đài Loan, nơi một tàu chiến Trung Quốc cắt mũi một khu trục hạm của hải quân Hoa Kỳ. Tuần trước, Ngũ Giác Đài đã cáo buộc một máy bay chiến đấu của Trung Quốc thực hiện “hành động gây hấn không cần thiết” trên Biển Đông.
Về phía Bắc Kinh, Trung Quốc đã cảnh báo quân đội phương Tây tránh xa vùng biển và không phận gần biên giới của họ, nếu muốn tránh đụng độ nguy hiểm với PLA. Trung Quốc luôn xem eo biển Đài Loan và Biển Đông là ao nhà của mình.
# Ở diễn biến liên quan, hôm 5/6, hai quan chức cấp cao của Hoa Kỳ – trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink, và giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia về các vấn đề Trung Quốc và Đài Loan Sarah Beran – đã gặp các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh, như một phần trong nỗ lực của Washington nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai bên.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong cuộc gặp các quan chức, đã nêu lên mối lo ngại về các hành động của quân đội Trung Quốc và cũng thảo luận về các nỗ lực cải thiện liên lạc giữa hai quốc gia.
Vào tháng trước, Giám đốc CIA Bill Burns được cho đã bí mật tới Trung Quốc để cố gắng làm tan băng mối quan hệ với Bắc Kinh.
Bộ trưởng Hàn Quốc: Chọn trung lập giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không có kết cục tốt đẹp
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young-se gần đây đã bác bỏ ý kiến được dư luận đề xướng cho rằng nền ngoại giao của nước này “nên chọn trung lập giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”.
Ông đã sử dụng một hình ảnh ẩn dụ từ Truyện ngụ ngôn của Aesop để mô tả kết quả của thái độ đó.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Nam Hàn KBS hôm 19/05, ông Kwon cho biết nếu Seoul tiếp tục chơi trò nhập nhằng chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh, thì nước này sẽ có kết cục giống như “Con dơi trong Truyện ngụ ngôn Aesop, chỉ cần bị một bên nào bỏ rơi thì cũng sẽ không có kết cục tốt đẹp”.
Bộ Thống nhất là cơ quan điều hành chịu trách nhiệm về các vấn đề liên Triều cũng như thúc đẩy hòa bình và thống nhất của hai miền Triều Tiên. Tổng thống Yoon Suk-yeol đã bổ nhiệm ông Kwon vào vị trí này hồi tháng Tư năm ngoái.
Ông Kwon, một nhà lập pháp kỳ cựu và cựu đại sứ tại Trung Quốc, được nhiều người biết đến là bằng hữu đáng tin cậy và thân cận của Tổng thống Yoon. Ông Kwon từng là người lãnh đạo chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Yoon và là phó chủ tịch ủy ban chuyển giao tổng thống sau khi ông Yoon thắng cử vào tháng 03/2022.
Khi được người dẫn chương trình của đài KBS hỏi liệu chiến lược của chính phủ ông Yoon nhằm củng cố liên minh Hàn Quốc-Hoa Kỳ, có đưa Triều Tiên đến gần hơn với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hay không, ông Kwon giải thích rằng thân thiện với Bắc Kinh không phải là giải pháp cho vấn đề phức tạp này, lấy trường hợp của Tây Đức làm ví dụ.
Ông Kwon nói: “Tây Đức đã phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự [trước sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Liên Xô] trong giai đoạn Đức phân chia thành hai miền Đông-Tây”.
“Sứ mệnh của Tây Đức là sử dụng tự do và an ninh, mà nước này có được từ việc tăng cường bang giao với Hoa Kỳ và các nước đồng minh, để thiết lập quan hệ tốt đẹp với Liên Xô cũ. Chứ không phải điều ngược lại”.
Ông cho biết Seoul “sẽ bị hạn chế về mọi mặt” nếu muốn giải quyết vấn đề Bình Nhưỡng thông qua Bắc Kinh.
Ông nói: “Những gì chúng ta nên cân nhắc là việc củng cố liên minh Hàn Quốc-Hoa Kỳ mang tính thời đại sẽ giúp Hàn Quốc tự do hơn nhiều trong cuộc đối thoại trong tương lai với Trung Quốc, và từ quan điểm này, [việc củng cố liên minh Hàn Quốc-Hoa Kỳ] có thể là một vũ khí cho chúng ta”.