From: MY LOAN
Trang nhất ba tờ báo lớn của Paris ngày 15/09/2023 tập trung vào những vấn đề thiết thực với đời sống hàng ngày của dân Pháp.
Ngành xây dựng và mua bán nhà đất tại Trung Quốc bị đóng băng. Ảnh ngày 17/08/2023 chụp tại một công trường của tập đoàn Country Garden. AP – Ng Han Guan
Thanh Hà
«Mùa tựu trường ảm đạm vì lạm phát», tít lớn trên báo Le Figaro. Báo cáo mới về tình trạng các dịch vụ công, đặc biệt là trong hai lĩnh vực y tế và giáo dục tại Pháp được công bố, tờ Le Monde nhìn nhận chính phủ có đầu tư thêm nhưng «Nhu cầu lớn hơn nhiều so với những phương tiện đang có». Libération dành hồ sơ chính tổng kết chính sách «bình đẳng nam – nữ» từ khi tổng thống Emmanuel Macron lên cầm quyền năm 2017 : một sự «chắp vá để che mắt thiên hạ».
Trong trang quốc tế, cây bút Alain Frachon trên Le Monde nêu lên những mâu thuẫn trong kinh tế giữa «tư tưởng Tập Cận Bình với thực tế».
Mở đầu bài viết, tác giả nhắc lại năm 1978, GDP của Trung Quốc chỉ bằng 1 % so với của Hoa Kỳ. Hiện tại tỷ lệ đó là từ 75 đến 80 %. Nhưng sau ba năm đại dịch Covid, các đầu máy tăng trưởng tại Hoa Lục đang bị hỏng, từ xuất khẩu đến tiêu thụ nội địa hay đầu tư, công nghiệp …
Khác với 15 năm trước đây, hồi 2008 – khi khủng hoảng tài chính dấy lên từ Wall Street, các gói kích cầu của Trung Quốc đã tránh cho thế giới một tai họa. Lần này, Bắc Kinh thông báo một vài biện pháp lẻ tẻ khuyến khích tiêu thụ và đầu tư nhưng chẳng vì thế mà tình hình ở Trung Quốc «sáng sủa hơn», bởi công luận hoài nghi về đà bật dậy của đất nước trong tay Tập Cận Bình.
Từ khi «mở cửa» ra thế giới đến nay, kinh tế Trung Quốc đã trải qua nhiều thử thách nhưng lần này ông Tập chủ trương tất cả phải đặt dưới sự kiểm soát của Đảng. Ông sẵn sàng «kềm tỏa lĩnh vực kinh tế tư nhân để thiên về khu vực Nhà nước» cho dù các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động «kém hiệu quả». Hơn nữa, chỉ cần nhìn vào cách Trung Quốc đối xử với các công ty cũng đủ để giới đầu tư nước ngoài hoang mang.
Tạp chí Anh, The Economist từng ghi nhận lãnh đạo Bắc Kinh xem «an ninh toàn diện» của đất nước mới là tham vọng hàng đầu. Có nghĩa là «tăng trưởng trong ngắn hạn không phải là ưu tiên của đảng Cộng Sản Trung Quốc». Ông Tập Cận Bình «chuẩn bị cho Trung Quốc để đối phó với một cuộc xung đột dài hơi về kinh tế và có thể cả về mặt quân sự với Mỹ ». Nói một cách đơn giản,Trung Quốc đang có một tầm nhìn «xa», muốn đầu tư vào những công nghệ trong tương lai để tự chủ về phương diện này.
Nhìn từ Bắc Kinh, đương nhiên mục tiêu «an ninh toàn diện đó» chỉ có thể đạt được nếu như tất cả mọi việc –cả về đối ngoại lẫn đối nội, phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Theo cây bút bình luận của báo Le Monde, mâu thuẫn ở đây là Tập Cận Bình lại không trông cậy vào lĩnh vực tư nhân để đưa đất nước trở thành một nền kinh tế với những công nghệ tiên tiến nhất. Không có các doanh nghiệp tư nhân «năng động» và «vững chắc», tham vọng thống lĩnh thế giới nhờ công nghệ mới của ông Tập «chỉ là một giấc mơ».
https://freedom-vaca.org/vaca-blog-tieng-viet-nam/