Lúc hắn đi làm việc ở Phước Long, có lúc hắn theo chân những người thợ cưa vào rừng xem họ đẵn gỗ trên ngàn, những năm này Phước Long ít có những trân đụng độ lớn, mà thường thì nhóm xe be "có qua lại" với với cả 2 bên. Lương thiếu úy lúc đó là trên dưói 8000$/ VNCH một tháng mà những tay cưa cây rừng được trả là 3000$; đốn 1 cây xuống đo chiều dài và đường hoành xong, họ vạt vỏ cây và đánh dấu riêng của khẩn chủ vào thân cây . Hỏi họ không sợ đám khai thác lâm sản khác lấy mất sao? Họ cười trả lời là "những người đã sống bằng nghề phá sơn lâm có luật giang hồ của nó, kẻ nào "phá luật" ăn búa vào đầu", hôm nay nhóm này "đạp" được 10 gốc "gõ" tối nay tất cả dân phá sơn lăm đều rõ.. Sau đó tề đầu và gốc cho bằng rồi phát cỏ tạo ra lối mòn để xe be vào chở về .
Về sau vào quân đội có môn học địa hình, không ảnh hắn mới thấy trên bản đồ không có đoạn dường mòn, mà trên thực tế những con đường này trở thành đường cho thiết giáp T54 của địch di chuyển khi tấn công thành phố PL. Lúc ra khỏi rừng họ cho chủ biết là đạp được bao nhiêu súc gỗ, loại nào.
Đi theo họ cũng học được nhiều điều thú vị ví dụ như hắn hỏi đường rừng chằng chịt như vậy làm sao tìm được hướng ra nếu la bàn bị mất. Một ông thợ cưa giải thích với hắn theo kinh nghiệm đi rừng là trên cây thường có những "ráng", những ráng này như là chỗ cho lan rừng mọc, vì thế ráng cây hướng về đâu thì nơi đó là phương đông.
Đã biết được một hướng thì dễ dàng thấy hướng mình muốn tìm, một lần khác những anh thợ rừng chỉ cho hắn thấy những đóa lan rừng mọc trong những ráng cây và lần đó ông thợ đưa một nhát cưa máy vào thân cây chỉ hơn 2 tấc đường kính cho hắn bốc những nhánh lan có cả những giò lan còn búp nụ.
Đó là loại lan như ông thợ rừng nói là "phong lan", còn bụi lan giống như bụi trúc, nhánh nhỏ chỉ bằng 1/2 ngón tay có những giò lan hoa nhỏ trắng tinh, ông ta gọi là "trúc lan". Nói cho hắn nghe thì hắn tin như vậy chứ hắn nào biết
chăm sóc và thích trồng lan đâu, có dịp về Saigon làm quà cho "bố già", cụ suốt ngày xăm xoi ngắm nghía những đóa lan, thứ này cho đến bây giờ cũng vậy vợ hắn cũng mê nhưng hắn cũng chưa ngộ được cái thú chăm sóc lan.
trúc lan .
Ara
Ẩn lan
Quế Hương
Mặt trời hắt những tia nắng thăm dò xuống triền non lãng đãng sương mù và khí lạnh rồi tung cả súc lụa vàng mỡ óng ả lên đại ngàn bát ngát. Rừng đồi run rẩy đón nắng, thứ nắng mời thơm lừng, nồng nàn, say đắm, suồng sã đặt môi lên mọi thứ. Trong lặng im muôn vàn tiếng gọi. Chồi gọi cành khô. Cát bụi gọi nhau. Tất cả đều hối hả bởi chỉ cần một cơn gió, cái màu trắng sữa từ núi, từ thung lũng lại ùn ùn toả ra đánh dạt cả màu nắng ung dung dạo chơi trên những ngọn cây chót vót hoặc vắt qua đầu non, trầm mặc như một vị hiền triết nhìn xuống cõi ta bà xanh xanh dưới kia. Ở đó có ba bóng người đang chầm chậm bước. Người đi sau cùng cao lênh khênh, cái gì cũng dài. Tóc phủ vai. áo padessus phủ gối. Anh ta nhấm nháp con đường đất cỏ mọc um tùm dẫn lên đỉnh núi bốn mùa mây phủ một cách nhẩn nha thú vị khiến hai kẻ đồng hành thỉnh thoảng phải đứng đợi càu nhàu:
– Thua cả rùa! Đường dài đến 19km, cứ ở đó mà tha thẩn.
– Tao nghiện những nhánh đường mòn hoang vu. Năm mười năm nữa khi con người “cứu” lấy nơi này, biến thành Trung tâm du lịch, du hí, chúng sẽ được rải đá, tráng nhựa cho xe hơi chạy bon bon. Khi ấy quán mọc ven đường, gà mắt xanh mỏ đỏ xuất hiện trong bụi, bia lon đồ hộp xả đầy cỏ… chúng sẽ chết vì bụi phù hoa!
– Thế mày thích ngủ đêm trong “biệt thự” hay trong bụi?
– Bên bờ suối.
– Cho cọp tha, trăn quấn đầy à?
– Đừng doạ! Nếu sợ đây đã ở nhà ôm vợ ngủ.
Gã rậm râu, dáng đậm, gân guốc bật cười nhưng mắt gã vẫn nhìn đăm đăm lên đỉnh núi.
– Đúng núi đẹp lạ! Tự tại thanh thản trong sương mù, phù vân và vĩnh cửu như đời. Không biết người có trong đó không?
– Người nào?
– Một vị đại tiền bối.
– Đạo sĩ ở ẩn hả?
– Không, tiền sử. Trước hoặc cùng thời với khủng long.
– Thế mà tìm! Đồ… đồ đá!
Một tràng cười rổn rảng vang lên làm những chú chim đang rỉa lông rỉa cánh trên cỏ bay vụt lên.
– Nói với chúng mày còn thua nói với đầu gối?
– Thế vị tiền sử đó là ai vậy?
– Thông hai lá dẹt!
Tiếng cười lại vang lên. Giòn tan, khoẻ khoắn.
– Chúng mày chịu tiền, tao sẽ dẫn lên quần sơn Lang Bian – Bidoup để chiêm ngưỡng người. Đó là một hoá thạch sống thật sự, tồn tại như một phép lạ sau những cơn thiên địa đổi dời hàng trăm triệu năm trước. Núi này có loại tùng quí, biết đâu… Gã bỏ lửng câu nói rồi dường như không kìm lòng được lại tiếp tục:
– Mười năm trước, một đoàn khoa học nước ngoài đã đưa giá 50.000 USD để rước về nước họ hai cây mà không được.
– 50.000 USD hai cây?
– Nghe tiền là sáng mắt. Thế mày tưởng tượng một con khủng long nếu còn giá bao nhiêu?
– Ừ hé! Nếu có, đốn về bán cho mấy nhà thực vật học mộng du.
– Đốn? Bước qua xác tao đã. Nếu đây mà có, tao nguyện dọn lên núi ở, lấy thân mình bảo vệ “sứ giả tiền sử” ấy!
– Ô hô! Hiệp-sĩ-thông-hai-lá-dẹt!
Họ lại ngoác miệng cười. Anh chàng bốn mắt, vai đeo máy ảnh chỉ góp cười mà không góp lời. Anh ta dán mắt xuống đất như sợ dẫm lên những cánh địa lan màu tím, màu đỏ… rập rờn theo những bước chân đi.
Họ là những kẻ mơ mộng!
° ° °
Những kẻ mộng mơ ấy đã sống như người mộng du giữa núi rừng mù sương và tĩnh lặng. Mùa xuân, đất trời thi nhau độ lượng. Chung quanh họ, thiên nhiên bày cảnh ái ân đầm ấm khắp nơi. Vẻ đẹp trần gian ở đây tuyệt vời đến nỗi anh chàng nghiện hoang sơ phát cuồng. Anh ta nằm lăn, hôn hít, nhảy tưng tưng vì khoái chí. Anh ta hí, gáy, hú, gầm… như thử tâm hồn đã đồng điệu cùng muông thú và hoang dã hay chưa?
– Phải xin cho thằng này làm kiểm lâm mất! Này! Vừa thôi, mày hú to thế vượn cái kéo đến cả bầy thì khốn.
– Nhưng sướng quá! Tao cứ muốn hét, muốn khóc, muốn quỳ lạy.
– Lạy ai?
– Lạy Thượng đế. Tôi tin có người từ vẻ đẹp của thiên nhiên. Giá tao biết hoa, lá, đá, suối… nói gì?
– Nói mày chập điện.
– Cũng được. Là lá la… và cứ thế anh ta cúi hôn một mảng rêu phong mọc mướt hình hài, liếm giọt nước mắt đá, vuốt ve một đoá hoa dại, thì thầm với lau lách… Núi rừng tinh khiết đã tắm gội linh hồn những kẻ trần tục. Họ lang thang suốt ngày, ăn uống đạm bạc mà vẫn cứ lâng lâng. Mới hai hôm, chàng tóc dài đã rủ rê được một nàng khỉ đuôi dài ngồi trên vai vạch tóc anh ta bắt chấy. “Hiệp sĩ thông hai lá dẹt” thì cứ vạch rừng nhằm hướng các cây cổ thụ cao ngất như anh chàng lực điền xưa kia ngóng cổ tìm cây tre trăm đốt. Chàng bốn mắt loạng quạng theo gió núi hoa ngàn, thỉnh thoảng lại hỏi:
– Chúng mày ngửi thấy gì không?
– Mùi hoa cỏ, lá mục…
– Cứ có gió là tao ngửi thấy một mùi hương dịu lắm, thanh lắm, lâng lâng váng vất.
– Mũi tao điếc hoặc là mày loạn khứu giác.
– Thật đấy! Mùi hương trốn tìm, thoảng có thoảng không. Ông tao bảo trong núi này có một giống lan quý, thơm thuyền hoặc và đẹp không thể tả. Ai thấy rồi không cất bước được.
– Lan gì mà dễ sợ vậy?
– Ẩn lan. Đành gọi thế!… Chúng mày thấy gì trên đỉnh núi không?
– Một con ngựa trắng tung bờm phi về phía đông.
– Chở ai không?
– Mây chở mây!
– Ông tao bảo ngựa chở một người con gái.
– Ông mày không được bình thường. Còn sống không?
– Ông tao đi biệt từ năm 51 tuổi, nếu còn sống năm nay khoảng 75. Cô tao bảo chắc ông tao chết vì lan.
– Vì lan? Hai cái miệng há hốc.
– Ừ! Đó là câu chuyện lãng mạn cuối cùng của thế kỷ hai mươi. Tao tin thế! Chúng mày nghe không?
Câu chuyện ấy được kể bên ánh lửa bập bùng trên cái nền cỏ mọc vốn là nền một ngôi biệt thự cách đây hơn nửa thế kỷ. Nghe nói xưa kia có trên trăm biệt thự như thế rải quanh sườn núi từ độ cao 1000-1400m, làm thành một khu nghỉ mát lý tưởng của người Pháp. Đô thị hoang phế bởi thời gian, chiến tranh và cả sự đập phá của con người nay còn lại những mảng tường cụt đầu, những bậc thềm rêu phủ, những hầm rượu chìm trong lau lách, những hàng chữ in mực rêu…
Cuối cùng thiên nhiên đã lấy lại những gì của nó!
° ° °
Người chùa gọi người đàn ông đứng tuổi say lan ấy là ông Lan Hữu. Ngày hửng chút nắng, có gió may đã thấy ông bước vào cổng chùa để đêm ấy thức đón lan Giáng Thu thơm lừng hương quế. Mồng 9 tháng 2 Âm lịch đã có ông chực sẵn chờ lan Ý Thảo nở. Mùa xuân, đàn ong vàng xúm xít trên chồi kim Phong Hội giục giã ông đón tàu xe, lội bộ cả đoạn đường gập ghềnh để lên chùa… Ngôi chùa nhỏ dưới chân đèo Hải Vân được gọi là chùa Lan. Đó là một thảo lư đúng nghĩa, lộng gió núi và biển nhưng “tứ thời tịch mịch hoa khai”. Sư trụ trì vốn là một nghệ nhân bon sai, quan niệm cái Đẹp chính là Đạo. “Trồng hoa cũng là cách hằng hóa tâm đạo, truyền tiếng nói thầm lặng cửa thiền”. Lan nở rải bốn mùa theo loại, ông Lan Hữu cũng bốn mùa lạy Phật thưởng lan. Chăng ai rõ về ông lắm. Chỉ biết ông trạc dưới năm mươi, khoẻ mạnh, khá phong lưu, ngủ chùa thường xuyên không ràng buộc. Nghe lan quý ở đâu cũng tìm đến xin ngắm hoặc mua. Đối với ông đó là loài hoa đẹp nhất vũ trụ, đẹp từ dáng rễ, dáng lá, từ hoa đến hương. Người trồng hoa và kẻ say hoa dần dần thành tri kỷ.
Năm ấy, như thường lệ, người chùa Lan lại làm một cuộc ngoạn du nơi thâm sơn cùng cốc để tầm lan. Họ ra đi vào những ngày cuối đông. Những giò lan kiếm được lúc đem về nuôi rất dễ sống. Chuyến đi ấy, có ông Lan Hữu tham dự.
Anh chàng bốn mắt ngừng kể nhìn ra ngoài trời. Trên cái nền đen nhưng nhức, thăm thẳm của đêm núi rừng, họ bỗng nhận ra đất trời đang vũ hội. Hàng vạn đom đóm núi làm nên hội hoa đăng, chấp chới trên lưng muôn chiếc đèn tí hon chóp đỏ. Côn trùng tấu bản nhạc rừng man dại cho hoa cỏ dìu nhau. Tiếng mầm tách, cỏ hát, hoa cười, tiếng lá rơi khẽ khàng, thanh thản… Sự huỷ diệt, sinh tồn, héo tàn, rực rỡ diễn ra nhẹ nhàng thầm lặng trong bóng tối bao dung, dưới những ngọn nến xanh của những chồi thông non mới nhú trong cây Noel vĩ đại của đất trời. Anh chàng nghiện hoang sơ và hiệp sĩ thông hai lá dẹt đều biến thành trẻ con, nhào ra đuổi theo những ngọn đèn trong mơ. Sao trên trời. Sao trước mặt. Sao trên biển Đông từ những đốm lửa thuyền chài. Sao thực, sao mơ, sao xa, sao gần… chưa bao giờ họ được thấy nhiều sao như vậy.
Chàng bốn mắt kêu lên:
– Tụi mày có đọc những vì sao của Alphonse Daudet không? Tao tin đêm ấy cũng như thế này!
– Cái chuyện có cô chủ nhỏ buồn ngủ tựa đầu trên vai chàng chăn cừu trên núi chứ gì? “Hiệp sĩ thông hai lá dẹt” lên tiếng.
– Óc thúi rồi! Không một chút tưởng tượng. Đó là một vì sao mỏng manh nhất, sáng nhất, đẹp nhất, lạc đường bay, rơi xuống trần, đậu trên vai một kẻ trần thế! Lãng mạn thật! Hồi đó đọc xong, tao khoái quá, viết ngay một bức thư tình cho người tao đang yêu, trong đó có câu: “Anh mơ một vì sao rụng xuống vai anh”.
– Có effect không?
– Có! Nàng khen tao dân khoa học mà viết thư hay.
Tiếng cười cũng đượm mùi hương, một làn hương thật tinh khiết theo gió phả vào đêm rồi tan trong mênh mông thinh lặng.
Người kể chuyện thì thào:
– Nó đấy! Ngửi cứ lâng lâng muốn đi theo.
– Thôi cha! Cọp đợi bên bờ suối đấy. Vào kể nốt câu chuyện lãng mạn cuối cùng của thế kỷ đi nào!
° ° °
… Đến cửa rừng, các sư, các chú tiểu xếp áo tu hành cho vào túi, mặc như kẻ tục hành. Họ chia làm ba nhóm. Nhóm thứ ba chỉ có hai người – ông Lan Hữu và một chú còn trẻ rất sành lan được sư trụ trì gọi là Tâm Lan. Nhóm này đi theo hướng núi. Chính ngọn núi này đây. Họ lầm lũi trong cái rét tê buốt chỉ vì yêu lan. Một ngày nắng ấm họ gặp một dòng suối. Càng đi ngược dòng, niềm vui càng oà vỡ. Địa lan rập rờn như bướm. Thạch lan vươn những cái vòi thanh thoát với những màu sắc biến hoá diệu ảo. Cao hơn, những giò phong lan bám hờ hững vào cây, thả những chuỗi hoa, vươn những dáng lá đẹp mê hồn. Rừng thơm say đắm. Ông Lan Hữu ngồi bệt bên suối không muốn rời nhưng chú Tâm Lan níu áo bảo đi tiếp. Chú ngửi thấy một thoáng hương dường như xa lắm mà gió vẫn mang thấu nơi này, dịu dàng, dai dẳng.
Giữa trưa, họ đừng lại bên một thác bạc hùng vĩ cao đến hàng trăm mét, tựa như dải lụa vắt qua mây, triền miên hát điệu phù vân trên đá. Cạnh đó, trên ghềnh đá chênh vênh nhìn xuống lũng nhỏ, một giò lan trong mơ đang thả chơi vơi chuỗi ngọc trắng tinh khiết, đẹp kỳ ảo như ánh trăng. Cả vách núi xanh rêu bỗng bừng sáng bởi cái màu trắng trong vô tận ấy. Không gian ngan ngát mùi hương thanh dịu. Ông Lan Hữu quì vậy, chiêm ngưỡng giò lan trên vách núi. Ông không muốn rời lan, cũng không muốn lan rời chuỗi. Đau lòng lắm nếu tách nó ra khỏi khung cảnh thần tiên cô tịch này. Ông chỉ muốn chiêm ngưỡng và không muốn chiếm đoạt, muốn lưu giữ vẻ đẹp toàn bích đó trong mắt ông rồi mặc nó nở tàn trong đá. Ông nói điều ấy với chú Tâm Lan nhưng chú không hiểu. Chú đi tìm lan chứ không phải thưởng lan. Chú trèo lên rồi trườn ra ghềnh đá cheo leo, quên cả hiểm nguy để gỡ thận trọng từng mẩu rễ. Ông Lan Hữu khóc. Dường như có ai thò tay vào bóp quả tim ông khi những mẩu rễ màu trắng với những đường cong nét lượn bất ngờ, xoải ngang phóng túng bị tách khỏi đá. Bỗng một cơn gió thổi. Sương mù dưới thung lũng ùn ùn toả ra. Người và hoa khuất trong màu trắng đục dày đặc. Khi mù tan tác thành những hình thù kỳ dị nháo nhác kéo nhau đi, nhìn lên mỏm đá ông Lan Hữu thấy hoa còn nhưng chú Tâm Lan đã biến mất…
° ° °
– Rồi sao nữa? Hai cái miệng đồng thanh khi người kể chuyện bỗng câm bặt như hến. Có tiếng chân giẫm lên lá.
– Gì thế?
– Báo động. Nếu ngửi mùi cọp thì dọt lên cây mau.
– Mày thì nhát như cáy, khi nào cũng cọp. Tao e chừng “con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô”. Ra coi mau!
Nai không có nhưng trên mảnh sân lau lách một đôi thỏ rừng đang nhảy xổ vào nhau:
– Tại sao chúng đánh nhau dữ vậy?
– Chàng thỏ đang cố chiếm trái tim nàng thỏ.
– Bằng cách uýnh nàng chí tử?
– Nhưng chúng mày coi, thỏ đực chỉ nhắm túm gáy thỏ cái. Hễ trúng là nàng thua trận, mềm nhũn. Giao ước rồi mà!
– Ngộ nhỉ!… Xuống gần xem cho rõ nào!
Đôi thỏ rừng nghe động, chạy vụt vào bụi, nhưng bên hồ vọng nguyệt còn một chú gấu thò tay khoắng nước.
– Lạnh quá! Vào trong kể tiếp đi. Đang đoạn hồi hộp.
Người kể chuyện nhìn lên đỉnh núi. Con ngựa trắng vẫn tung bờm phi về phía đông. Trên lưng chở mảnh trăng gầy hiu hắt.
° ° °
Chú Tâm Lan tỉnh dậy trong một chiếc lán. Người chú như ai dần. Tay phải và chân phải đều đau khôn tả. Chú nhớ mình đang ở trên một ghềnh đá gỡ những mẩu rễ lan. Vậy đây là đâu? Vực sâu hay cõi trời?… Mù hay mây? Chú cố ngồi dậy, nhưng không thể. Cảm giác đau khiến chú biết mình còn sống. Một thoáng hương dịu dàng khiến chú tỉnh hẳn nhìn quanh. Chiếc lán nhỏ đơn sơ nhưng gọn gàng chứng tỏ có người đang ở. Ngoài kia, trước mặt chú, trên vách đá, chao ôi là lan! Rộn ràng, sung sức, đủ màu, đủ vẻ. Giữa đám nhan sắc ấy, có cả nó. Vẫn cái màu trắng đến vô cùng ấy, vẫn dáng hoa kiều mị ấy, vẫn mùi hương thanh khiết ấy… Dẫu trong đám, nó vẫn riêng một cõi với vẻ đẹp hoàn chỉnh của một thiên sứ. Đang chiêm ngưỡng giò lan, chú bỗng nghe tiếng chân. Rồi một cô gái giắt đầy hoa lá tiến đến bên chú. Trong vòm lá di động ấy có cả một chú chim đang thản nhiên rỉa lông cánh. Chú Tâm Lan ngạc nhiên nhìn cô bé. Cô cũng giương đôi mắt nai ngó chú, dạn dĩ tò mò. Chú cụp mặt xuống không dám nhìn cô lâu. Còn cô, tự nhiên đưa tay sờ nắn những chỗ đau trên người chú mặc cho chú kinh hãi co rúm người lại. Cô bé đi ra rồi trở vào với đôi tay bụm đầy nước kề sát miệng chú. Nước trong tay cô chảy tràn xuống cổ, xuống áo khiến chú phải hé miệng. Nước ngọt và thơm lạ lùng. Do chú khát mà thấy vậy hay do mùi hương từ cái vòng đeo tay xâu bằng hoa dại của cô? Sợ hãi, chú nhắm mắt niệm Phật liên hồi. Khi chú mở mắt, cô bé đã đi khỏi lán.
Một người đàn ông chưa già mấy nhưng tóc trắng như bông lau, da vàng như lá úa chữa chân cho chú. Sáng nào ông ta cũng thay thuốc, bó lại bằng vỏ cây và cho chú uống một thứ nước sắc đắng nghét. Ông ta ít nói, câm lặng như núi, đi đứng chậm chạp, nét mặt buồn bã như người ốm. Còn cô gái thì ngược lại. Cô liến thoắng suốt ngày dẫu chẳng ai trả lời cô. Có lần cô hét bên tai chú Tâm Lan: “Nói gì đi chứ? Nói đi!”. Cô chăm sóc một vạt khoai sắn. Thỉnh thoảng gùi về một gùi nấm, măng, mật ong, gùi theo cả tiếng hát trong vắt lạc lõng: “Cây không biết nói. Núi không biết thưa. Một mình ta nói. Buồn ơi là buồn!”. “A di đà Phật”. Câu cuối cùng cô học của chú Tâm Lan.
Thú rừng với cô là bạn. Cô ríu rít trò chuyện với chúng bằng một thứ ngôn ngữ chỉ riêng cô và chúng hiểu. Đôi khi chú hoảng hồn nhìn một con nhím xù gai trong gác lán, một chú gấu con lững thững bên cô. Chú Tâm Lan thích nhìn cảnh cô huýt gió gọi chim như một nữ chúa rừng xanh hoặc vắt vẻo trên cây cùng sóc, cùng khỉ. Lán gần một con suối, ven bờ đầy cỏ mượt và hoa dại. Nhìn xa, bướm như làn mưa hoa, còn hoa đủ màu chấp chới như bướm. Cô ngồi giữa chúng như thể cô đã hoá thân thành chúng. Dần dần chú sợ hãi không nhìn những cảnh ấy nữa. Chú quay mặt vào vách lán và niệm Phật. Sự tĩnh lặng của chú thường bị khuấy động bởi từ đâu quanh đó, cô ném vào chú một thứ trái cây rừng. Cô ném giỏi lắm. Nếu chú từ chối quà tặng, lập tức cô sẽ thò tay vào túi lấy ra một viên cuội nhỏ màu trắng. Cô bắn nó chính xác đến độ kinh ngạc.
Ngày thứ tư, cô đem cho chú một điều bất ngờ – ông Lan Hữu. Ông gầy nhọ, hốc hác, trầy trụa vì đói và trèo, bò… Ông đang khốn khổ thì gặp cô. Ông hỏi thăm cô về người bị nạn và cô dẫn ông về đây. Chú Tâm Lan thở phào nhẹ nhõm. Từ đây, chú đã thoát nạn vừa nhắm mắt để cô đút ăn vừa niệm Phật sám hối. Ông Lan Hữu có thể dìu hay cõng chú rời khỏi nơi đây. Khác với sự khắc khoải của chú, gương mặt ông Lan Hữu sáng niềm bình an và hoan lạc. Cõi tiên chính là đây chứ đâu nữa – đầy vẻ đẹp và hương thơm trong lành và tinh khiết. Hai cha con chủ nhân cũng thật tuyệt vời. Ông bố bí ẩn như cây thông già. Cô con trong ngần như nước suối. Đối với ông, cô là giò phong lan tuyệt vời nhất. Cô tự nhiên, mạnh mẽ và thanh khiết như bà mẹ thiên nhiên. Cô dẫn ông đi hái nấm, ngắm lan rừng. Cô rủ ông trèo cây và trong khi ông ôm cây lóng nga lóng ngóng thì cô đã tót lên cao cười khanh khách. Có khi cô ngủ luôn ở đó, bám chặt vào cành, đẹp nao lòng như một nhành phong lan. Ông ngồi đợi cô dưới gốc cây. Còn cô bao giờ cũng dặn ông: “Đừng mét ba cháu. Ba cháu sợ nhất hai điều: Thấy cháu ngủ cây và nghe tiếng súng… đoàng đoàng…”. Mặt cô tái mét, hai tay cô bịt chặt tai bởi chính âm thanh mình phát ra. Dường như tiếng súng tưởng tượng ấy bắn trúng tim cô. Cô lắp bắp: “Hắn rơi xuống… hắn… đang… ngủ… hắn ngủ mãi rồi, không thức dậy chơi với cháu nữa”. Cô oà khóc. Ông không biết hắn là ai nhưng những giọt nước mắt trong veo của cô làm ông bối rối đến muốn khóc theo.
Ông Lan Hữu trầm ngâm khi chú Tâm Lan bàn cách rời thung lũng. Chú tin rằng khoảng một tuần nữa chú chống gậy đi được. Chú cũng ngỏ ý nhờ ông Lan Hữu xin chủ nhân một giò lan quý dâng chùa. Ông Lan Hữu tần ngần chưa dám nói thì chủ nhân đã đoán ý ngỏ lời:
– Nó có hai giò tất cả. Trên kia một và đây một. Tôi không hiểu tại sao nó hiếm vậy nhưng nếu ông thích, ông có thể đem về một giò. Chỉ sợ thiếu đá núi để bám, khí núi để thở, sương núi để uống, nó sẽ chết…
– Chùa Lan cũng kề bên núi ông ạ!
– Thế thì được – Người đàn ông vàng vọt ngập ngừng rồi tiếp – Tôi có thể tặng ông cả vách lan với điều kiện…
° ° °
“Điều kiện gì?” Hai kẻ bó gối ngồi bên bếp lửa đồng thanh kêu lên nhưng anh chàng bốn mắt lém lỉnh đã tốp lại đúng lúc. Anh ta bảo muốn ngủ một giấc để có sức đi tìm thung lũng ngàn hoa. Anh ta tin nó có thật trên đời như hiệp sĩ thông-hai-lá-dẹt tin có vị sứ giả tiền sử. Anh ta chui vào túi ngủ nhưng hai tên hóng chuyện đã lôi anh ta ra, gắn vào môi anh ta điếu thuốc. Ngoài kia rừng thông vẫn xạc xào trong gió. Cây chụm vào cây thủ thỉ. Gò đồi soãi những đường cong nét lượn thanh tân tắm ánh trăng non và trên cao, núi hiện ra trong mây mù, cô đơn và bí ẩn. Rít một hơi thuốc, người kể chuyện lại tiếp tục.
° ° °
… Tên Suối, năm nay nó 18 tuổi. Thế là đã 15 năm tôi bỏ phố lên rừng. Mười lăm năm ấy nó không hề được xuống núi. Mỗi năm đôi ba dạo, tôi đích thân gùi măng, nấm, mật ong xuống đổi gạo mắm. Nhưng sang năm, tôi e… không còn đi được nữa. Tôi sẽ được yên nghỉ cạnh em nó nhưng còn nó…? Giọng ông ta bỗng nghèn nghẹn, đứt quãng rồi lại vang lên đều đều như tiếng suối chảy miên man.
Con người có thể thay đổi đến nhận không ra. Mười lăm năm rồi tôi không ăn một miếng thịt thú, nhưng mười lăm năm trước đó tôi là một sát thủ rừng xanh. Tôi lội nát những cánh rừng để đáp ứng nhu cầu cho những nhà thuốc đông y, những quán nhậu, những tay buôn lậu thú quí hiếm… vừa có tiền vừa thoả mãn nỗi đam mê man rợ khi thấy những con thú dũng mãnh, đẹp đẽ nằm sóng soài, bất động trước tài bách phát bách trúng của mình. Tôi có vợ, sinh con bé này… Rồi vợ tôi lại có thai… Một lần, tôi hạ một con khỉ chó mặt đỏ. Nó rơi xuống trước mặt tôi, không chỉ một mình, trong ngực nó là một chú khỉ con đang bám vú mẹ. Máu từ người mẹ nó xối xuống nó mà nó vẫn bú, mắt mở to ngơ ngác nhìn tôi. Khỉ mẹ chết, ánh mắt kinh hoàng đau đớn. Khỉ con chết theo mẹ hai hôm sau. Tôi đem chúng về nhờ người bán thuốc nấu cao cho vợ tôi uống mong rằng khi sinh con trai, nó sẽ cứng cáp… Vợ tôi sinh một đứa con trai bình thường như mọi đứa khác. Nhưng một tháng sau, tiếng khóc nó cứ e é như khỉ… Đôi con ngươi đổi màu rồi mù… Da sạm lại và mọc lông… Vợ tôi bỏ đi… Tôi tuyệt vọng muốn tự tử… Thế rồi… tôi bỗng nhớ ra cái thung lũng kín đáo tuyệt vời tôi phát hiện được trong một chuyến đi săn… Lúc đó con bé này ba tuổi. Thằng em nó mười một tháng.
– Cháu đâu rồi?
Người đàn ông già đưa tay chỉ cái gò be bé như nấm mồ bên bờ suối, giọng ráo hoảnh:
– Nó… nằm đó! Nó dễ nuôi lắm, chỉ cần chút cháo, trái cây rừng mớm vẫn lớn. Nó thích ngủ cây… thích chuyền cành… thích rúc vào ngực tôi… thích ngửi tay chị nó…
Ông già bỗng im bặt. Thế nhưng ông Lan Hữu vẫn nghe tiếng lô xô của ngàn con sóng âm thanh thổn thức. Bóng ông ta đông lại trong nỗi buồn khắc nghiệt. Ông Lan Hữu cũng im lặng. Vang trong đầu ông, giọng hát lảnh lót của cô bé: “Cây không biết nói. Núi không biết thưa”.
Tu một ngụm nước, nuốt vội nỗi nghẹn ngào, cái giọng trầm đục ấy lại vang lên như cố trút cho xong câu chuyện:
– Con Suối lớn mau, khoẻ như cây rừng, nhanh như con nai con sóc, đẹp như giò phong lan. Tôi không bao giờ kể chuyện dưới ấy nhưng nó vẫn trèo lên đỉnh nhìn về phía ấy. Nó thích cài hoa soi bóng dưới suối. Rồi một ngày… tôi bắt gặp nó ngủ trên cây… Tim tôi thắt lại vì sợ hãi… Nó không hề có nét giống khỉ. Nó đẹp như bà chúa lan. Thế nhưng biết đâu, những người thợ săn lại hoa mắt…
Tôi lại bệnh nặng, một trong tứ chứng nan y. Tôi không sống nổi. Tôi dặn nó nếu tôi chết thì nó phải xuống dưới kia. Nhưng tôi biết dưới kia còn mất an toàn hơn ở đây vì nó không hề được trang bị để sống với con người.
– Và ông muốn tôi đem cháu về – Ông Lan Hữu cất tiếng hỏi.
– Vâng. Đem về và dạy dỗ nó những gì tôi chưa dạy. Xin ông đùm bọc nó bởi không chỉ rừng mới có thú dữ… Tôi chết nó mới chịu rời nơi này. Tôi phải chuẩn bị tinh thần cho nó. Hẹn ông Rằm tháng Hai.
Ông Lan Hữu đưa tay nắm chặt đôi bàn tay vàng bệch của ông già đau khổ. Từ đôi hốc mắt sâu hoắm tưởng chừng đã khô kiệt, những giọt lệ chầm chậm ứa ra như rỉ từ đá.
Gần đó, quay về phía mặt trời lặn, chú Tâm Lan đang tĩnh toạ. Dường như chú không nghe câu chuyện bởi vầng trán chú thanh thản thế kia! Còn cô gái, cô ngồi bó gối nhìn sững gương mặt sáng láng bất khả tổn thương ấy…
° ° °
– Cuối cùng sao mày? Đồ điêu, cứ ngừng ở đoạn hồi hộp.
Người kể chuyện lắc đầu:
– Nhưng tao chỉ nghe cha tao kể lại ngang đó.
– Tại sao?
– Vì ông cũng chỉ biết ngang đó.
– Xạo?
– Thật! Rằm tháng Hai, y hẹn ông tao trở lại thung lũng ấy… Chỉ có ngàn thông và suối hoa.
– Hay ông mày lạc đường?
– Không. Lũng nhỏ có thể nhiều nhưng kề bên cái thác như dải lụa vắt qua mấy từng mây thì chỉ có một. Ông tao bảo giò lan trên vách núi vẫn còn.
– Vậy thì họ đi đâu?
– Không biết. Chỉ biết ông tao trở về như người mất hồn. Đừng bảo tuổi già ổn định. Đấy chính là tuổi bất ổn nhất. Ông biến đổi hẳn.. Không hay lên chùa, cũng không say lan nữa. Ông hay xuống phố, vào chợ, thậm chí vào quán bia… Có lần tao đòi đi theo mua đồ chơi, tao thấy ông lạ lắm. Ông cứ dáo dác nhìn dòng người xuôi như nước như cố tìm ai, miệng lẩm bẩm: “Dòng đời như nước, biết cuốn về đâu?…”. Có nhiều khi ông ngồi dậy trong đêm, lặp đi lặp lại một câu: “Chẳng lẽ đó là một giấc chiêm bao?”. Ông không tin và ông bỏ đi tìm. Khi ông đi rồi, cha tao lên chùa Lan. Cha tao cố ý tìm giò lan hương sắc lạ mà ông kể nhưng ngoài những giống lan đã biết, không có giò lan nào như thế. Cha tao lân la hỏi, một vị sư trả lời: “Ba năm trước, chùa có một giò quí hiếm lắm nhưng cái đẹp thường phù du. Chăm sóc mấy, nó cũng cằn dần rồi chết”.
– Đó là giò lan chú Tâm Lan xin về?
– Không biết. Chùa Lan biết mấy lan đẹp, lan quí. Biết đó có phải là giò lan trên vách đá ấy không? Nhưng càng lớn tao càng tin. Con người cần tin để biết kiếm tìm như “Hiệp sĩ thông-hai-lá-dẹt”. Chúng mày có tin câu chuyện tao kể thì mai mình đi tìm cái thác ấy.
Họ chui vào túi ngủ. Anh chàng tóc dài lục đục mãi rồi chui ra, ngồi trên những bậc thềm rêu phủ nhìn lên đỉnh núi. Anh ta bỗng thấy trên lưng ngựa một bóng người, một cô gái tóc như dải mây, rực sáng như ánh trăng. Anh ta chạy bổ vào gọi bạn.
– Mau ra coi! Trên lưng ngựa có người!
Họ chạy ra. Núi hiện ra trong mù, cô đơn và bí ẩn nhưng trên lưng ngựa chỉ có làn mây trắng.
– Đồ xạo!
– Rõ ràng tao mới thấy mà! Hay đây là… ngọn núi ảo ảnh?./.