Kể từ hôm qua, 11/11/2023, cuộc tập trận hải quân thường kỳ Annualex 2023, kết hợp Hải Quân của 4 nước Canada, Mỹ, Úc và Nhật Bản, đã khai mạc trên vùng biển ngoài khơi Nhật Bản. Đặc biệt lần này có sự tham dự của Philippines trong tư cách quan sát viên.
Theo hãng tin Mỹ AP, cuộc tập trận được tổ chức hai năm một lần có mục tiêu tăng cường năng lực phối hợp giữa hải quân các nước, đồng thời chứng tỏ sự hiện diện cũng như quyết tâm của các nước tham gia nhằm bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”, một khu vực đang bị các tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc đe dọa, trong đó có các yêu sách chủ quyền quá đáng.
Theo tư lệnh Hải Quân Nhật Bản Akira Saito, có khoảng 30 tàu hải quân và 40 chiến đấu cơ đến từ 4 nước, cùng với một số sĩ quan hải quân Philippines tham gia các cuộc tập trận chung, trong đó có cả các nội dung đối phó với các mối đe dọa mới như chiến tranh mạng, không gian và thông tin.
Về sự tham gia của Philippines, tư lệnh Hải Quân Nhật khẳng định: “Philippines là một quốc gia cực kỳ quan trọng đối với Nhật Bản và chúng tôi hy vọng sẽ hợp tác với Hải Quân Philippines trong mọi cơ hội trong tương lai”.
Nhân vật này nói thêm rằng cuộc tập trận không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào và sự tham gia của Philippines đã được quyết định từ trước khi xẩy ra những vụ chạm trán gần đây với Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo AP, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, đồng thời mở rộng hợp tác với Úc và Philippines. Cả 4 nước đều chia sẻ lo ngại về các động thái ngày càng quyết đoán của Trung Quốc và tình hình căng thẳng liên quan đến Đài Loan.
Đầu tháng 11 vừa qua, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã đồng ý bắt đầu đàm phán về một hiệp ước an ninh quan trọng cho phép quân đội hai bên tiến vào lãnh thổ của nhau để tập trận chung. Nhật Bản cũng cam kết cung cấp radar giám sát cho hải quân Philippines trong khuôn khổ một khoản viện trợ quân sự mới.
Cuộc tập trận Annualex mở ra sau một cuộc đối đầu mới giữa tàu Philippines và tàu Trung Quốc ở Biển Đông hôm 10/11/2023. Manila tố cáo một tàu Hải Cảnh và các tàu hộ tống Trung Quốc là đã có hành động nguy hiểm và dùng vòi rồng tấn công tàu tiếp tế của Philippines.
Miến Điện : Máy bay chiến đấu rơi, phe nổi dậy tự nhận trách nhiệm
Chính quyền tập đoàn quân sự tiếp tục đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021. Sau khi để mất một thành phố chiến lược, hôm qua, 11/11/2023, một chiến đấu cơ của quân đội Miến Điện đã bị bắn hạ theo như khẳng định từ phe nổi dậy.
Theo Reuters, chiếc máy bay phản lực của quân đội Miến Điện bị rơi xuống bang Kayah ở miền đông, gần biên giới với Thái Lan. Trên mạng xã hội Facebook, Lực lượng phòng vệ Dân tộc Karenni (KNDF) khẳng định đã bắn hạ chiếc máy bay này trong một cuộc giao tranh với quân đội diễn ra hôm thứ Bảy bằng súng máy hạng nặng và các thành viên của họ đang truy tìm viên phi công.
Còn theo phát biểu từ phát ngôn viên của chính quyền tập đoàn quân sự, Zaw Min Tun, trên kênh truyền hình nhà nước MRTV, chiếc máy bay này bị rơi vì sự cố kỹ thuật, các phi công đã nhảy dù an toàn và đã liên lạc được với quân đội.
Hãng tin Reuters khẳng định hiện chưa thể xác minh thông tin. Nhưng vụ việc này xảy ra vào lúc quân đội Miến Điện đang đối phó với các lực lượng đối lập trên nhiều mặt trận từ khi các lực lượng dân tộc thiểu số và dân quân chống chính quyền tiến hành một cuộc nổi dậy mà giới phân tích an ninh đánh giá là có một sự phối hợp chưa từng có.
Tuần trước, tổng thống do quân đội bổ nhiệm cảnh báo Miến Điện có nguy cơ tan vỡ do không giải quyết cuộc nổi dậy một cách hiệu quả.
Xung đột ở bang Shan, phía đông bắc giáp với Trung Quốc, buộc hơn 50 ngàn người phải di tản. Nhiều tuyến đường thương mại chiến lược quan trọng bị cắt đứt và một số thị trấn bị chiếm giữ. Trung Quốc đã kêu gọi tất cả các bên chấm dứt các hành động thù nghịch.
Liên minh nổi dậy cho biết đã chiếm giữ hơn 100 đồn quân sự. Các cuộc tấn công của phe này cũng đang diễn ra ở vùng Sagaing, miền trung Miến Điện, phía tây bang Shan.
Hàng trăm công nhân nước ngoài, trong đó có nhiều người là nạn nhân của tình trạng buôn người, đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến, trong đó có cả công dân Việt Nam và Thái Lan. Bộ Ngoại Giao Thái Lan hôm qua cho biết có 200 công dân nước này đang chờ sơ tán « càng sớm càng tốt khi tình hình cho phép ».
Theo nhận định từ AFP, cuộc tấn công bất ngờ do phe nổi dậy thực hiện ở phía bắc Miến Điện đã chặn hai đường giao thương chiến lược đến Trung Quốc, đối tác thương mại chính của nước này, và đe dọa nguồn thu của tập đoàn quân sự.