Chương Trình “Những Điều Trông Thấy”
với cựu Đại Úy Nguyễn Thị Bé Bảy
Anh Huy phụ trách
trên Đài Phát Thanh Sàigòn- Dallas, làn sóng 1160 AM
lúc 3:30pm – 4:00 pm (Giờ Miền Đông)
Friday Oct 27, 2023
Câu hỏi 1. Tân Chủ Tịch Hạ Viện Mike Johnson
Hôm 24/10, Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện đã xướng danh người thứ tư và có thể là cuối cùng được chỉ định cho vị trí chủ tịch, chỉ vài giờ sau khi ứng cử viên thứ ba được đề cử và sau đó đã rút lui vì thiếu sự ủng hộ. Diễn biến này đã kết thúc một ngày khác thường khi Hạ Viện trải qua ba tuần không có Chủ Tịch.
Dân Biểu Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đã được chọn với 128 phiếu bầu trong một phiên họp buổi tối sau khi thua Phó Trưởng Khối Đa Số Tom Emmer (Cộng Hòa-Minnesota) vào buổi sáng hôm đó. Ông Emmer đã bỏ cuộc trong vòng 4 giờ sau khi không thành công với nỗ lực thuyết phục khoảng 25 thành viên Đảng Cộng Hòa phản đối để ủng hộ việc ứng cử của ông, việc mà Cựu Tổng Thống Donald Trump cũng phản đối. Theo cô nguyên nhân họ truất phế ông McCarthy mà cũng vẫn chậm chạp trong việc chọn một người chủ tịch mới sao khó khăn quá vậy? và cô nhận xét như thế nào về ông Mike Johnson?
Đáp:
Để được đề cử Chủ Tịch Hạ Viện, Dân Biểu Mike Johnson phải qua 3 vòng bỏ phiếu trong nội bộ Đảng Cộng Hòa, tuy nhiên khi chính thức bầu chức vụ Chủ Tịch, ông Johnson đã thắng ngay ở vòng đầu với 220 phiếu của tất cả các thành viên Cộng Hòa, trong lúc Trưởng Khối Thiểu Số Hạ Viện là Dân Biểu Dân Chủ Hakeem Jeffries được 209 phiếu của Đảng Dân Chủ, sau 22 ngày Hạ Viện không có Chủ Tịch.
Dân Biểu Mike Johnson là cựu Chủ Tịch Ủy Ban Ngiên Cứu của Đảng Cộng Hoà, được mô tả là một người cực kỳ bảo thủ tại Hạ Viện với chủ trương ủng hộ luật cấm phá thai, chống hôn nhân đồng tính, và ông đã ủng hộ những quan điểm này một cách lặng lẽ, ngoài ống kinh của truyền thông.
Là đồng minh của TT Trump, nhân vật chủ chốt của Quốc Hội trong những nỗ lực nhằm lật ngược cuộc bầu cử năm 2020 . Ông đã gửi một email từ một tài khoản cá nhân vào năm 2020 tới tất cả đảng viên Cộng Hòa tại Hạ Viện để xin chữ ký cho một bản tóm tắt hỗ trợ vụ kiện ở Texas nhằm tìm cách vô hiệu hóa các phiếu đại cử tri của nhiều tiểu bang.
Bây giờ với tư cách Chủ Tịch Hạ Viện, ông phải đối mặt với các vấn đề cấp bách, trong đó chính phủ có thể đóng cửa, vì tài khoản tạm thời điều hành chính phủ sẽ hết hạn vào ngày 17 tháng 11, và Hạ Viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát cần phải phối hợp với Thượng Viện do Đảng Dân Chủ lãnh đạo để ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa.
Trong bài diễn văn nhậm chức, ông Johnson cám ơn ông McCarthy, mong muốn được sự hợp tác của Trưởng Khối Thiểu Số Hakeem Jeffries và đề cập đến các vấn đề sau:
– Quốc Hội phải thông qua dự luật chi tiêu trước ngày 17/11, để tránh việc chính phủ đóng cửa. Trong những ngày tới và tuần tới, mọi người sẽ thấy một lịch trình dày đặc.
– Hạ Viện bắt đầu thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ “ngay lập tức”. Dù điều này không dễ dàng và sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn, nhưng nếu Hạ Viện không hành động ngay bây giờ, hậu quả sẽ không thể lường được.
– Ông sẽ thành lập một Ủy Ban Nợ để giải quyết vấn đề nợ công
– Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của một nước Mỹ hùng mạnh.
“Chúng ta đều biết thế giới đang hỗn loạn, nước Mỹ mạnh mẽ sẽ đem lại điều tốt đẹp cho toàn thế giới. Chúng ta là ngọn hải đăng của tự do”.
– Về các ưu tiên chính trị, ông Johnson nói rằng chính phủ phải giải quyết vấn đề an ninh biên giới phía Nam.
Thượng Viện và Bạch Ốc do Đảng Dân Chủ lãnh đạo đã phớt lờ vấn đề biên giới, và đã đến lúc phải cùng nhau đoàn kết để giải quyết vấn đề này.
Trước đây, ông Johnson cũng thừa nhận sự cần thiết phải đàm phán với đảng Dân Chủ tại Thượng Viện và với TT Biden tại Bạch Ốc trong vị thế mạnh của Đảng Cộng Hòa.
Các cuộc đàm phán với đảng Dân Chủ trong tương lai, khả năng thuyết phục của ông Johnson sẽ được thách thức.
Cần nhắc lại nguyên do ông McCarthy bị phế truất là khi cánh hữu của đảng nhìn thấy trong khi ông nhượng bộ đảng Dân Chủ về thỏa thuận hồi tháng 5 về việc tăng trần nợ công và tạm thời tránh được việc chính phủ đóng cửa vào tháng 10, nhưng đổi lại, không nhận được bất kỳ sự nhượng bộ nào từ đảng Dân Chủ.
Trong cuộc họp báo sau đó, ông Johnson cho rằng cuộc chiến giành quyền Chủ Tịch Hạ Viện trong vài tuần qua đã khiến Đảng Cộng Hòa trở nên mạnh mẽ hơn.
“ Chúng ta đã trải qua một chút đau đớn”, ông Johnson mỉm cười nói, khiến các đồng viện Cộng Hòa bật cười.
Ông nói thêm, Đảng Cộng Hòa vừa trải qua một quá trình xây dựng cá tính Kết quả là đảng càng có thêm sức mạnh, sự kiên trì và hy vọng. Đó là những gì mà Đảng Cộng Hòa sẽ mang đến cho người dân Hoa Kỳ.
– Ông Johnson cũng gửi 1 thông điệp lạc quan tới người dân Hoa Kỳ. ông nói, Hạ Viện sẽ khiến người dân Mỹ tự hào về cơ cấu này một lần nữa. Hạ Viện sẽ nỗ lực mỗi ngày để bảo đảm điều đó sẽ xảy ra. Ông thực sự tin tưởng những ngày tươi đẹp nhất của nước Mỹ vẫn đang ở phía trước.
– Trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên dưới sự chủ tọa của ông, các nhà lập pháp Hạ Viện đã thông qua một Nghị Quyết Ủng Hộ Do Thái với số phiếu thuận của Dân Biểu 2 đảng.
Câu hỏi 2. Chiến dịch phản công của Do Thái vào Gaza ảnh hưởng thế nào tới nước Mỹ?
Mối quan tâm ngày càng tăng về việc sở hữu súng của những người Mỹ gốc Do Thái đó mâu thuẫn với lập trường điển hình của cộng đồng này, một cộng đồng vốn xem việc sở hữu súng là điều cấm kỵ. Ông Hank Sheinkopf, một giáo sĩ Chính Thống Giáo, nói với NBC News, “Xét về mặt lịch sử, phần lớn người Do Thái trong nước đều theo chủ nghĩa tự do thiên tả, ủng hộ cải tổ về súng, ủng hộ kiểm soát súng, và phản đối việc sở hữu súng cá nhân.”
“Việc người Do Thái mang súng bên mình là một việc không bình thường,” ông nói. Nhưng giờ đây, quan điểm cho rằng Hoa Kỳ là “nơi duy nhất trên thế giới nơi người Do Thái được an toàn, sắp không còn đúng nữa.” Nhiều người Mỹ gốc Palestine đang phản đối chính phủ Mỹ ủng hộ Do Thái. Cô nhận xét cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng thế nào tới nước Mỹ, hiện thời đã có quá nhiều xáo trộn rồi? Trong khi Tổng Thống Joe Biden lo ngại chiến dịch trên bộ vội vã của Israel ở Dải Gaza có thể làm thiệt mạng hàng chục nghìn người.
Đáp:
Sự kiện nhiều người Palestine phản đối chính phủ Mỹ ủng hộ Do Thái là điều đương nhiên, họ phải làm như vậy. Nhưng điểm mấu chốt ở đây, là Do Thái bị Hamas tấn công trước và người Do Thái có quyền tự vệ. Còn tự vệ bằng cách nào thì chúng ta đang chứng kiến, là một cuộc phản công toàn diện nhắm vào dải Gaza.
Khi chiến tranh đã nổ ra rồi, thì sự thiệt hại nhân mạng là điều tất nhiên không tránh khỏi, cho dù ông TT Biden có lo ngại hay không thì bây giờ cũng đã muộn màng.
Nếu ông Biden không kích động chiến tranh bằng chính sách ngoại giao bãi bỏ cấm vận Iran, tháo khoán và tái viện trợ hàng trăm triệu mỹ kim cho chính quyền Palestine trong lúc Hamas là lực lượng đang điều hành chính phủ, số tiền viện trợ gọi là để lo các vấn đề nhân đạo cho người dân Palestine, nhưng ngay cả chính phủ Biden cũng không biết nó có đến tay của người dân Palestine hay không? hay là một khi đã vào tay của Hamas thì họ sẽ sử dụng cho mục đích tối hậu của họ là tiêu diệt Do Thái?
Khi khủng bố Hamas mở cuộc tấn công vào Do Thái, giết chết những người dân vô tội đang xem nhạc hội, chặt đầu trẻ con, hãm hiếp phụ nữ, bắt cóc nhiều người làm con tin, còn đe dọa sẽ xử tử các con tin trước ống kính truyền hình cho thế giới nhìn thấy, vậy thì họ có nghĩ đến hậu quả như bây giờ hay không?
Bây giờ, Do Thái bị đặt vào tình trạng bắt buộc phải tự vệ bằng mọi cách và bằng mọi giá, thì ông Biden còn làm được gì, ngoài lời kêu gọi Do Thái hãy hoãn lại việc phản công vào Gaza và đi nghỉ cuối tuần tại bãi biển Delaware?
Cũng cần nói thêm, là các căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại Iraq và Syria đã bị 19 cuộc tấn công trong 10 ngày qua, nghĩa là trong khi vợ chồng ông Biden đi dạo trên bờ biển vào ngày Chủ Nhật 22 tháng 10, thì cac căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Trung Đông đang bị tấn công.
Về một khía cạnh khác, như Anh Huy vửa hỏi là cuộc chiến này có ảnh hưởng thế nào tới nước Mỹ trong khi nội tình Hoa Kỳ đã có nhiều xáo trộn?
Thì đây:
Thứ nhất, Hoa Kỳ tiếp tục bị xuất huyết về tài chánh, viện trợ Do Thái song song với viện trợ Ukraine. số tiền sẽ lên đến hàng chục tỷ mỹ kim.
Thứ hai, chưa nói đến Đài Loan, hiện nay Trung Cộng đang gây hấn với Phi Luật Tân tại Biển Nam Hải.
Vào ngày 22 tháng 10 khi Hải Quân Phi Luật Tân thực hiện chuyến tàu tiếp tế thường lệ tới Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa, nơi quân đội nước này đang đồn trú trong xác của một chiếc tàu mắc cạn dùng để xác minh chủ quyền lãnh hải, vì Bãi Cỏ Mây nằm trong phạm vi đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân..
Phía Trung Cộng đã cử tàu hải cảnh và các tàu dân quân biển để ngăn chặn. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có Bãi Cỏ Mây; do vậy, đã liên tiếp ngăn cản các nỗ lực tiếp tế của Phi Luật Tân.
Tàu của 2 bên đã chạm trán với nhau, nhưng không gây thiệt hại.
Cả hai bên đều đưa ra những tuyên bố có lời lẽ mạnh mẽ để chỉ trích đối phương và tung ra các đoạn phim để ủng hộ việc tố cáo của mình. Hôm 23/10, chính phủ Philippines đã gặp đại sứ Trung Cộng để bày tỏ quan điểm về bãi cạn san hô đang tranh chấp.
Bà Teresita Daza, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Philippines dùng tên Philippine để gọi bãi cạn này: “Bãi cạn Ayungin là một phần trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng tôi và chúng tôi có quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán đối với bãi cạn đó”. Bà mô tả hành động của Tàu Tuần Duyên Trung Cộng là “bất hợp pháp, nguy hiểm, khiêu khích và đáng trách”.
Đáp lại, Bộ Ngoại Giao Trung Cộng đã đưa ra một tuyên bố hôm 22/10, tố cáo các tàu Philippines xâm nhập vào vùng biển “Ren’ai Jiao”, tên Trung Quốc để gọi Bãi Cỏ Mây, và “đụng chạm nguy hiểm” với các tàu tuần duyên Trung Cộng tại hiện trường. Phát ngôn viên này kêu gọi Philippines xem xét nghiêm túc những lo ngại của Trung Quốc, “ngưng gây rắc rối và khiêu khích trên biển”.
Một số nhà phân tích chính trị cho rằng sự chạm trán mới nhất giữa Trung Cộng và Philippines, xảy ra sau một loạt các cuộc đối đầu giữa hai bên trong những tháng gần đây, phản ảnh mức độ gây hấn ngày càng tăng từ Bắc Kinh trên vùng biển tranh chấp vào thời điểm Hoa Kỳ đang chú tâm vào các cuộc chiến tranh tại Trung Đông và Ukraine.
Ông Collin Koh, một Học Giả Quốc Phòng tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế của Tân Gia Ba cho rằng: “ Trung Cộng đã nhìn thấy cơ hội để xem Hoa Kỳ có thể giúp Philippines đẩy lùi Trung Cộng tại Biển Đông ở mức độ nào, vào thời điểm Hoa Kỳ đang bận rộn và tốn phí rất nhiều vào cuộc xung đột ở Ukraine. và nay thì có thêm Trung Đông.
Chính quyền Biden trong những ngày sắp tới còn sẽ đương đầu với những chiêu đòn của Trung Cộng tại Đài Loan cũng như đã làm ở Biển Nam Hải.
Câu hỏi 3. Về vụ Bà Sidney Powell nhận tội.
Cựu Tổng Thống Donald Trump đã phản ứng trước lời nhận tội của luật sư Sidney Powell trong một vụ kiện bầu cử ở quận Fulton, Georgia bằng cách nói rằng bà chưa từng là luật sư của ông.
Ông viết trên Truth Social, “Bà Sidney Powell là một trong hàng triệu triệu người đã nghĩ, và ngày càng có nhiều người hơn vẫn nghĩ chính xác là Cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2020 đã bị gian lận và đánh cắp.
”Cựu Tổng Thống Trump viết trên Truth Social, “Bà Powell đã làm một công việc dũng cảm khi đại diện cho Tướng Mike Flynn bị chính phủ ngược đãi và đối xử bất công, nhưng làm thế cũng hoài công vô ích. Việc truy tố ông ấy, bất chấp sự thật, là rất tàn nhẫn. Ông ấy là một người vô tội, giống như nhiều người vô tội khác bị chính phủ Phát xít hiện nay của chúng ta đàn áp, và tôi lấy làm vinh dự khi được trao cho ông ấy một lệnh Ân Xá Hoàn Toàn.” Trước dây ai cũng đều thấy bà rất dũng cảm, bênh vực ông Trump và tố cáo có sự gian lận bầu cử.
Ông Harvey Silverglate, luật sư của ông John Eastman, một trong những đồng bị cáo, nói rằng ông tin bà Powell thực sự vô tội và đang cố gắng thoát khỏi một bản án oan sai dựa trên những gì ông mô tả là một luật không công bằng.
“Đây là cách các Công Tố Viên hoạt động. Họ buộc tội, thêm quá nhiều tội trạng, bao gồm cả buộc tội những người không có tội”, ông Silverglate nói hồi tuần trước sau khi bà Powell nhận tội.Bà ấy có thể nói rằng trước đây mình đã nói dối và bây giờ bà ấy đang nói sự thật, điều mà tất nhiên sẽ không phải là sự thật, Theo cô vụ bà này trước sau bất nhất theo cô nghĩ bà ấy có thể bị một áp lức nào để thay đổi lời khai hay không?Bị buộc phải nói dối?
Đáp:
Sự nhận tội của bà Sidney Powel, nói cho đúng là một thoả thuận giữa Công Tố Viên Quận Fulton và bị can Powel trong vụ kiện RICO, là luật có liên quan tới băng đảng, trong khi bà Powel không phạm bất cứ tội danh nào có liên quan đến băng đảng.
Đây là một thủ đoạn hình sự hóa bị can, dùng Bối Thẩm Đoàn để truy tố bị can về những tội đại hình mà họ không hề phạm phải, kèm theo với những tội tiểu hình khác, rồi dùng luật của tiểu bang Georgia về phạm tội lần đầu để phạt nhẹ các tội tiểu hình với hình phạt giảm khinh như chỉ bị quản thúc trong một thời gian, sau thời gian này thì cái tội đại hình không hề phạm phải kia sẽ được xoá bỏ. Đây là mô hình nội dung thoả thuận nhận tội của bà Sidney Powel.
Nếu nói đúng theo lý lẽ, khi bị can theo đuổi đến cùng vụ kiện thì sẽ được trắng án, nhưng số tiền chi cho luật sư là rất lớn, lên tới bạc triệu, như trường hợp của Tướng Mike Flynn, ông phải bán nhà để trả cho luật sư biện hộ về tội danh nói dối với FBI, chỉ là nói không đúng ngày tiếp xúc với người nào đó.
Trường hợp của bà Powel, nó liên quan tới nghề nghiệp Luật Sư của bà, nếu theo đuổi vụ kiện thì trong lúc thụ lý bà không thể hành nghề, còn có thể bị tước bằng hành nghề, cho nên bà phải thỏa thuận với Công Tố để nhận tội.
Trong tương lai, những bị can bị truy tố chung với TT Trump trong vụ kiện RICO sẽ có nhiều người ký vào thỏa thuận nhận tội theo kiểu của bà Sidney Powel để không bị tốn tiền đến tán gia bại sản.
Nến công lý dưới tay của Đảng Dân Chủ hiện nay rất đúng với câu “Đa Kim Ngân, Phá Luật Lệ”!
Sử dụng tiền bạc theo cách nào đó để được tha tội, cũng như để bị buộc tội.
Sao mà giống trong các phim Tàu, đặc biệt là phim Bao Thanh Thiên, mô tả những điều vô thiên vô pháp của những kẻ có thế lực, lạm dụng công lý để mưu lợi và hãm hại người dưới thời quân chủ phong kiến các đây đã mấy ngàn năm. Quả thật là đau đớn lòng!