Biên soạn: Bác sĩ Lê Văn Thu & Dược sĩ Nguyễn Hiền
2023
Một công trình biên soạn hơn 12 năm, với sự đóng góp của một số vị trong y giới và trong giới nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, xã hội.
Cuốn Từ điển với trên 62.000 từ, trong đó có rất nhiều từ mới, đồng thời vẫn duy trì các từ cũ để mọi giới đều có thể tra cứu.
Các định nghĩa và giải thích được viết một cách rất chính xác và khách quan, không để khuynh hướng chính trị chi phối, đồng thời được cập nhật bởi các kiến thức hiện đại.
Bìa cứng, chữ vàng
1296 trang
ISBN 979-9-3507-1172-1
Layout: Do My Van
Mua sách:
Hoa Kỳ & Canada: US$ 40, tính luôn cước phí.
Liên lạc: tudienvn2023
Ngoài Mỹ châu: liên lạc: hien để biết giá cụ thể
![]() |
![]() |
~~oOo~~
ĐÔI DÒNG VỀ NHÓM BIÊN SOẠN
Bác sĩ Lê Văn Thu:
Sinh năm 1945 tại xã Mai Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Di cư vào Sài Gòn năm 1954. Tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại Đại học Y khoa Sài Gòn năm 1973. Phục vụ tại Bệnh xá Sư đoàn 3 Bộ binh, Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, Quảng Nam, từ cuối năm 1973 cho tới cuối tháng Ba năm 1975. Tù cải tạo tại miền Trung từ 1975 tới 1976. Phục vụ tại Phòng Y tế Quận 11 thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1976 tới năm 1979. Vượt biển qua trại tị nạn Pulau Bidong, Mã Lai, năm 1979. Định cư tại Tiểu bang Washington, Hoa Kỳ, từ năm 1980. Lấy lại bằng Y khoa Bác sĩ tại tiểu bang này năm 1984. Mở phòng mạch hành nghề tư tại Thành phố Tacoma, Tiểu bang Washington, từ năm 1984, tới năm 2013 thì về hưu. Sáng lập và điều hành Hội Văn hoá Lạc Việt tại Tacoma vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 để sinh hoạt phục vụ về văn hoá văn nghệ cho đồng hương, đồng thời dạy Việt ngữ cho các em nhằm cố gắng bảo tồn ngôn ngữ Việt nơi thế hệ thứ hai. Có một số bài viết về văn hoá, văn nghệ và chuyên môn y khoa đăng tải trên các báo chí Việt ngữ tại Tp Seattle (Tb Washington) và Tp Houston (Tb Texas) và được các mạng truyền thông trong và ngoài nước đăng lại.
Dược sĩ Nguyễn Hiền:
Sinh năm 1951 tại Huế. Lớn lên tại Sài Gòn. Tốt nghiệp Dược sĩ tại Đại học Dược khoa Sài Gòn năm 1973, sau đó phục vụ trong Quân lực VNCH cho tới cuối tháng tư 1975. Sau thời gian cải tạo, làm cho hiệu thuốc quốc doanh ở Tp. Hồ Chí Minh. Vượt biển năm 1980 và định cư tại Hòa Lan cũng trong năm này. Tốt nghiệp Dược sĩ tại Đại học Groningen năm 1987. Làm trong ngành sản xuất dược phẩm tại nhiều công ty dược phẩm quốc tế cho tới ngày về hưu (2016). Cư ngụ tại tỉnh Utrecht, Hoà Lan. Có truyện ngắn đăng trên các tạp chí văn học, nhiều bài viết về văn hóa văn học và khoa học, có một số tác phẩm và dịch phẩm đã xuất bản. Đồng sáng lập Hiệp hội Cái Đình tại Hòa Lan (năm 1993) và là chủ tịch hội từ ngày thành lập.
~~oOo~~
Mời xem qua:
HƯỚNG DẪN CÁCH SỬ DỤNG CUỐN TỪ ĐIỂN
~~oOo~~
PHÀM LỆ
Quý vị đang cầm trên tay cuốn Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông, là một công trình tim óc mà chúng tôi đã ôm ấp và ra sức biên soạn trên 12 năm. Chúng tôi, với kiến thức hạn hẹp về ngôn ngữ và văn chương của những người làm công tác khoa học bên ngành y và dược, mạo muội đi vào công tác biên soạn một cuốn từ điển giải nghĩa tiếng nước nhà, quả là một sự liều lĩnh!
Liều lĩnh nhưng vẫn phải làm vì bốn lý do chính:
1. Muốn duy trì sự trong sáng của tiếng Việt, giúp giải phóng nó khỏi bóng tối của thành kiến chính trị và văn hoá.
2. Định nghĩa lại nhiều từ đã có từ trước nhưng chưa được giải thích chính xác và rõ ràng.
3. Bổ sung một số từ được phát sinh sau này, đặc biệt là một số từ thông dụng trong ngành vi tính và tin học.
4. Tạo cơ hội cho mọi người:
– từ học sinh, sinh viên, là những người còn đang trong giai đoạn học tập và tiếp thu, cần trang bị cho mình những từ và ngữ cụ thể, cần thiết và chính xác;
– đến các bậc thức giả, là những người có kiến thức uyên bác về nhiều lãnh vực, nhưng thỉnh thoảng cần tra cứu một vài từ cổ hay ít dùng, hoặc chỉ phổ thông ở một địa phương nào đó.
Khi đọc các từ điển do các bậc tiền bối biên soạn, có cuốn được biên soạn từ thời đệ Nhất hay đệ Nhị Cộng Hoà ở miền Nam Việt Nam, lúc ấy khoa học chưa phát triển nhiều, khoa vi tính và tin học còn phôi thai, chúng tôi thấy các lời giải thích – đặc biệt là về các ngành khoa học tự nhiên – có nhiều thiếu sót và chưa chuẩn xác. Trong một số cuốn từ điển được soạn từ lúc tiếng Việt còn ở giai đoạn phôi thai ở đầu thế kỷ thứ 19, chúng tôi thấy có nhiều từ được viết khác với cách viết hiện giờ (lẫn lộn giữa d và gi, chẳng hạn). Ngược lại, ở thời buổi hiện nay, nhiều tài liệu, dữ liệu, thông tin được viết bằng ngoại ngữ hay bằng chính tiếng Việt bởi các chuyên gia uy tín của các ngành được phổ biến rộng rãi trên các mạng truyền thông, việc truy cập của người muốn tìm hiểu không còn khó khăn hay bị giới hạn như trước nữa, nên việc biên soạn của chúng tôi có phần dễ dàng hơn, và chính xác hơn.
Cũng có những cuốn từ điển gần đây được biên soạn bởi các soạn giả có trình độ rất cao về ngôn ngữ, nhưng vì một lý do nào đó, quý vị bỏ sót rất nhiều từ tưởng là cũ nhưng vẫn rất cần thiết cho sự giao tiếp hàng ngày của mọi người, hoặc để các giới tra cứu mỗi khi gặp các từ ấy trong lúc đọc các sách xưa! Cũng có từ điển được biên soạn bởi người có định kiến chính trị phe phái quá sâu đậm nên rất nhiều từ đã được gán cho những nghĩa mà thật ra chúng không hề mang!
Ngôn ngữ được phát triển liên tục, song hành với những chuyển biến về văn hóa và xã hội. Có những từ cũ đã chết hẳn trong cuộc giao tiếp hằng ngày bây giờ, hoặc đã được dùng với nghĩa khác hẳn giữa quá khứ và hiện tại. Thí dụ như từ “khoái lạc”, trong văn chương dòng chính, nó có nghĩa là sảng khoái, sung sướng và vui vẻ, nhưng trong một số sách truyện sau này, nó lại mang nghĩa rất dung tục, đó là tình trạng sướng khoái lúc giao hợp! Có những từ mà người được sinh ra và lớn lên tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa dùng cách tự nhiên và thấy rất bình thường, thì người sống ở miền Nam, được sinh ra hoặc được giáo dục dưới chế độ Cộng Hoà, lại thấy lạ lẫm! Có những từ mà người trong nước hiện nay dùng cách thoải mái thì người sống ở nước ngoài, đặc biệt là đồng bào tị nạn chính trị, lại thấy kỳ quặc, không dung nạp được! Chúng tôi cố gắng ghi lại tất cả trong cuốn từ điển này với các định nghĩa mà chúng tôi nghĩ là đúng đắn và khách quan nhất để mọi người, dù thuộc khuynh hướng chính trị nào, hay sinh sống tại các vùng miền khác nhau, đều có thể tra cứu và tìm hiểu cách thoải mái trong tinh thần vị văn chương và học thuật.
~~oOo~~
TRI ÂN
Khi soạn cuốn từ điển này, chúng tôi đã được các bậc thức giả trong học giới, các đàn anh trong ngành y dược có trình độ Hán học khá cao và uyên bác về nhiều lãnh vực khác chỉ bảo, hướng dẫn, góp ý, chúng tôi hết sức trân trọng và cám ơn. Trong số quý vị ấy, chúng tôi xin được trân trọng cảm ơn quý đàn anh trong ngành Y: Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng (Hoa Kỳ), Bác sĩ Nguyễn Đương Tịnh (bút hiệu Trúc Cư – Pháp), Bác sĩ Trần Văn Tích (Đức), Bác sĩ Nguyễn Văn Bảo (bút hiệu Con Cò), Bác sĩ Vũ Chấn, Bác sĩ Nguyễn Văn Tạ, Bác sĩ Nguyễn Đức Liên, và Bác sĩ Trương Minh Cường (Hoa Kỳ). Chúng tôi cũng không quên cảm ơn một đàn anh rất khả kính, thời còn sinh tiền, đã trao tặng cho chúng tôi một cuốn từ điển Anh Việt rất cổ, với một câu khích lệ thật chí tình, đó là cố Bác sĩ Trần Tấn Phát (California, Hoa Kỳ). Chúng tôi cũng không quên cảm ơn các bạn cùng lớp, Bác sĩ kiêm Văn sĩ Nguyễn Mạnh Tiến (Úc) và Bác sĩ kiêm Văn-Thi sĩ Hầu Mặc Hưng (Hoa Kỳ), đã cung cấp thêm cho chúng tôi một số từ rất đặc biệt, cũ và mới.
Riêng với Bác sĩ Nguyễn Đương Tịnh, Bác sĩ Vũ Chấn, Bác sĩ Nguyễn Văn Tạ, và Bác sĩ Trương Minh Cường, chúng tôi rất hãnh diện khi được quý anh chọn bản thảo cuốn từ điển này để dịch sang Pháp và Anh ngữ, nhằm soạn một cuốn từ điển tam ngữ Việt-Pháp-Anh, với hoài bão giúp mọi người, đặc biệt là các sinh viên học sinh Việt Nam, cũng như người ngoại quốc, có phương tiện để tìm hiểu về ngôn ngữ Việt Nam.
Với đồng soạn giả, Dược sĩ Nguyễn Hiền, hiện định cư tại tỉnh Utrecht, Hoà Lan, là người có nhiều tác phẩm biên soạn và biên dịch, đã giúp chúng tôi phần hiệu đính cũng như biên soạn một số vần. Chúng tôi là hai người bạn tâm đầu ý hợp, đã đồng quan điểm trên nhiều lãnh vực khi cùng biên soạn cuốn từ điển này.
Chúng tôi cũng muốn nhắc đến hiền thê, Vũ Thị Hương-Mai, cũng là một người bạn thi văn, dù đau yếu, vẫn cố đánh máy tất cả các đầu chữ từ vần A tới vần Y để giúp chúng tôi dễ dàng trong công tác biên soạn. Và với các con của chúng tôi: Lê Vũ Hương-Quỳnh, Lê Vũ Thuý-Tiên, Lê Vũ Tường-An (ϯ) và Lê Vũ Đan-Vy, các con thuộc thành phần trẻ sống ở nước ngoài từ bé, là một trong những đối tượng mà bố nhắm tới khi soạn cuốn từ điển này với kỳ vọng là giới trẻ các con về nguồn, cố gìn giữ văn hoá và sử dụng ngôn ngữ Việt trong cuộc sống hàng ngày.
Chúng tôi thành thật cảm ơn ông Đỗ Mỹ Văn, người bạn rất thân và cũng là một chuyên gia về kỹ thuật vi tính, đã giúp trình bày cuốn từ điển này theo đúng khuôn khổ mà nhà in yêu cầu.
Sau cùng, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn quý độc giả đang cầm trên tay cuốn từ điển này. Hy vọng nó sẽ giúp ích quý vị phần nào trong việc tra cứu về văn hoá và từ ngữ Việt. Chắc chắn cuốn từ điển này còn nhiều thiếu sót, kính mong quý vị góp ý để lần ấn hành tới, nó sẽ trở thành hoàn hảo hơn. Mọi góp ý xin gởi về địa chỉ điện thư
thu2usa hoặc hien .
Trân trọng.
BS Lê Văn Thu
Minh Anh Truong Nguyen
VACA
Liên Minh Bảo Hiến Mỹ Gốc Việt
(813) 570-0122