Chương Trình Vui Buồn Đời Tị Nạn – Sunday 11/19/2023: Các Ngày Lễ và Văn Hóa của Người M ỹ Gốc Việt

Chương trình VUI BUỒN ĐỜI TỊ NẠN – CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI HOA KỲ của Radio Saigon Dallas 1160 AM: Ngày Chủ Nhật lúc 11:30 AM, giờ TX, tức là 12:30 PM, giờ Florida. Do Hoàng Tín phụ trách.

Minh Ánh xin mến chào Hoàng Tín và quý vị thính giả thân thương của đài SG-Dallas.

1. HT: Thưa chị, trong không khí nhộn nhịp của các ngày lễ như Lễ Tạ Ơn tuần tới rồi Giáng sinh vào tháng 12, mặc dù ảnh hưởng hậu Covid, tuy có nhiều khó khăn về kinh tế, cộng đồng người Việt chúng ta cũng chuẩn bị đón Tết tây rồi tới Tết ta. Năm nay năm nhuần nên Tết Nguyên Đán sẽ rơi vào ngày 10 tháng 2. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt vẫn luôn cố gắng giữ gìn văn hóa và truyền thống người công dân Việt Nam Cộng Hòa, nên năm nào cũng tổ chức Tết để đồng hương có thể tới tham dự và nhớ lại cội nguồn, dạy dỗ con cháu những tục lệ như lì xì, làm bánh chưng bánh tét, xem múa lân… Mà nói tới chuyện này thì HT xin giới thiệu tới Nhóm – hay có thể gọi là Đoàn Sân Khấu Nhỏ (SKN) do anh Huy và chị Hạnh Dung phụ trách, đã bỏ thời giờ và công sức thành lập các màn biểu diễn múa, hát, đóng kịch…rất vui và có ý nghĩa cho cộng đồng người Việt chúng ta tại Dallas. Má sắp tới đây sẽ có nhiều màn trình diễn mới lạ cho dịp Tết sắp tới.

Vậy tại vùng Tampa Bay năm nay có gì đặc biệt không thưa chị?

Cuộc thi Hoa hậu Áo dài California – Cổng Thông Tin Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (vwu.vn)

Dạ HT và quý vị có khỏe không ạ? Mới đây mà lại gần hết một năm rồi HT hở? Trong mùa Lễ Tạ Ơn này cho Minh Ánh được gởi lời tri ân tới quý thính giả đài SG-Dallas, các anh chị trong đài và Hoàng Tín nữa, đã cho Minh Ánh có cơ hội chia sẻ những công việc xây dựng một cộng đồng tị nạn tử tế, trong sạch, cũng như chia sẻ những điều hữu ích cho đồng hương.

Cảm ơn HT luôn có những câu hỏi "trúng tủ" của Minh Ánh, vì những lãnh vực sinh hoạt trong cộng đồng là điều mà Minh Ánh gần gũi, hiểu biết khá nhiều vì hay tham gia tổ chức giúp cho người cao niên và thanh thiếu niên Mỹ gốc Việt.

Những người Việt di tản năm 1975 lúc đầu vì sinh kế và sống rải rác nên cũng chưa có tập trung. Nhưng khoảng 10 năm sau, những đợt tị nạn ào ạt do những thuyền nhân trốn chạy CS đã giúp cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt thành hình và có nhiều hội đoàn thành lập. Ông bà chúng ta thường nói: "Tiếng Việt còn, nước Việt còn." Tà áo dài thân yêu, nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam đã được đưa ra đại diện cho vẻ đẹp của con gái Việt. Cho nên trong các dịp Tết, nhiều hội đoàn đã tổ chức các cuộc thi hoa hậu áo dài để kêu gọi các em trẻ sinh viên đại học tham gia. Theo một thông tin trên mạng từ website của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam thì San Jose đã tổ chức Tết và cuộc thi Hoa Hậu áo dài lần thứ 18 vào năm 2005. Như vậy thì khoảng gần cuối thập niên 80, cộng đồng Việt Nam tại tiểu bangCalifornia đã tổ chức Tết và các cuộc thi hoa hậu áo dài rồi.

Những phong trào biểu diễn thời trang, thi hoa hậu áo dài bắt đầu nở rộ tại những thành phố có đông dân cư người Hoa Kỳ gốc Việt cư ngụ. Năm 1990 khi làn sóng di dân theo diện H.O. rầm rộ, thì càng có nhiều cuộc thi hoa hậu: hoa hậu áo dài, hoa hậu phu nhân…cho tới khi có nhiều đợt du học sinh hay di dân theo diện hôn thú, bảo lãnh qua, bây giờ các cuộc thi hoa hậu phần đông là nhắm vào "sắc đẹp" nhiều hơn để thu hút các "đại gia" bảo trợ.

Cho nên dần dần, các cuộc thi hoa hậu áo dài để bảo tồn truyền thống văn hóa của người Việt đã biến mất ý nghĩa chân chính lúc đầu để trở thành các cuộc kinh doanh thương mãi: "bác sĩ thẩm mỹ làm giàu", các cô dự thi khoa nhan sắc dao kéo và cố đoạt danh hiệu hoa hậu để (theo lời một vị phụ huynh của cô bé dự thi "kiếm một tấm chồng cho xứng đáng!), và các vị đại diện cộng đồng cần các cô theo phụ tá để có "phe cánh"…

Mình không có phản đối, hay có ý kiến không tốt về bất cứ cá nhân nào giải phẩu thẩm mỹ. Đó là quyền riêng tư của mỗi người. Tuy nhiên, nếu trong các tổ chức thi hoa hậu thì Minh Ánh nghĩ rằng những tổ chức thi hoa hậu nên lấy tiêu chuẩn chọn thí sinh có nét đẹp tự nhiên, và quan trọng là họ phô trương được cái đẹp của tà áo dài Việt tha thướt, quyến rũ, cũng như cái đức hạnh, tài năng, đạo đức của người phụ nữ Việt Nam. Còn các cuộc thi hoa hậu mà đem trình diễn các "tay nghề" của các vị bác sĩ trong ngành thẩm mỹ, đưa các cô tính tình giả dối, bất thiện, thì …tội nghiệp cho những người phụ nữ VN quá! Minh Ánh quan niệm rằng mỗi người đàn bà đều có mỗi nét đẹp khác nhau. Tại sao chúng ta phải dùng tiêu chuẩn người Tây Phương để đánh giá vẻ đẹp người đàn bà Á Đông? Tại sao phải mũi cao, mắt hai mí, ngực bự, mông to…mới là đẹp?

Có lần có một anh tự hào giới thiệu cô LNV là hoa hậu phu nhân cộng đồng người Việt tại vùng Tampa Bay. Minh Ánh chỉ cười thầm trong bụng và nghĩ không biết anh này nếu nhìn bà này với cái lỗ mũi, ngực lép xẹp, mắt ti hí trước khi giải phẫu, lấy đôi giày cao 1 tấc ra còn lùn xủn… thì có còn "tôn vinh" sắc đẹp của cô hoa hậu phu nhân này hay không?

2. HT: Dạ vậy thưa chị nếu thi áo dài thì chị nghĩ là nên chú tâm vào áo dài truyền thống hay áo dài cách tân? Và theo chị bên cạnh việc tổ chức Tết với các cuộc thi áo dài chị nghĩ cộng đồng chúng ta cần phải làm gì để duy trì truyền thống văn hoá người công dân VNCH?

Dạ cảm ơn HT đã hỏi câu này. Theo mình thì áo dài truyền thống có cái đẹp khác như thời 50-60 áo thắt eo, tà tha thướt tới gót chân, cổ cáo hay cổ hở theo kiểu bà Ngô Đình Nhu có nét đẹp cổ kính quý phái, tôn vẻ đẹp quyến rũ nhưng kín đáo: chỗ nào cần khoe thì khoe, chỗ nào cần hở thì hở.

Áo dài cách tân hay loại áo dài tà ngắn tới gối, đưa ra sự khoẻ mạnh, ngỗ ngáo của những cô nữ sinh trước năm 1975 tại miền Nam, mặc áo dàiđạp xe đạp mini…dễ thương chi lạ! HT có còn nhờ bài hát "Xin cho em, một chiếc áo dài. Cho em đi, mùa Xuân tới rồi. Mặc vào người rồi ra. Ngồi lạy chào mẹ cha. Hàng lụa là thơm dáng tiểu thơ…" nghĩ tới đó là thấy lòng bồi hồi phải không HT?

Cho nên Minh Ánh có ý nghĩ là trong các cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài nên có 2 giải dành cho áo dài truyền thống và áo dài cách tân.

Có thể vì "méo mó nghề nghiệp" chăng? Khi Minh Ánh xuất thân từ trong một gia đình khoa bảng gắn bó với nghề thầy giáo và luôn coi trọng về sự giáo dục nên theo Minh Ánh chúng ta cần khuyến khích các em học hành cho giỏi, trong các ngày lễ Tết cộng đồng chúng ta nên cố gắng tặng nhiều giải học bổng cho các em học sinh. Vấn đề chúng ta gặp ở đây là các em con cháu chúng ta ít tham gia các việc cộng đồng, rất tự lập nên biết kiếm học bổng và không cần, vì các giải học bổng của chúng ta cho rất ít (còn thua các giải tặng cho các hoa hậu hay á hậu…) nên khó kiếm các học sinh ghi danh.

Theo kinh nghiệm tổ chức Trung Thu, mỗi lần gởi thư thông báo kiếm thí sinh rất khó!

Thêm nữa, có nhiều em gọi tới xin ghi danh nhưng phần đông là các em thuộc diện du học sinh chớ không phải là các em sinh trưởng tại Hoa Kỳ!

Và một điều mà mình cũng thấy khó nữa là hàng năm vào dịp các lễ Tết là coi như có quá nhiều tổ chức từ chùa tới nhà thờ rồi các hội đoàn…rồi chưa kể các di dân mới họ sợ tham dự các nơi có sự hiện diện của quốc kỳ VNCH, hay họ vẫn còn bị tuyên truyền xem VNCH là những "thế lực thù địch"…có một sự khác biệt về văn hóa trước và sau năm 75. Hiện nay, các cộng đồng VN hầu như có khuynh hướng tổ chức to lớn rình rang…các MC diễn hề, các cuộc thi hoa hậu thật nổ với nhiều sự ủng hộ tài chánh của "đại gia A" hay "tập đoàn B"…

Cách đây mấy hôm mình nhận được một thông báo mời tham dự lễ Diwali của người Mỹ gốc Ấn từ thành phố Tampa và quận Hillsborough. Mới thấy ảnh hưởng của người Ấn khá mạnh sau người Do Thái! Ở Mỹ có Hanukkah của Do Thái và bây giờ có lễ Diwali của người Ấn. Tết của chúng ta vẫn còn ảnh hưởng của người Tàu. Cho nên làm sao chúng ta tổ chức Tết Trung Thu và lan truyền ảnh hưởng của buổi lễ này rộng rãi trong xã hội Mỹ và biến nó thành một ngày "Tết Nhi Đồng" tại Mỹ đây?

Hiện nay Minh Ánh đang cố gắng tổ chức các lớp dạy múa cho các em thiếu nhi/niên tham gia. Hy vọng sẽ đào tạo các em từ lứa tuổi elementary thì mới mong rằng các em thế hệ này mới gần gũi và gắn bó với văn hóa VNCH. Hy vọng sẽ có dịp lên thăm Dallas và học hỏi thêm từ anh Huy và chị Hạnh Dung.

Nhắc tới Đoàn Sân Khấu Nhỏ Minh Ánh rất khâm phục và ái mộ các anh chị, không những việc làm hữu ích có ý nghĩa của anh chị mà từ cái tên đặt cho đoàn khi dùng chữ "Nhỏ" nói lên tính cách và văn hoá khiêm hạ của ông bà chúng ta đã dạy dỗ trong trước năm 1975 tại Việt Nam Cộng Hòa.

3. HT: Chị ơi, HT thấy chị hay nhắc tới Văn hóa VNCH, Tại sao không nói chung là văn hóa VN mà chị cứ tách riêng là văn hóa VNCH vậy?

Bởi vì nếu chúng ta nói chung chung là văn hóa VN thì có nhiều người cứ nghĩ rằng cái văn hóa hiện tại của CS là văn hóa người Việt. Theo mình văn hóa VNCH là văn hoá nhân bản, có nhân lễ nghĩa trí tín – mặc dù có ảnh hưởng Khổng nho nhưng ít ra nó đào tạo những thế hệ có đạo đức, biết kính trên nhường dưới, có những giờ công dân giáo dục giúp đào tạo người dân biết trách nhiệm bổn phận của mình, không phải một nền giáo dục cách mạng đảng và giáo điều rỗng tuếch, chỉ đào tạo những con người vô cảm, đạo đức giả, và ích kỷ tư lợi như hiện nay.

Có sự khác biệt rất lớn trong hai nền văn hóa trước và sau năm 75-của VNCH và CSBV mà!

Ví dụ nhỏ:

Giáo dục: VNCH dạy toán cho các em không bao giờ dùng những bài tập kiểu sắt máu: có 7 chiếc máy bay địch, các anh hùng dũng sĩ diệt Mỹ bắn hạ 3 chiếc còn lại mấy chiếc như CSBV. Trogn khi miền Nam dùng các biểu ngữ Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn trong các trường học thì CSBV dạy các em học trò tôn vinh lãnh tụ bằng các biểu ngữ "Bác Hồ sống mãi đời đời…hay lao động là vinh quang…

Cách dùng từ ngữ: VNCH: Nhà bảo sanh hay bảo sanh viện – CSBV: xưởng đẻ (còn nhiều nữa nhưng không thể nói ra hết để so sánh)

Y phục: VNCH mặc áo dài trong các công sở, đồng phục trường học cho nữ sinh. CSBV: mặc áo giống đồng phục Tàu cộng (sau năm 75 mới dần dần bắt chước miền Nam mặc áo dài).

Lễ Lạc: VNCH có các lễ tôn nghiêm như lễ Hai Bà Trưng, Đức Thánh Trần (ông tổ của HQ VNCH), tuy không có các ngày lễ màu mè dành cho giáo viên, nhưng luôn tôn trọng thầy cô mỗi ngày trong mỗi giờ học….CSBV: ngày nhà giáo để bắt học trò quà cáp cho thầy cô, chỉ tôn trọng thầy cô một năm một ngày mà thôi.

Nghệ Thuật: VNCH: các nhà văn, nghệ sĩ, nhạc sĩ, các nhà báo được quyền tự do sáng tác. CSBV: các vị này bị cầm tù hay giới hạn chỉ được viết theo ý đảng như vụ Nhân Văn Giai Phẩm có nhiều nhà văn bị cầm tù trên cả mấy chục năm từ năm 1956 tới qua năm 1975 mới được tha ra khỏi tù lao động cải tạo..

Chính trị: VNCH: có nhiều đảng phái đối lập, có quyền biểu tình trong sư ôn hoà. CSBV: độc đảng, người dân không được quyền biểu tình.

Nhân quyền: VNCH: cấp đất cho nông dân trong chương trình "Người Cày Có Ruộng". CSBV: giết các nông dân địa chủ trong cuộc đấu tố "Cải cách ruộng đất" theo khuôn mẫu của Mao Trạch Đông.

Cho nên sự biến thái của đảng CS từ một tư tưởng của Karl-Marx muốn một xã hội bình đảng, ăn đều chia đủ…bây giờ đã trở thành một chính thể nửa nạc nửa mỡ vẫn độc tài đảng trị nhưng mở cửa cho tự do buôn bán theo kiểu tư bản mà chúng ta có cái tên mới là Tư Bản Đỏ Toàn Trị để thay thế cho các chính thể hiện tại của Trung Cộng và CSVN.

Thời gian cũng có hạn, chắc chị em mình để đề tài Tư Bản Đỏ Toàn Trị vào tuần sau nha?

Trước khi chấm dứt chương trình Minh Ánh kính chào tạm biệt HT cùng toàn thể anh chị của đài SG-Dallas và quý vị thính giả. Kính chúc quý vị một cuối tuần hạnh phúc an lạc. và ngày Lễ Tạ Ơn sắp tới thật ấm áp, vui vẻ bên cạnh người thân yêu.

Xin cầu nguyện cho tất cả sức khỏe và như ý.

Minh Ánh xin kính chào HT & quý vi và xin hẹn gặp lại vào tuần sau. Xin chân thành cảm tạ.

Minh Anh Truong Nguyen

VACA
Liên Minh Bảo Hiến Mỹ Gốc Việt
(813) 570-0122