Từ một gánh hàng rong ra đời hồi đầu thế kỷ 20, phở thăng trầm cùng người Việt xuyên suốt một thế kỷ đầy biến động, để rồi trở thành “đại sứ ẩm thực” trong cuộc viễn chinh khắp thế giới. Phở có mặt ở 50 quốc gia, nằm trong ‘50 món ăn ngon nhất trên thế giới’ của đài CNN, đứng đầu danh sách “40 món ăn nhất định phải thử trong đời” của Business Insider, và vô số những cuộc xếp hạng lớn nhỏ khác; xếp ngang với các món như pizza Ý, hay sushi Nhật. Người Nhật vinh danh món ăn này bằng chứng nhận “Ngày của Phở” tại Osaka.
Hành trình dài phi thường của phở Việt là câu chuyện ẩm thực về cách mà người Việt chinh phục thế giới bằng sự tài hoa khéo léo và cốt cách tinh tế tao nhã trong một món ăn hiếm có mà tất cả mọi người đều yêu thích.
Chuyên gia ẩm thực John Lehndorff, người từ hơn 10 năm nay đã có hàng loạt bài về các món ăn Việt, viết về phở Việt Nam trên tờ Rocky Mountain News: “Một tuyệt tác ẩm thực! Bất cứ lúc nào, hễ nghe ai đó thì thầm “Phở, phở, phở…” là tôi nghĩ ngay đến món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam.”
Phở không chỉ là món ăn khoái khẩu, mà còn chiếm trọn tâm trí, tình cảm tinh thần người thưởng thức. Hiếm có món ăn nào có sức hút đến thế với giới văn nghệ sĩ không chỉ Việt Nam mà còn ở tầm quốc tế, Phở xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn chương Việt trong suốt thế kỷ 20, Đầu thế kỷ 20, phở xuất hiện tiểu thuyết “Anh hàng phở lấy vợ cô đầu”; rồi bước lên văn đàn Việt qua hàng loạt ký sự, tùy bút để đời về phở của hầu hết các cây bút lừng danh thế kỷ 20 như Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Tô Hoài, … Phở trở thành một đề tài thu hút không thể cưỡng lại như chính hương vị của nó với giới văn nghệ sĩ Việt Nam và và các chuyên gia ẩm thực, báo chí quốc tế, thu hút các nhà làm phim quốc tế sản xuất bộ phim truyền hình dài tập mang tên “Mùi ngò gai”.
Sự hấp dẫn của món ăn lạ lùng này đã trở thành để tài cho vô số cuộc hội thảo mang tầm quốc tế như “Hội thảo về Phở” được khởi xướng bởi ông Didier Corlou bếp trưởng khách sạn Metropole Hà Nội, một môn đồ chính hiệu của phở Việt; hay hội thảo quốc tế “Phở: Di sản Việt Nam” do đại sứ Liên minh Âu Châu Frederic Baron tổ chức năm 2006.
Các đại biểu tham dự được thưởng thức món phở kinh điển đúng theo phong cách cổ điển đầu thế kỳ 20. Một cuốn sách song ngữ Việt Pháp về Phở được Liên minh Âu Châu ấn hành. Cuộc triển lãm “I love Phở” được tổ chức tại bảo tàng Liverpool nước Úc năm 2006. Nhà đạo diễn Úc gốc Ý Teresa Crea còn dựng vở kịch “Bữa tiệc cho mọi giác quan” thực hiện ý tưởng muốn tôn vinh phở như điểm hẹn gặp gỡ của các nền văn hóa.
Từ cuối thập niên 20 thế kỷ trước, phở đã được chọn làm đại diện ẩm thực Việt tham dự hội chợ Marseille tại Pháp, nhằm giới thiệu và vinh danh cho toàn xứ Đông Dương.
Phở xuất hiện trong họa phẩm của những nghệ sĩ danh tiếng như bức tranh “Phở gánh” của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí, một trong những đại thụ làng mỹ thuật Việt Nam cận đại. Phở có mặt trong bộ sưu tập tranh khắc gỗ do nhà nghiên cứu người Pháp Henri Oger; Phở có mặt trong kho trữ liệu di sản thế giới (72,000 bức ảnh).
Miếng ăn kỳ diệu của tất cả người Việt
Gần như duy nhất trong nghệ thuật ẩm thực Việt, phở có thể dùng vào mọi lúc trong ngày, mọi mùa trong năm. Có lẽ không một món ăn Việt nào có không gian ẩm thực rộng như phở quả xứng danh món ăn phi thời gian.
Món ăn này kỳ lạ ở sự bình đẳng dành cho tất cả hạng người: từ người nghèo, công chức, quan chức, người bình dân cho đến chính khách (gia đình tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton lựa chọn phở trong thực đơn khi đến thăm Việt Nam hồi năm 2000), không ai vì ăn phở mà sang lên cũng chẳng kẻ nào vì thế mà hèn đi. Già trẻ lớn bé, gái trai gì cũng đều thích.
“… Kẻ phú quý cho chí người bần tiện
Hỏi ai là đã nếm chẳng ưa
Thầy thông, thầy phán đi sớm về trưa
Điểm tâm phở ngon ơ và chắc dạ
Cánh thợ thuyền làm ăn vất vả
Phở xơi no cũng đỡ nhọc nhằn
Khách làng thơđêm thức viết văn
Được bát phở bớt băn khoăn óc bí
Bọn đào kép con nhà ca kỹ
Lấy phở làm đầu vị giải lao
Chúng chị em sớm mận, tối đào
Nhờ có phở đỡ hao mòn nhan sắc …”
(Tú Mỡ, 1937)
Nhà văn Nguyễn Tuân, tác giả “Vang bóng một thời” đã có một tùy bút xuất sắc về phở. Ông cho phở có một “tâm hồn”, phở là “một miếng ăn kỳ diệu của tất cả người Việt Nam chân chính”, là “món quà cổ điển rất tính chất dân tộc” phù hợp với các tầng lớp nhân dân, có thể ăn bất cứ giờ nào, mùa nào.
Thi sĩ lừng danh thế kỷ 20 Tú Mỡ yêu phở đến nỗi làm hẳn một bài “phú phở” gói ghém toàn bộ tinh hoa về phở trong 39 câu, để rồi thốt lên:
“Trong các món quân tử vị
Phở là quà đáng quý trên đời…
Sống trên đời, phở không ăn cũng dại
Lúc buông tay, ắt phải cúng kèm
Ai ơi nếm thử kẻo thèm!
(Tú Mỡ 1937)
Đan Thư
Xin xem tiếp tại nguồn dưới đây:
https://baomai.blogspot.com/2023/11/tu-ganh-pho-hang-rong-en-ai-su-am-thuc.html
Vietnamese American Conservative Alliance (VACA)
https://freedom-vaca.org/vaca-blog-tieng-viet-nam/
https://freedom-vaca.org/vaca-main-blog-english-articles/
Sent with Proton Mail secure email.